![]() |
Ông Hoàng Tích Phúc, nguyên trợ lý bộ trưởng Bộ Thương mại, nguyên trưởng đoàn đàm phán ASEAN của VN, mở đầu cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về các vấn đề đặt ra từ AFTA.
* Từ những con số nhập siêu từ các nước ASEAN tăng liên tục, nhiều ý kiến cho rằng VN “mất” nhiều hơn là “được”. Ông có đồng tình với nhận định này?
- Trong sân chơi thương mại khu vực hay toàn cầu thì khái niệm “được”, “mất” không bó hẹp như vậy. Nhập siêu không hoàn toàn là bất lợi nếu nhìn nhận trên khía cạnh VN nhập phần lớn là nguyên vật liệu và máy móc, thiết bị, tức được chuyển giao khoa học-công nghệ tiên tiến trên diện rộng.
Ngoài ra, một lợi ích không thể không nhắc đến là AFTA đã góp phần thúc đẩy tiến trình cải cách và cơ cấu lại nền kinh tế, giúp VN định hình con đường để tham gia tích cực vào việc phân công lao động quốc tế. Tất nhiên, cuộc chơi nào cũng có mặt trái, đó là nhiều loại hàng ASEAN, tốt có, xấu có, đang tràn ngập một số chợ, len lỏi vào hệ thống các cửa hàng.
Theo Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính, từ 1-4-2005 VN giảm thuế (sớm hơn lộ trình thực hiện CEPT) cho 36 mặt hàng nhập từ Thái Lan thuộc nhóm hàng chế phẩm chăn nuôi động vật, clinker, ximăng, gốm sứ, máy điều hòa công suất lớn, máy lạnh và máy giặt. Đây là cách VN đền bù cho Thái Lan khi muốn hoãn thực hiện CEPT đối với 14 mặt hàng gồm linh kiện, phụ tùng xe máy và ôtô bán tải (hoãn chưa thực hiện từ 1-1-2006 như lộ trình đã đề ra). Như vậy, thuế đối với 36 mặt hàng này sẽ giảm phổ biến xuống mức 10%, chẳng hạn tủ lạnh, máy giặt giảm từ 20% xuống còn 10%, riêng clinker giảm từ 10% xuống 5%. Sang năm 2006, mức thuế lại được áp dụng theo lộ trình chung của CEPT. Đánh giá tác động của việc giảm thuế này, Bộ Tài chính cho rằng mức thuế mới sẽ làm giảm số thu thuế nhập khẩu năm 2005 khoảng 3,6 triệu USD, tập trung vào hai mặt hàng clinker và tủ lạnh. |
- Đúng là qua mỗi chặng đường cần có chút thời gian nhìn lại để biết ta đã đi đến đâu, làm được những gì. Nếu có những tổng kết, đúc rút kinh nghiệm từ thực tế thực hiện AFTA để hiểu hơn những gì ta đang mong muốn đạt được trên bàn đàm phán WTO thì vẫn tốt hơn.
Cũng giống như ta đang chơi trên một sân chơi nhỏ, như sân Hàng Đẫy chẳng hạn, nay bước qua sân Mỹ Đình với những phạm vi ràng buộc cao hơn. Luật chơi thật ra cũng giống nhau thôi, tất nhiên Hàng Đẫy nhỏ hơn, gọn gàng hơn nhưng nó cho ta những kinh nghiệm cần thiết để tự tin hơn trong sân chơi mới rộng lớn.
Nếu nhìn lại, nhận ra được chỗ nào ta đã sơ hở, vội vàng, chỗ nào ta vừa phải, chín chắn thì sẽ biết nên phát huy cái gì và nên điều chỉnh cái gì. Thêm vào đó, cơ chế AFTA cho phép ta áp dụng biện pháp khẩn cấp để bảo vệ thị trường nội địa khi một sản phẩm cụ thể được áp dụng theo chương trình CEPT gây ảnh hưởng đến sản phẩm cạnh tranh tương tự. Nếu chúng ta không có báo cáo nào về tác động cụ thể thì làm sao nói đến chuyện phòng vệ được!
* Nếu nhận định rằng doanh nghiệp (DN) VN chẳng hề bị ảnh hưởng hay tác động gì thì ông thấy có chính xác không?
- Hiện nay vẫn chưa rõ tác động đến mức nào bởi vì trên thực tế, đối với các loại hàng nhập khẩu từ ASEAN không phải hàng nào cũng được hưởng ưu đãi thuế theo CEPT. Ví dụ quí 1-2004 ta nhập 1,6 tỉ USD nhưng tỉ lệ hàng được hưởng ưu đãi chỉ chiếm 9-10%. Vả lại trong thời gian qua, sức cạnh tranh của DN trong nước cũng được cải thiện thấy rõ, trong một số lĩnh vực DN ta vẫn chiếm ưu thế đấy chứ!
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng kiến thức về AFTA nói riêng và hội nhập kinh tế nói chung là vô cùng. Ngay cả chúng tôi làm chuyên môn mà nhiều khi cũng cảm thấy mình nắm không hết, cho nên đòi hỏi DN phải hiểu thấu suốt về hệ thống CEPT để tận dụng hết những gì có thể là một điều rất khó.
Hiện nay các cơ quan nhà nước vẫn tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về AFTA, WTO để thường xuyên cập nhật thông tin cho DN. Nhưng phải nói rằng nhiều DN vẫn có cái gì đó thờ ơ, không dự nghe đến nơi đến chốn. Không biết có phải vì họ không thấy thiệt hại gì nên không mấy quan tâm chăng?
* Về tranh chấp thương mại, trong suốt thời gian qua chưa thấy các DN ASEAN kiện nhau ra tòa có phải vì trao đổi thương mại giữa hai bên còn thấp và giản đơn quá hay không, thưa ông?
- Có thể nói rằng cơ chế hợp tác kinh tế ASEAN được đặt nền tảng trên tinh thần hữu nghị. Cho nên mọi khúc mắc đều có thể giải quyết bằng con đường thương lượng, đàm phán, nhân nhượng. Thực tế vẫn xảy ra những bất đồng, mâu thuẫn trong tiến trình cắt giảm thuế, mà chẳng hạn mới đây là chuyện VN phải đền bù cho Thái Lan vì muốn hoãn thực hiện CEPT đối với 14 mặt hàng làm ảnh hưởng đến lợi ích xuất khẩu của Thái.
Tất nhiên, việc này đã được giải quyết thỏa đáng khi hai bên trải qua quá trình tham vấn nên không có chuyện phải lôi nhau ra tòa. Nhưng chính điều này cũng nhắc nhở chúng ta phải thận trọng khi thực hiện các cam kết, vì vào WTO thì chẳng còn chuyện thông cảm nữa.
* Xin cảm ơn ông.
Trong khi mặt bằng thuế nhập khẩu giảm dần, các hàng rào phi thuế quan như hạn ngạch, giấy phép... cũng dần dần được dỡ bỏ thì các hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn vệ sinh, bao bì... phải phát huy được tác dụng của nó. Thực tế đang diễn ra là hàng VN xuất qua các nước khác thì bị kiểm định chặt chẽ, nhưng ở chiều ngược lại thì khâu này dường như bị bỏ qua. Điều đó cũng giống như chúng ta đang tiếp thêm sức mạnh cho hàng nước ngoài cạnh tranh trên thị trường nội địa. Trách nhiệm của DN là phải tìm hiểu và phải biết trong ngành của mình mặt hàng nào được giảm thuế theo chương trình CEPT để tận dụng từng cơ hội. Còn về phía cơ quan nhà nước, để bảo hộ thị trường trong nước một cách hợp lý phải bắt tay rà soát các qui định về tiêu chuẩn kỹ thuật, cụ thể hóa tiêu chuẩn cho từng nhóm ngành, từng mặt hàng. Chẳng hạn một chai rượu vang nhập về VN phải đáp ứng các tiêu chuẩn gì, có loại giấy chứng nhận nào để chứng tỏ là đáp ứng được tiêu chuẩn đó, cơ chế kiểm định ra sao để phát hiện những trường hợp không đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, đặc điểm của các hàng rào kỹ thuật là nếu làm không khéo chúng sẽ trở thành sự phiền nhiễu và gây khó khăn khiến VN có thể vi phạm các qui định về hội nhập. Điều này có nghĩa chúng ta phải có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, các qui định phải minh bạch, công khai để tất cả các nhà xuất khẩu ASEAN đều biết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận