25/05/2006 06:41 GMT+7

Bài 2: Để tránh "tiền mất, tật mang"

PHÚC HUY
PHÚC HUY

TT - Nhiều nhà thầu tìm mọi cách để bớt xén vật tư, "rút ruột" nhà dân. Tuy nhiên, để không bị "tiền mất, tật mang", bà con có thể tham khảo khuyến cáo của các luật sư và kỹ sư xây dựng.

lP8Z0c6f.jpgPhóng to
Bà con rất khó phát hiện nhà bị "rút ruột" (ảnh minh họa) - Ảnh: P.P.H.
TT - Nhiều nhà thầu tìm mọi cách để bớt xén vật tư, "rút ruột" nhà dân. Tuy nhiên, để không bị "tiền mất, tật mang", bà con có thể tham khảo khuyến cáo của các luật sư và kỹ sư xây dựng.

Bài 1: Đủ kiểu “rút ruột”

Bà con chịu thiệt

Trong vai một nhà thầu, chúng tôi tìm đến Công ty HTP (văn phòng tại khu dân cư Bình Phú, quận 6, TP.HCM). Tiếp chúng tôi, ông Đ., giám đốc công ty, không cần biết "năng lực nhà thầu" như thế nào, đi vào thẳng vấn đề ngay: "Nếu các anh mua vật tư của công ty chúng tôi, giá bán tư cách pháp nhân (gọi tắt là giấy phép) bằng 3% giá trị công trình. Sau khi ký hợp đồng, các anh phải nộp ngay 10% thuế giá trị gia tăng chi phí nhân công xây dựng".

Chúng tôi nhẩm tính: nếu công trình có giá trị xây lắp 500 triệu đồng, chẳng phải làm gì ông Đ. cũng "ẵm gọn" 15 triệu đồng. Chúng tôi hẹn "sẽ tính toán kỹ và trả lời sau". Ông Đ. quảng cáo: "Chúng tôi rất có kinh nghiệm, đã làm hơn chục vụ nên cứ yên tâm!".

Theo các nhà thầu, nếu không đi mua giấy phép (thuê công ty có tư cách pháp nhân đứng ra ký hợp đồng với chủ nhà), nhà thầu phải làm thủ tục với cơ quan chức năng, trưng giấy phép hành nghề khi có kiểm tra, chịu trách nhiệm nếu công trình xảy ra sự cố…Trong khi các nhà thầu thì không có đủ điều kiện để làm những việc này.

"Bán giấy phép" không còn là chuyện mà các công ty phải giấu giếm nữa. Thậm chí giấy phép được bày bán gần như công khai. Anh Lê Minh T., một nhà thầu xây dựng ở quận Bình Tân, cho biết lúc đang xây dựng công trình ở khu dân cư quận 6, nhân viên một công ty đã đến tận nơi để tiếp thị. Một công ty xây dựng có khi bán giấy phép cho hàng chục nhà thầu. Mức phổ biến thường là 5-7%, nhưng cũng có công ty đòi đến 10% giá trị công trình.

Một nhà thầu có kinh nghiệm "mua" giấy phép, nay đã đổi nghề, kể: "Nếu phải mua với giá 10%, một công trình giá trị 300 triệu đồng, chúng tôi đã mất toi 30 triệu đồng cho công ty bán giấy phép nên phải tìm cách thay đổi "mác", bớt vật tư. Cuối cùng chủ nhà là người chịu thiệt".

Kỹ sư Phan Phùng Sanh, phó chủ tịch Hội Khoa học-kỹ thuật xây dựng TP.HCM, cho biết hiện nay TP có khoảng 20.000 công ty liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, nhiều người thành lập công ty để bán tư cách pháp nhân, hưởng phần trăm hoặc nhận công trình rồi bán lại cho các đơn vị xây dựng khác để lấy chênh lệch.

Mặt khác, vì qua nhiều tầng nấc trung gian nên nhà thầu muốn làm đúng chất lượng công trình sẽ bị lỗ, vì vậy tìm cách bớt xén vật tư. Công ty xây dựng có uy tín không nhiều.

Trong khi đó, theo một kỹ sư xây dựng, các cơ quan chức năng khó "bắt giò" các công ty và nhà thầu. Vì thực tế hợp đồng thi công do công ty ký trực tiếp với chủ nhà, hợp đồng lao động trực tiếp ký với công nhân. Còn nhà thầu thì do công ty thuê để quản lý... công trình.

lca2wISR.jpgPhóng to

Luật sư Đặng Ngọc Châu - Ảnh: P.P.H.

Theo luật sư Đặng Ngọc Châu, Đoàn luật sư TP.HCM, để tránh rủi ro khi ký hợp đồng xây dựng nhà, chủ nhà cần lưu ý một số điểm cơ bản sau: nhà thầu phải đăng ký ngành nghề xây dựng hợp pháp và phải là người đứng tên trên hợp đồng xây dựng; qui định cụ thể, rõ ràng trong hợp đồng người chịu trách nhiệm và chịu chi phí xin giấy phép xây dựng, hoàn công; qui định rõ về chất lượng của vật tư như qui cách, xuất xứ, màu sắc, kích cỡ, chủng loại...; nhà thầu phải thi công theo bản vẽ thiết kế và dự toán đã thống nhất, các khoản phát sinh phải được hai bên thỏa thuận và ký biên bản bổ sung...
Cảnh giác với... hợp đồng

Ông Nguyễn Thanh Bình, phó giám đốc một công ty xây dựng, đang có ý định xây dựng căn biệt thự tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, diện tích 550m2. Trong hợp đồng, đơn vị thi công đề nghị chủ đầu tư trả tiền 80% giá trị khi công trình mới xong phần… khung. Nếu không am hiểu về xây dựng, chủ nhà dễ mắc bẫy với dạng hợp đồng như vậy.

Các chuyên gia cho biết phần móng xây dựng chiếm tối đa 30% giá trị công trình. Khi công trình xây dựng xong phần thô chiếm khoảng 50% giá trị công trình, phần còn lại là trang trí nội thất. Căn cứ theo tiến độ cụ thể mà khách hàng trả tiền cho nhà thầu. Thông thường khi ký hợp đồng xây dựng, chủ đầu tư chỉ tạm ứng cho nhà thầu khoảng 10% giá trị công trình để mua vật tư.

Sau đó, tùy theo tiến độ công trình mà ứng tiền, không nên ứng dư tiền cho nhà thầu mà phải giữ lại khoảng 10% giá trị công trình nhằm ràng buộc trách nhiệm về chất lượng. Mặt khác tránh tình trạng nhà thầu ứng tiền dư, sau đó đưa ra lý do vật tư tăng giá, vòi vĩnh thêm đòi chủ nhà tăng giá xây dựng hoặc "bỏ của chạy lấy người".

Một cán bộ Sở Xây dựng TP.HCM cũng khuyến cáo tiền tư vấn thiết kế mặc dù chiếm không lớn nhưng theo qui định, chủ đầu tư có quyền giữ lại 10% chi phí tư vấn. Sau khi công trình hoàn tất, đơn vị tư vấn thiết kế kiểm tra, xác nhận công trình xây dựng đúng thiết kế mới thanh toán hết phần còn lại.

Đối với đơn vị thi công thì nên giữ lại 5-10% giá trị công trình. Trong thời gian bảo hành một năm, công trình không có vấn đề về chất lượng mới thanh toán hết cho nhà thầu.

Ngoài việc thuê tư vấn thiết kế, nếu có điều kiện chủ nhà nên thuê giám sát, đơn vị tư vấn điều hành dự án để thay mặt chủ nhà giám sát công trình thi công, xem các điều kiện trong hợp đồng có hợp lý không trước khi ký.

Chi phí này chiếm khoảng 5-6% giá trị công trình. "Mặc dù có tốn thêm chi phí nhưng cái được là công trình đảm bảo chất lượng, không phát sinh nhiều rắc rối sau này", cán bộ Sở Xây dựng TP nói.

PHÚC HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên