Phóng to |
BS Trương Thìn |
Tiến sĩ y khoa tuổi 29Một người, một trái tim, một chữ tâmY Đức xuống dốc: đừng đổ lỗi cho cơ chế thị trường
Tôi đến thăm bác sĩ Trương Thìn ở Viện Y học dân tộc (YHDT) - nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, cơ ngơi của anh là một căn gác nhỏ "ngoi lên" giữa um tùm cây trái nằm ở một góc mé sau của viện. Hôm ấy là ngày thường, vậy mà anh Thìn lại có nhiều khách, mà toàn là những người quen biết: vợ chồng họa sĩ Trịnh Thanh Tùng, họa sĩ Trần Hoài, họa sĩ Thân Trọng Minh...
Khách tự tìm lấy chỗ ngồi vì căn phòng nhỏ ngổn ngang những tranh và tranh: bức đã lồng khung, bức chưa, rồi mực, màu... Trong một góc phòng có kê cây đàn Organ Yamaha và cả chân micro, phía bên kia - nằm chông chênh trên đống tranh là cây đàn ghi-ta thùng bám bụi.
Quả thật, nhìn những gì trong căn phòng này, người ta sẽ nghĩ chủ nhân của nó là một nghệ sĩ chứ không phải là một thầy thuốc - mà là thầy thuốc nổi tiếng: Bác sĩ Trương Thìn - nguyên Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, hiện là Phó chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam, Chủ tịch Hội Châm cứu TP.HCM, Chủ tịch Hội Đông y TP.HCM, chuyên nghiên cứu và giảng dạy y học Đông phương... Thế nhưng, tâm hồn anh và những gì anh bộc lộ thì lại mang phong cách của một nghệ sĩ - một nghệ sĩ đích thực!
Nếu bạn có dịp đến thăm Viện YHDT, sẽ thấy không gian ở đây không giống với bất kỳ một cơ sở chữa bệnh nào khác. Điều lạ nhất là ở tất cả các phòng bệnh (và cả ở hành lang, lối đi) đâu đâu cũng đều có treo tranh ảnh, mà theo như chị Ngọc Thúy - vợ của họa sĩ Trịnh Thanh Tùng là đã xóa đi cái cảm giác lạnh lẽo của những bức tường vôi trắng thường thấy ở các bệnh viện khác.
Bao quanh Viện YHDT là khu vườn tượng rợp bóng mát nhưng rất sạch sẽ mà các bệnh nhân (và cả những người không bệnh) rất thích được thả bộ, nhàn tản hoặc thư giãn trong một không gian thật yên tĩnh (mùa thi, các SVHS thường vào đây ôn bài). Trong vườn tượng có y miếu thờ các vị y tổ, có những mảng cây xanh, tre trúc và hoa lá (phần nhiều là cây thuốc). Rải rác quanh vườn là những bức tượng các vị danh y Việt Nam và tượng của các nghệ sĩ đương thời (Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng...) mà trước mỗi bức tượng đều cắm đầy những chân nhang.
Cái ý tưởng đưa nghệ thuật vào cơ sở chữa bệnh là do bác sĩ Trương Thìn khởi xướng và Viện YHDT là nơi lý tưởng để anh thực hiện những "công trình" nghệ thuật của mình. Hơn 10 năm nay, thỉnh thoảng Viện YHDT lại tổ chức những đêm thơ nhạc (có chủ đề), khán giả là vài chục vị khách mời và bệnh nhân, ca sĩ - nghệ sĩ biểu diễn là tập thể các y bác sĩ mà tiết mục đọc thơ và hát trường ca của bác sĩ Trương Thìn là không thể thiếu.
Mười năm trước, tôi đã từng nghe anh hát Kiều ca Một xe trong cõi hồng trần (bài hát này anh sáng tác trong 6 năm (1990-1996), phổ nhạc tất cả những đoạn thơ hay trong Kiều). Tiếng ghi-ta thùng rải đều trong đêm vắng. Giọng Huế của anh nhỏ nhẹ, ấm áp dẫn dắt người nghe vào từng diễn biến, từng giai đoạn trong cuộc đời đầy sóng gió của Kiều. Đêm nguyên tiêu rằm tháng giêng Bính Tuất vừa rồi, anh tổ chức đêm thơ nhạc Y đạo ca Lãn Ông trở về quê hương yêu dấu (phổ thơ từ Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác).
Phóng to |
Tranh xé giấy của Trương Thìn |
Trương Thìn là vậy, 65 tuổi vẫn có một sức sống dồi dào và khả năng sáng tạo thật phong phú mặc dù anh đã có một “tài sản” lớn ở nhiều lĩnh vực: thơ cả chục ngàn bài, nhạc 4-5 trăm bản, tranh hơn nghìn bức, tượng "đục" cả trăm... Tuy tốt nghiệp chuyên môn về Tây y (Đại học Y khoa Sài Gòn) nhưng anh lại chuyên tâm nghiên cứu các tinh hoa văn học cổ truyền. Anh bảo, bản sắc văn hóa trong y học gồm 6 chữ: Nhân bản, Y đạo, Y lý, Y thuật, Y nghệ thuật và Y đức.
Thế nên bên cạnh những công trình nghiên cứu thuộc phạm vi y thuật, châm cứu và thuốc men thì anh rất chú ý đến y nghệ thuật. Đó là "tìm thuốc trong nghệ thuật" thông qua các hình thức âm nhạc, hội họa, thi ca... Truyện Kiều của Nguyễn Du luôn tạo cho anh nguồn cảm hứng. Năm 2005, anh lại hoàn tất một Kiều ca thứ 2 Bên bờ khát vọng. Ngoài ra, Trương Thìn còn phổ nhạc rất nhiều trường ca: Chinh phụ ngâm (Đoàn Thị Điểm), Lãn Ông trở về quê hương yêu dấu (Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác), Đoạn trường vô thanh (Phạm Thiên Thư), Cõi sinh tử, Thượng đế bày chơi... và phổ những tập thơ của Bùi Giáng, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Bích Khê...
Hồi trước tôi thấy anh vẽ tranh sơn dầu, sơn mài rồi mực tàu, màu nước nhưng nay hình như anh thích sáng tác tranh xé giấy. Ở một góc sân thượng, luôn có một đống đất sét và những khuôn tượng anh đang làm dở. Thơ của anh, nhạc của anh chỉ để đọc, để hát với bạn bè, với dăm ba tri kỷ. Tranh, tượng của anh chỉ để bày biện cho bệnh nhân ngắm. Vậy thì anh là... thầy thuốc hay nghệ sĩ ?! Anh trả lời: "Tôi không phải là nhà thơ. Tôi không phải là nhạc sĩ. Tôi không phải là họa sĩ. Tôi chỉ là một thầy thuốc. Một thầy thuốc luôn đi tìm thuốc trong nghệ thuật !".
Xin trích vài đoạn trong bài thơ dài 4 trang A4 của Hồ Thanh (họa sĩ Hồ Tịnh Tình) về "người thầy thuốc đặc biệt" này: "... Trầm tư mà hồn nhiên. Hân hoan mà tĩnh lặng... Làm nhạc như thở. Vẽ tranh như múa. Làm thơ như hát. Làm người thầy thuốc như gã rong chơi... Có một Trương Thìn của gia đình. Của bạn bè. Của những người yêu thấp thoáng bốn phương trời... Của những bệnh nhân đang chờ đợi. Hãy tin. Ở đó có Trương Thìn đang tất bật. Đọc, viết, nghiên cứu, vẽ vời, ca hát, nhảy múa... Và đang hướng ánh mắt yêu thương. Về phía mọi người". (Trương Thìn - một và vô cùng - Hồ Tịnh Tình).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận