![]() |
Những người dân phải đối mặt với cuộc sống khó khăn sau cơn lũ dữ |
Hai ngày sau khi lũ quét đi qua, Sơn Động vẫn tan hoang và xơ xác trong cơn mưa rừng. Đó là những hình ảnh đập vào mắt chúng tôi suốt đoạn đường lầy lội từ trung tâm UBND huyện Sơn Động đến các xã An Lập, Lệ Viễn, Cẩm Đàn, Tuấn Đạo - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt lũ quét ngày 25-9.
Chỉ một đêm đi qua, cơn lũ đã để lại một Sơn Động với nhà cửa đổ nát, đường sá bị cày xới tung tóe, cây cối đổ ngổn ngang, những vạt lúa đang thì con gái ngã rạp và những gương mặt thất thần của người dân…
Bà Giáp Thị Ích, 55 tuổi ở thôn Chao, xã An Lập, vừa khóc vừa kể: “Khoảng gần 12 giờ đêm, trời bất ngờ mưa to xối xả, giống như đổ nước từ trong thùng phuy ra. Tiếp đó là những trận cuồng phong liên tiếp. Ngôi nhà gỗ ba gian vững chãi của gia đình tôi bắt đầu xê dịch theo từng đợt gió. Trời tối đen như mực. Không biết chạy đi đâu, hai mẹ con tôi chỉ biết chui xuống gầm giường trốn. Rồi bức vách căn nhà cũng từ từ đổ sập, thóc lúa, tài sản bị lũ cuốn đi hết. Hai mẹ con tôi vội vàng trèo lên mái nhà để tránh… Những gì còn lại sau nhiều năm tích cóp giờ chỉ là đống đổ nát”.
Theo thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Sơn Động, đến thời điểm này toàn huyện có bốn người bị thiệt mạng do nước lũ cuốn trôi, 287 căn nhà đổ sập, hơn 1.490ha lúa, hoa màu bị mất trắng, toàn bộ nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nghiêm trọng; khoảng 12.000 người thiếu lương thực... |
Ông Đàm Hồng Phúc - chủ tịch UBND xã An Lập - người to cao chắc khỏe là thế cũng phờ phạc sau mấy ngày cùng bà con khắc phục hậu quả của cơn lũ, nói: “Người già ở địa phương bảo chưa bao giờ thấy cơn lũ quét nhanh dữ dội và tàn phá ghê gớm như thế.
Cơn lũ kéo dài chỉ một đêm đã gây hậu quả nghiêm trọng: 400 hộ có nhà bị đổ sập, xiêu vẹo, tốc mái. Lũ quét cũng làm hư hỏng nặng 4km đường giao thông liên xã, tuyến đường điện xương cá kéo từ đường hạ thế vào nhà dân cũng bị đứt hoàn toàn; 160ha lúa, hoa màu của xã bị tàn phá nặng nề, ước tính thiệt hại lên đến hàng tỉ đồng…”.
Công tác cứu trợ khẩn trương
Ngay khi lũ quét xảy ra, các đồng chí lãnh đạo Bộ NN&PTNT, lãnh đạo tỉnh đã tới Sơn Động kiểm tra, động viên và trực tiếp chỉ đạo chính quyền và nhân dân Sơn Động khắc phục hậu quả lũ quét. Với phương châm “bốn tại chỗ”, UBND huyện Sơn Động đã trợ cấp ban đầu các hộ có người bị nạn 3 triệu đồng, hỗ trợ các hộ có nhà bị đổ 1 triệu đồng và 500 thùng mì tôm với tổng trị giá 150 triệu đồng.
Tại huyện Lục Ngạn, công tác cứu trợ đang được các cấp chính quyền từ huyện đến xã triển khai nhanh chóng, đồng bộ. Đến sáng ngày 28-9, gần 3.000 thùng mì tôm, 150 bình nước tinh khiết là hàng cứu trợ của tỉnh đã được chuyển đến bà con vùng lũ. Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã vận chuyển 200 thùng hàng gồm chăn, màn, xoong nồi và 100 bình nước hỗ trợ các địa phương huyện Lục Ngạn bị thiệt hại nặng. Ngoài ra, ngành y tế, nông nghiệp cũng đã chuyển hơn 2 vạn gói thuốc xử lý nước sinh hoạt cho nhân dân.
UBND huyện cũng đang phối hợp với ngành y tế, nông nghiệp triển khai công tác khử trùng, tiêu độc vệ sinh môi trường; chuẩn bị cây giống, vật tư phân bón phục vụ sản xuất để nhân dân ổn định cuộc sống.
Được biết toàn huyện Lục Ngạn có ba người thiệt mạng, cơn lũ cũng đã làm hỏng hoàn toàn 703 căn nhà, nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông, công trình thủy lợi, trường học, đường điện... bị hư hại nặng; 4.000ha lúa bị mất trắng hoặc giảm năng suất. Tổng thiệt hại ước tính hơn 400 tỉ đồng.
Trong nỗi đau thiệt hại về người, nhà cửa, tài sản, ruộng vườn, những người dân vùng lũ đang sống trong sự sẻ chia ngọt bùi của người dân, bà con chòm xóm. Những gói mì tôm được chia đều, những bữa cơm rau mắm trở nên đậm đà tình làng nghĩa xóm...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận