15/12/2015 09:55 GMT+7

Bắc Kinh tung lưới, nhiều tỉ phú gặp nạn

MỸ LOAN (myloan@tuoitre.com.vn)
MỸ LOAN (myloan@tuoitre.com.vn)

TT - Giới doanh nhân Trung Quốc gần đây gặp đại hạn khi liên tục biến mất một cách bất ngờ và sau đó là có thông tin bị bắt giữ, bị điều tra và thậm chí là chết trong tù.

Nhân viên Fosun trong hội nghị thường niên ngày 14-12. Ảnh nhỏ: Tỉ phú Quách Quảng Xương, lãnh đạo của Fosun - Ảnh: Reuters
Nhân viên Fosun trong hội nghị thường niên ngày 14-12 - Ảnh: Reuters

Sau một ngày rưỡi mất tích “bí ẩn”, hôm qua tỉ phú giàu nhất Trung Quốc Quách Quảng Xương xuất hiện trở lại và tuyên bố đã vắng mặt một thời gian ngắn là để giúp giới chức ngành pháp lý Trung Quốc trong một cuộc điều tra.

Tuy nhiên, ông Quách không cho biết đó là cuộc điều tra gì và liên quan đến ai.

Cốt lõi nằm ở các mối quan hệ có quá nhiều vấn đề giữa giới doanh nghiệp và chính quyền. Các doanh nghiệp phải thông đồng với những thế lực chính trị cầm quyền và khi những thế lực mới lên thay thế thì doanh nghiệp sẽ lãnh đủ

HỒ TINH ĐẨU (giáo sư kinh tế của Viện Kỹ thuật Bắc Kinh)

Năm đại hạn

Báo South China Morning Post cho biết Quách Quảng Xương là chủ tịch Tập đoàn liên kết và đầu tư quốc tế Phục Tinh (Fosun International), thường được mệnh danh là “Warren Buffett” của Trung Quốc.

Trong thời gian bất ngờ biến mất, tất cả mọi giao dịch chứng khoán liên quan đến Fosun ở sàn chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải đều bị ngưng trệ.

Trong hội nghị thường niên của tập đoàn tổ chức hôm qua tại một khách sạn ở Thượng Hải, ông chủ Quách nói về các chiến lược của Fosun, nhưng tuyệt nhiên không đề cập đến chi tiết cuộc điều tra.

Một nguồn tin từ cơ quan an ninh Trung Quốc cho biết tỉ phú Quách từng bị đưa đi thẩm vấn hồi tháng 7-2015.

Trong lần bị đưa đi thẩm vấn cách đây mấy ngày, có thể tỉ phú Quách bị chất vấn do liên quan đến vụ phó chủ tịch Thượng Hải Ngải Bảo Tuấn hoặc nguyên phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc Diêu Cương bị điều tra hồi tháng 11-2015.

Năm 2015 có vẻ là năm “đại hạn” của nhiều tỉ phú, triệu phú của Trung Quốc. Cơn sóng thần chứng khoán đã cuốn đi của họ bạc tỉ trong thời gian ngắn. Những dấu hiệu kém của kinh tế và chính sách tài chính cũng khiến túi tiền của họ phập phồng.

Rồi nhiều trường hợp tử vong bất thường hoặc bị bắt càng làm dấy lên nghi ngờ về cuộc “thanh trừng” của chính quyền.

Đầu tháng 12-2015, tỉ phú Từ Minh - người có mối quan hệ mật thiết với cựu bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hi Lai - đã bất ngờ qua đời do bệnh tim khi đang ở tù. Trước đó, truyền thông Trung Quốc còn đưa tin “tình trạng sức khỏe và tinh thần” của tỉ phú Từ rất tốt.

Hồi tháng 11, một tỉ phú khác của Trung Quốc là Từ Tường bị bắt với cáo buộc “giao dịch ngầm và vi phạm quy định” trên thị trường chứng khoán.

Ông Từ là tổng giám đốc quỹ quản lý đầu tư tư nhân Trạch Yến ở Thượng Hải và được ví là “ông trùm trong lĩnh vực quản lý đầu tư tư nhân” ở Trung Quốc.

Tấn công tham nhũng tài chính

Hồi tháng 10, Ủy ban Thanh tra kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc phát tín hiệu sẽ tiến hành cuộc rà soát đầu tiên và quy mô lớn với ngành tài chính. Đây là giải pháp được cho là “sống còn” trong việc bình ổn lòng dân sau hàng loạt biến động của thị trường chứng khoán.

Giới chuyên gia cũng cho rằng đợt “dọn rác tài chính” này là để ổn định chính trị trong nước. Giáo sư Trường đại học Bắc KinhTrang Đức Thủy xác nhận hiện nay chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đang chuyển hướng nhanh sang khu vực tài chính, vốn là “pháo đài lợi ích của các tập đoàn tài chính”.

Ủy ban Thanh tra kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết đã cử tám tổ thanh tra đến làm việc ở 14 tổ chức tài chính lớn của nước này, trong đó có Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc và các ngân hàng lớn, công ty môi giới chứng khoán Trung Quốc.

Bằng chứng là sau đợt vỡ thị trường chứng khoán vừa qua, một loạt lãnh đạo của công ty môi giới chứng khoán lớn nhất Trung Quốc Citic và nhiều quan chức của Ủy ban Chứng khoán (CSRC) nước này bị điều tra.

Đầu tháng 12-2015, thêm hai lãnh đạo của Citic biến mất không rõ nguyên nhân. Các chuyên gia trong ngành tài chính đoán rằng hai người này đã bị nhóm thanh tra của CSRC đưa đi thẩm vấn.

Cùng thời gian, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc xác nhận chủ tịch Trương Vân của CSRC đã từ chức vì lý do cá nhân.

Thế nhưng trước đó, truyền thông Trung Quốc đưa tin ông Trương đã bị khai trừ đảng vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Ngân hàng Công thương Trung Quốc, một ngân hàng thuộc loại lớn nhất nước này, cũng tuyên bố phạt 137 nhân viên vì vi phạm kỷ luật.

Nhưng vẫn còn những nghi ngờ đối với động thái “chuyển hướng đánh tham nhũng tài chính” của chính quyền Bắc Kinh. Báo South China Morning Post dẫn lời một nhà nghiên cứu ở Bắc Kinh nói rằng chiến dịch lần này giống như một chiến dịch chính trị hơn là chống tham nhũng.

“Thật không công bằng khi trừng phạt các doanh nhân vì họ thật sự không có chọn lựa nào khác. Mỗi phi vụ kinh doanh khi muốn được êm xuôi thì họ cần phải có sự đổi chác với giới chức chính quyền”.

Các nạn nhân của Phiếm Á biểu tình trước Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc tại Bắc Kinh hôm 21-9 
- Ảnh: Reuters
Các nạn nhân của Phiếm Á biểu tình trước Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc tại Bắc Kinh hôm 21-9 - Ảnh: Reuters


Sàn giao dịch kim loại Trung Quốc lừa dân hơn 6 tỉ USD

Câu chuyện sàn giao dịch kim loại Phiếm Á (Fanya) ở Côn Minh lừa đảo hàng tỉ USD của các nhà đầu tư cá nhân tại Trung Quốc phản ánh những nguy cơ khó lường.

Trong những ngày này, sàn giao dịch Phiếm Á thấp thoáng bóng của nhóm thanh tra viên tài chính tìm cách giải mã vụ bê bối “khuất tất đầu tư” liên quan đến hàng tỉ USD của các nhà đầu tư bị bốc hơi.

Giới chuyên gia cho rằng bê bối tài chính ở sàn giao dịch kim loại hàng đầu Trung Quốc này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ chính trị và xã hội xuất phát từ nỗi oán hận của tầng lớp đầu tư lẻ đang ngày một dâng cao.

Số tiền tiết kiệm cả đời của họ bỗng chốc mất sạch trong tay chủ một sàn giao dịch mà họ cho là được nhà nước hậu thuẫn.

Báo Tài Kinh cho biết sàn giao dịch kim loại Phiếm Á được thành lập năm 2011 ở Côn Minh với mục đích tạo ra “ảnh hưởng toàn cầu” cho Trung Quốc trong việc cung cấp và định giá 14 loại kim loại hiếm và chiến lược.

Sàn giao dịch này cũng đã quảng cáo sản phẩm đầu tư đạt mức tiền lãi hằng năm đến 13,68%, cũng như nhiều điều khoản linh hoạt gửi và rút tiền dành cho nhà đầu tư.

Mọi thứ diễn ra suôn sẻ cho đến tháng 6-2015, khi hàng trăm nhà đầu tư kéo đến bên ngoài tòa nhà có sàn giao dịch Phiếm Á.

Họ la ó giận dữ đòi biết chuyện gì đã xảy ra đối với hơn 40 tỉ nhân dân tệ (6,6 tỉ USD) tiền đầu tư của họ vào sản phẩm “Nhật kim bảo” (trang sức vàng hằng ngày) do Phiếm Á bán ra.

Các nhà đầu tư cho biết sản phẩm “Nhật kim bảo” trước đó được truyền hình nhà nước quảng cáo rầm rộ. Còn Phiếm Á thì tự quảng cáo họ là sàn giao dịch do “nhà nước chống lưng”.

Vì phẫn uất, một nhóm nhà đầu tư đã mật phục bắt được chủ tịch sàn giao dịch này là Đơn Cửu Lương và đưa ông ta đến cảnh sát vào tháng 8-2015. Bên cạnh đó, nhiều nhóm đầu tư khác kéo đến các cơ quan, ban ngành của chính phủ ở Thượng Hải và Bắc Kinh để phản ứng và đòi tiền.

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức quản lý họ Liêu của sàn giao dịch Phiếm Á cho biết các cuộc điều tra đang được tiến hành và kết quả sẽ được công bố trong vòng hai tháng. “Chúng tôi kêu gọi các nhà đầu tư hãy kiên nhẫn” - quản lý Liêu nói.

Chính quyền thành phố Côn Minh mới đây khẳng định đang cho điều tra những hành vi “bất hợp pháp” ở sàn Phiếm Á và sẽ trừng phạt thích đáng nếu phát hiện hành vi phạm pháp.

Thế nhưng, giới đầu tư giờ đây bắt đầu hoài nghi những cam kết “cho có” của chính quyền cũng như khả năng lấy lại được tiền đầu tư.

Thực tế là vài tháng trước đó, chính quyền tỉnh Vân Nam còn đảm bảo Phiếm Á hoạt động hợp pháp khiến giới đầu tư đổ thêm tiền vào sàn giao dịch này.

“Nếu chính phủ quan tâm giải quyết vấn đề với Đơn Cửu Lương, có lẽ tình hình ở Phiếm Á đã được giải quyết một cách nhanh chóng” - một nhà đầu tư họ Vương ở Thượng Hải bức xúc.

Giới chuyên gia nhận định giới đầu tư nhỏ lẻ ở Trung Quốc thường tin rằng Ngân hàng Trung ương và chính phủ sẽ “bao lỗ” cho mọi sản phẩm của những sàn giao dịch như thế này. Từ đó nên họ yên tâm đổ tiền vào đầu tư mà không tính đến rủi ro.

Một quan chức quản lý chứng khoán giấu tên ở tỉnh Vân Nam cho biết hồi cuối năm 2014 cơ quan này từng chỉ ra rằng Phiếm Á vi phạm luật trong quá trình bán sản phẩm.

Song sau đó lại không nêu cụ thể Phiếm Á đã vi phạm gì mà chỉ nói rằng “nguy cơ là rất lớn” và không hề có động thái cảnh báo đối với nhà đầu tư.

MỸ LOAN (myloan@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên