Theo đó, các bị cáo Lê Văn Lang (trạm trưởng trạm bảo vệ rừng Rạch Tràm) Trương Văn Lớn (đội phó bảo vệ rừng ngập mặn), Phạm Đức Tú (nhân viên bảo vệ rừng trạm Long Thọ), Phạm Văn Ẩn (nhân viên bảo vệ rừng trạm Tắc Hông), Lê Ngọc Tuân (nhân viên bảo vệ rừng Rạch Gốc), bị tuyên y án sơ thẩm.
Không có cơ sở hủy án sơ thẩm
Theo HĐXX, bà Ánh Ngọc kháng cáo cho rằng tòa sơ thẩm xử các nhân viên hủy hoại đầm tôm của bà ở xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) vào ngày 26-2-2016 chưa làm rõ hết vai trò cầm đầu, chủ mưu của một số người khác như ông Trần Văn Tròn (đội trưởng đội bảo vệ rừng), ông Hồ Thanh Sơn (trưởng ban bảo vệ rừng phòng hộ).
Tòa sơ thẩm tách hành vi bắt người trái pháp luật ra thành vụ án khác là bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, qua thẩm vấn lời khai của bị hại, bị cáo, nhân chứng và những người liên quan cho thấy việc ông Tròn, ông Sơn làm theo chỉ đạo của ban giám đốc ban quản lý rừng phòng hộ để ngăn chặn việc bà Ngọc xây công trình không phép.
Trong quá trình thực hiện, những nhân viên thiếu kiềm chế, bức xúc dẫn đến việc hủy hoại tài sản chứ chưa có chứng cứ để khẳng định ông Sơn, ông Tròn chủ mưu, tổ chức cho 5 bị cáo ném 40 bao ximăng của bà Ngọc xuống sông…
Đối với việc kháng cáo không đồng ý tách riêng vụ bắt giữ ông Nguyễn Văn Ni (cha bà Ngọc), HĐXX phúc thẩm cho hay vừa qua có nhận được văn bản của cơ quan điều tra Công an huyện Nhơn Trạch giải thích chưa đủ cơ sở xử lý hình sự hành vi bắt giữ người trái pháp luật nhưng tòa phúc thẩm không xem xét.
Do vậy, tòa phúc thẩm đồng ý với quan điểm của tòa sơ thẩm tách ra thành vụ án để điều tra riêng về việc các nhân viên bảo vệ rừng trói ông Ni.
Riêng thiệt hại tài sản, tòa phúc thẩm cũng đồng tình với tòa sơ thẩm, hướng dẫn bà Ngọc khởi kiện dân sự đòi bồi thường hợp đồng. HĐXX giải thích việc các luật sư bảo vệ quyền lợi, hợp pháp cho bị hại yêu cầu hủy án sơ thẩm điều tra lại là không có cơ sở.
Trước đó, trong phần tranh luận, đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Nai cũng bác toàn bộ kháng cáo của bà Ngọc. Viện KSND cho hay việc không xử lý thêm hành vi bắt giữ người trái pháp luật vì cơ quan điều tra huyện Nhơn Trạch và Viện KSND cùng cấp đã thống nhất quan điểm không xử lý hình sự.
Đáp lại, luật sư Nguyễn Kiều Hưng bào chữa cho bà Ánh Ngọc đã lưu ý hội đồng xét xử: "Bị hại đang kháng cáo, tòa phúc thẩm chưa xử nhưng cơ quan điều tra có văn bản gửi nói không đủ cơ sở xử lý hình sự. Đây là thủ thuật lách luật.
Nếu đại diện Viện KSND lấy văn bản này để làm luận điểm thì có vi phạm pháp luật hay không? Tôi tin rằng người dân Đồng Nai sẽ nhìn thấy bản án này không đủ sức răn đe, ngăn ngừa tội phạm".
Luật sư Hưng dẫn ra những lời khai của nhân chứng, người có liên quan và đề nghị HĐXX làm rõ thêm hành vi lạm quyền và thiếu trách nhiệm trong khi thi hành công vụ đối với một số cán bộ chủ chốt của ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành.
Vợ chồng bị hại Nguyễn Thị Ánh Ngọc - Ảnh: H.M.
Dùng dùi cui đánh bà Ngọc, lấy súng gí thợ hồ
Đáng chú ý, trong phiên tòa phúc thẩm, các thợ hồ xây công trình cho bà Ánh Ngọc được triệu tập đến tòa đã khai ra nhiều chi tiết mới.
Nhân chứng Nguyễn Thanh Liêm nói: "Chiều 26-2-2016, tôi và ba người nữa đang dọn dẹp để đi về thì nghe tiếng nói ở dưới sông vọng lên 'mày chống đối đập gãy giò hết'. Sau đó 3 nhân viên bảo vệ rừng đi vào và một người cầm dùi cui đánh vào người chị Ngọc".
Trong phần xét hỏi, nhân chứng Nguyễn Thanh Liêm tiếp tục khẳng định: "Lúc đó tôi nghe chị Ngọc nói 'mấy ông đừng đánh cha tôi nữa'. Tôi sợ leo lên cái gác ở gian bếp trốn. Chị Ngọc lấy điện thoại cầu cứu thì có 3 nhân viên bảo vệ rừng vào giật điện thoại…".
Một thợ xây khác được mời làm chứng là Huỳnh Văn Hùng khai: "Chiều 26-2, ông Trần Văn Tròn vào chòi tôm bà Ngọc rút súng gí vào người tôi. Tôi nói đi làm phụ hồ, có phải tội phạm đâu mà mấy anh bắt…".
Những nhân chứng là thợ xây còn khai đã chứng kiến một số nhân viên bảo vệ rừng bắt trói ông Nguyễn Văn Ni. Sau khi ông Ni được cởi trói, bản thân họ cũng bị bảo vệ rừng khống chế đưa lên ghe áp giải về xã.
Trước khi phiên tòa tuyên y án sơ thẩm, bị hại Ánh Ngọc cũng liên tục phủ nhận lời khai của các bị cáo và một số nhân viên bảo vệ rừng được triệu tập đến tòa. Bà nói từ lúc bà tố cáo cát tặc thì nhân viên bảo vệ rừng liên tục làm khó.
Khi bà xin xây dựng để giữ đầm tôm ban quản lý bảo vệ rừng cũng né tránh, gây sức ép với người ủy quyền giao cho bà nhận khoán nuôi trồng thủy sản (có xác nhận của ban quản lý) để tìm cách hủy hợp đồng…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận