Phóng to |
Năm học 1963-1964, tôi học lớp 6 Trường cấp 2 Nha Trang, Thái Nguyên. Mùa đông ở Thái Nguyên lạnh lắm. Một buổi sáng cuối năm rét căm căm, chúng tôi ngồi trong lớp nép sát vào nhau cho đỡ lạnh. Thầy chủ nhiệm bước vào lớp.
Thầy không gọi chúng tôi lên bảng để kiểm tra như mọi ngày, thầy xuống đứng sát dãy bàn đầu và hồ hởi nói với chúng tôi: Mai là ngày mồng một tháng giêng năm 1964, tỉnh tổ chức mít-tinh tại sân vận động. Học sinh toàn trường ta cũng được dự mít-tinh... Mới nghe thầy nói đến đó, bọn tôi đã vỗ tay rào rào, miệng đồng thanh hô "Hu-ra". Thầy cũng cười rất vui rồi phổ biến mọi công việc chuẩn bị. Tôi được phân công mang cờ Tổ quốc.
Hôm sau chúng tôi đến tập trung theo giờ thầy dặn. Mới tinh mơ mà từ khắp các ngả đường đã đông nghịt người tiến về sân vận động thành phố. Khi vào trong sân, học sinh trường tôi đứng thành một khối phía trên đối diện với khán đài. Và vì tôi cầm cờ nên được đứng đầu hàng, đối diện với gió nên tôi càng thấy lạnh. Tôi quay lại giúi cán cờ vào tay thằng bạn đứng sau và nói: "Tao cho mày lên đứng trên!" Thằng bạn tôi vốn hay khôi hài điệu bộ, nên hắn nhún vui, rụt cổ và xoè ngửa hai bàn tay, ra ý nhường cái vinh dự cho tôi được đứng chắn gió cho nó: "Xin lỗi bạn nhé!"
Bỗng tôi thấy mình bị xô mạnh lên phía trước trong những tiếng hô vang của biển người: "Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!". Tôi vội ngước nhìn lên khán đài: Bác Hồ! Bác Hồ đang đứng trên khán đài giơ tay vẫy chào đồng bào. Tôi đứng gần lắm nên nhìn Bác Hồ rất rõ. Cảm giác mạnh nhất và rõ nhất là tôi thấy đôi mắt Bác sáng ngời như đang nhìn tôi âu yếm và hiền hậu. Tất cả gió rét tan đi nhờ ánh mắt Bác đem tới mùa xuân ấm áp. Tim tôi run lên vì sung sướng và hồi hộp. Tôi cố hết sức để giương cao lá cờ và không cho người đứng sau chen lên...
Rồi biển người bỗng im phăng phắc khi Bác bắt đầu nói chuyện. Với một học sinh lớp 6 như tôi lúc đó làm sao nhớ và hiểu hết những điều Bác nói. Mãi sau này đọc "Bài nói với đồng bào tỉnh Thái Nguyên và công nhân Khu gang thép" trong Hồ Chí Minh toàn tập, tôi mới có dịp ôn lại những điều Bác đã căn dặn hôm đó. Tôi chỉ nhớ khi Bác nói xong và Bác đi, tôi thấy sao mà thời gian trôi nhanh thế. Tôi tiếc sao Bác không nói chuyện nhiều hơn để tôi được ngắm nhìn Bác lâu hơn.
Buổi tối khi cả nhà tôi đã quây quần, tất cả mọi người ai cũng nói về Bác Hồ. Bố và chị tôi ở cơ quan nên cũng đến dự mít-tinh nhưng đứng ở khối phía sau nên chỉ nghe thấy tiếng Bác trên loa phóng thanh, anh tôi là công an nên đứng làm nhiệm vụ bảo vệ ngoài đường. Mẹ thì làm ở cửa hàng ăn, hôm ấy đông khách nên bận tíu tít suốt ngày. Đến lượt tôi kể thì cả nhà tròn mắt nghe rồi kết luận tôi là người may mắn và sung sướng nhất vì đã đứng hàng đầu, được nhìn thấy Bác, lại còn được cầm cờ Tổ quốc để đón Bác.
Hàng tuần lễ sau tôi bay bổng trong tâm trạng say sưa vì niềm vinh dự mà tôi tự ý nâng lên một mức là "mình đã được gặp Bác Hồ". Rồi niềm say sưa của con trẻ nhanh chóng qua đi theo năm tháng, cho đến một ngày sau đó 17 năm...
Ngày 2-9-1981, sau bao ngày tháng ước ao, chúng tôi được Phòng Giáo dục tổ chức cho đi viếng Lăng Bác. Trong dòng người lặng lẽ và trang nghiêm đi quanh linh cữu Bác, tôi lặng người đi. Chỉ một thoáng, tôi thấy Bác như đang an giấc, sau đó, sáng bừng lên trong tâm trí tôi là hình ảnh Bác trên đài cao đang tươi cười giơ tay vẫy gọi. Bác đang nhìn tôi trìu mến, tôi đang cố giương cao lá cờ...
Và rất nhanh, những câu thơ trong bài "Theo chân Bác" của nhà thơ Tố Hữu vang vọng trong trái tim tôi: "Còn những ai chưa được một lần/ Trong đời gặp Bác, hãy nhanh chân/ Tiến lên phía trước, trên cao ấy/ Bác vẫn đưa tay vẫy lại gần...".
Trong cuộc đời dạy học gần bốn chục năm của tôi, có biết bao nỗi vui buồn và bao nhiêu thay đổi. Nhưng hình ảnh Bác Hồ đang tươi cười trên đài cao thì suốt đời in dấu trong trái tim tôi. Và tôi đã luôn cố gắng giương cao lá cờ trong tim để "theo chân Bác".
Mời tham dự cuộc thi viết về Bác Mời bạn đọc tham gia viết bài cho hai chuyên mục “Hoạt động theo gương Bác” và “Bác Hồ trong tôi” trên trang Theo gương Bác của Tuổi Trẻ Online. Những kỷ niệm, ấn tượng về Bác Hồ, về tên gọi Hồ Chí Minh luôn sâu đậm trong lòng mỗi người Việt Nam, dù già hay trẻ, đã sống trong chiến tranh, trong công cuộc giữ và dựng nước hay sinh ra sau hòa bình. Những hoạt động đưa những lời dạy, tinh thần, tư tưởng của Hồ Chí Minh thấm sâu hơn nữa vào đời sống xã hội, vào từng cá nhân đang diễn ra trong mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tập thể... Các bạn hãy gửi đến cho chúng tôi, để cùng "nhớ Bác, lòng ta trong sáng hơn". Bài viết không quá 1200 chữ (font tiếng Việt, có dấu), gửi về Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, p.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, email: theoguongbac@tuoitre.com.vn), sẽ được chọn đăng trên báo Tuổi Trẻ và Tuổi Trẻ Online. Các bài viết được chọn đăng sẽ có nhuận bút. Mỗi tháng, ban biên tập báo Tuổi Trẻ TP.HCM sẽ chọn 2 tác phẩm hay nhất của mỗi chuyên mục để trao thưởng. Mỗi giải thưởng trị giá 1.000.000đ. Kính mời bạn đọc tham gia. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận