11/03/2012 13:31 GMT+7

Bác tôi

PHẠM THỊ MẬN (nguồn: www.netbuttrian.vn)
PHẠM THỊ MẬN (nguồn: www.netbuttrian.vn)

TTO - Bao nhiêu lần sẩy thai không thể nhớ hết được, bà sinh ra bác vào năm Canh Dần. Sau đó, bà sinh thêm được ba người con nữa là bố tôi, chú tôi, cô tôi. Vì phải làm chị cả của ba đứa em nheo nhóc, chẳng có gì ăn, lại làm quần quật suốt ngày nên người bác tôi bé như cái kẹo.

Ngày còn con gái, khi chúng bạn ai thấp nhất cũng chỉ 40kg thì bác chưa đầy 28kg. Nhìn bác, ai cũng nghĩ như đứa trẻ. Mười tám tuổi bác bắt đầu tham gia du kích và sau đó làm cô nuôi dạy trẻ đầu tiên của làng. Có thể nói bác là người đặt viên gạch đầu tiên xây nên ngôi trường mầm non của xã bây giờ.

Ngày ấy, chỉ có hai ba cô trông trẻ cộng với khoảng 10 cháu bé, ấy vậy mà cũng nên trường. Đến giờ Hội Cựu giáo chức của xã, của huyện vẫn luôn luôn nhắc công của bác. Chẳng ai nghĩ một con người bé nhỏ như thế lại có thể làm nên những điều thật lớn lao.

Có lẽ vì ngoại hình nhỏ bé cộng thêm sinh đúng năm Dần nên số bác vất vả. Hơn 30 tuổi bác mới về nhà người ta làm dâu. Lấy chồng xa, buộc phải chuyển công tác. Bác xin được vào làm tạp vụ cho một cơ quan nhà nước ở Hà Nội và từ bỏ nghề giáo viên mầm non mà bác yêu thích. Hằng ngày, bác đạp xe hơn 10km từ nhà chồng ở làng Đại Từ lên mãi tận Hoàng Diệu để làm việc.

Sáng nào bác cũng phải dậy từ 4-5g sáng để chuẩn bị đi làm. Buổi tối, bác về tới nhà khi bầu trời đã đen đặc một màu đêm. Rồi hằng tuần bác lại đạp xe hơn 40km về nhà thăm ông bà tôi vì hồi ấy ông tôi rất yếu.

Bác lấy chồng nhưng chẳng được nhờ chồng. Chồng bác là một người đàn ông rượu chè, sống không nghề nghiệp, hằng ngày ai thuê việc gì thì làm việc đó, còn không thì chỉ la cà quán xá thôi. Bác tôi dành dụm được ít tiền, mua cho chồng chiếc xích lô để kiếm cơm qua ngày. Nhưng người chồng cả ngày xay khướt đến để quên chiếc xích lô ở đâu cũng chẳng biết. Bác tôi xót của khóc mất mấy ngày liền.

Vì bác trai nghiện rượu nhiều năm nên hai người chẳng thể có con. Bác tôi đã vất vả, giờ lại càng héo hon, vàng vọt. Anh em nhà chồng thấy bác trai rượu chè, nhu nhược, còn bác gái chẳng có con nên họ đẩy hai vợ chồng xuống ở trong một căn buồng bé tẹo. Diện tích chỉ bằng 1/3 nhà của người em trai. Bác tôi hiền lành và ngẫm phận mình thiệt thòi nên cam chịu.

Rồi chồng bác ốm đau. Một tay bác chăm sóc, thuốc thang. Thiết nghĩ mình lấy chồng đã không được nhờ chồng, lại chẳng có nổi một mụn con để nương tựa lúc về già, lắm lúc bác chỉ muốn buông xuôi. Nhưng vợ chồng, thôi thì một ngày cũng nên nghĩa, Bác tôi không nỡ bỏ mặc người chồng ốm đau bệnh tật. Bác sẽ cố gắng xoay xở đến khi nào không thể nữa mới chịu thôi. Và bác trai sau hơn một năm đau ốm đã ra đi vĩnh viễn vì căn bệnh suy thận, để lại cho bác tôi sự cay đắng, tủi nhục vô bờ.

Sau 100 ngày bác trai mất, anh em nhà chồng trở mặt đuổi bác ra khỏi nhà với lý do bác không có con thì sau này không ai hương khói cho anh trai họ. Một thân, một mình nơi quê chồng, không ai bênh vực, cũng chẳng muốn cho các em của mình biết, bác tủi nhục tột cùng, đành phải dọn đi.

Bác không mang theo thứ gì, chỉ đem theo quần áo tư trang của bác và bát hương của chồng. Bởi bác tâm niệm, lấy chồng thì phải theo chồng, chồng chết, phải thờ chồng. Giờ không còn chỗ nào để hương khói nữa thì đi đâu, bác sẽ đem bát hương của chồng đi tới đó.

Cảm thương trước hoàn cảnh và trân trọng tình cảm của bác, lãnh đạo cơ quan cho bác ở nhờ trong một căn phòng. Vừa là phòng thường trực và đồng thời cũng là phòng ở. Vậy là hằng ngày bác không phải đạp xe đi đi về về nữa, bác ở lại luôn cơ quan. Một thân một mình hiu quạnh, chẳng biết làm gì, buổi tối bác tranh thủ ra vỉa hè bán xăng. Khu ấy nhiều nơi vui chơi giải trí nên bác bán cũng được. Thu nhập từ việc bán hàng cũng thêm thắt phần nào vào đồng lương nhân viên ít ỏi của bác.

Năm ấy bác đã hơn 40 tuổi, cũng chẳng thể nào sinh con. Để bớt hiu quạnh, bác tỏ ý xin chị tôi lên ở với bác. Thương bác, bố mẹ tôi đồng ý. Và từ đó, bác đón chị tôi lên ở cùng. Cả đời bác vất vả, tằn tiện, kiếm được bao nhiêu, bác chẳng dám tiêu, đều dành dụm gửi về cho các em, các cháu. Lúc thì em này làm nhà, khi thì em kia ốm đau. Lần nào về bác cũng mua kẹo bánh, quần áo cho các cháu. Cả nhà, cả họ ai cũng thương và quý trọng bác, bởi bác nghèo nhưng trọng tình nghĩa, sống có trước có sau.

May mắn cho bác, sau 20 năm công tác, xét hoàn cảnh của bác khó khăn, cơ quan phân cho bác một căn nhà tập thể. Dù nhỏ thôi nhưng đó cũng là nhà của bác. Vậy là từ đó bác đã có nhà, bác không còn phải sống cảnh ở nhờ nữa.

Không chỉ có mình chị tôi, tôi và các em tôi cũng lớn lên ra Hà Nội học. Tất cả, bác đều đón về nhà bác ở. Bác bảo bác không giàu có gì nhưng bác muốn đón tất cả các cháu về sống cùng bác, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Bác còn thì bác không muốn đứa nào trong số anh chị em chúng tôi phải ra ngoài ở trọ cả. Và lần lượt tôi, em trai tôi, các con nhà cô tôi, chúng tôi đều lên sống cùng bác.

Khi chúng tôi đều đã ra trường, đi làm. Chỉ còn lại chị gái tôi lấy chồng và vẫn sống cạnh bác. Bác bàn với anh chị bán ngôi nhà đó đi. Ai cũng phản đối. Nhưng đến khi biết bác muốn bán ngôi nhà đi vì thời điểm ấy, đất ở khu vực Hồ Tây giá rất cao, bác muốn ở đó vì không gian yên tĩnh, sạch sẽ. Nhưng nếu đi mua nhà chỗ khác thì chắc chắn sẽ có một căn nhà rộng rãi hơn, đẹp hơn để anh chị tôi tha hồ ở, con cái anh chị và cả con cái chúng tôi sau này lên chơi sẽ có một không gian rộng rãi để vui đùa. Số tiền dư ra bác sẽ chia đều cho các em, các cháu.

Ngày bác gọi tất cả chúng tôi lên, bác ôn tồn nói: “Đây là số tiền bác có được nhờ bán ngôi nhà cũ. Nhà thì bác cũng đã mua rồi, đồ đạc trong nhà cũng đã sắm cả. Bác cũng đã gửi tiết kiệm được một khoản để tĩnh dưỡng tuổi già. Bác đã gửi về cho bố mẹ các cháu, cho chú thím trong Sài Gòn. Còn lại dù chẳng đáng là bao, nhưng bác sẽ cho từng đứa để có vốn làm ăn. Bác cũng chẳng bao giờ có nhiều tiền, Nếu không có dịp này thì bác sẽ không có lúc nào cho các cháu được. Dương và Hạnh ở trong kia, bác sẽ gửi bưu điện vào sau”.

Chúng tôi nghe tới đây mà đứa nào sống mũi cũng cay xè. Xưa nay chúng tôi mải mê với những chuyện học hành rồi sau này là những cơm áo gạo tiền, chúng tôi hoặc ích kỷ chỉ biết nghĩ cho mình hoặc vô tâm không bao giờ nghĩ về bác. Thậm chí những ngày sống cùng bác, chúng tôi còn cãi lại, còn đòi ra ngoài sống cùng bạn bè cho vui, cho thoải mái vì ở cạnh bác lúc nào bác cũng căn vặn bảo chúng tôi phải thế này hay không được thế kia.

Chúng tôi đâu có biết bác đang dạy chúng tôi về cách đối nhân xử thế. Về bài học làm người. Dù không đứa nào nói ra, nhưng tận trong sâu thẳm lòng mình chúng tôi vẫn luôn luôn biết ơn bác. Bởi bác đã cho chúng tôi một bài học rất sâu sắc về tình cảm gia đình, sự sẻ chia.

Bây giờ, mỗi dịp cuối tuần, chúng tôi đều đưa con lên chơi với bác. Bác đã già lắm rồi. Chị em tôi cầu mong bác sẽ sống mãi cùng cháu con. Bác không có con, nhưng tất cả chúng tôi sẽ đều là con của bác. Cảm ơn cuộc thi Nét bút tri ân đã giúp tôi có cơ hội bày tỏ niềm yêu kính, biết ơn đối với bác mình.

PHẠM THỊ MẬN (nguồn: www.netbuttrian.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Nét bút tri ân