02/07/2007 20:12 GMT+7

Ba tôi - người thợ rèn

NGUYỄN NHƯ QUỲNH
NGUYỄN NHƯ QUỲNH

TTO - Đây là truyện ngắn đã đoạt giải cao nhất cuộc thi viết truyện ngắn do tạp chí Tiếp Thị & Gia đình tổ chức của tác giả Nguyễn Như Quỳnh (sinh 1983, sinh viên khoa quan hệ quốc tế ĐH KHXH&NV TP.HCM). Với lối viết dung dị, chân thành, Nguyễn Như Quỳnh đã đưa đến người đọc một câu chuyện thật xúc động.

*******************

Ba tôi mất lúc tôi còn trong bụng mẹ. Rồi cơ cực, rồi buồn tủi cũng kéo mẹ đi theo ba. Nội tôi - lúc ấy đã bảy mươi hai - bế tôi ra chợ lúc tôi tròn hai tuổi, với tấm bìa nguệch ngoạc chữ viết bằng than khiến ai nhìn cũng rơi nước mắt: “Ai nuôi dùm cháu tôi”.

Nói là chợ nhưng đấy chỉ là một nhúm người nhỏ tụ tập lại, trải mấy tấm nylon, bao bố, trên xếp những mớ rau, thau cá. Người sang hơn thì có hẳn chiếc bàn gỗ cũng vá chằng vá chịt. Ai cũng nghèo.

Mọi người ái ngại, người cho nội vài đồng tiền lẻ, người cho gói mì, lon gạo… nhưng không ai nhận nuôi tôi. Rồi một người thợ rèn tìm tới, không chỉ mang tôi theo, ông còn dẫn cả nội tôi về. Đó là ba nuôi tôi.

Ngày ba bế tôi trên tay, nội đi bên cạnh, nhỏ thó, ai cũng chặc lưỡi:

- Trời ơi, bà già lựa ai không lựa, lại đi lựa thằng đao phủ nuôi cháu mình thì có chết không!

Nhưng hình như họ quên mất, chính ba lựa tôi, chứ không phải nội.

Ba tôi – người đàn ông có thân hình của một đao phủ – dáng người ông to lớn, hai cánh tay cuồn cuộn rắn chắc, khuôn mặt xạm đen hung dữ, đôi mắt lạnh lùng, nhưng quả tim của ông lại là một điều kỳ diệu của tạo hoá.

Không như mọi người tưởng, tôi đã được nuôi dưỡng trong tình thương bao la của ba, người mà dù cuộc sống vẫn còn chồng chất những khó khăn, vẫn không ngần ngại nhận tôi về, phụng dưỡng nội tôi như ruột thịt .

Chưa một lần nào ba lớn tiếng chửi bới chúng tôi, có lần giận quá ông lấy roi mà đánh, nhưng những lúc ấy nước mắt không ở trong mắt chúng tôi mà là ở trong mắt ba - một người cha như bao người cha khác, dạy con mà thấy đau lòng mình.

Nói “chúng tôi” vì tôi cũng còn hai người anh trai nữa, cũng là ba nhận về nuôi khi còn rất nhỏ. Chúng tôi sống không đầy đủ, mà tôi từ bé lại ốm yếu, có hôm tôi khát sữa, ba phải chắt lấy nước cơm thêm đường cho tôi uống. Ngày tôi bệnh, nội bế tôi trên tay, ba đạp xe, cứ thế "hai má con" chở nhau trên chiếc xe đạp cũ lên tận thị xã khám bệnh cho tôi. Có hôm trời đổ giông, gió phất từng cơn thổi thông thốc vào nhà, mưa quất rát cả mặt, ba ôm chúng tôi bằng đôi tay to lớn, chờ cho cơn giông đi qua. Nhưng cuộc sống đó đối với tôi là thiên đường, nơi tôi tìm được một ngôi nhà mà trong đó, nồng nàn tình thương yêu, nồng nàn sự sẻ chia.

Ngày chúng tôi đến trường là ngày ba có thêm những nhọc nhằn. Từ lúc trăng còn treo trên ngọn tre đầu cổng, ba tôi đã dậy đốt lửa trong lò. Rồi cũng đến khi trăng lại treo ngọn tre, ba mới cho cây búa của mình nghỉ ngơi. Có những hôm lò rèn chúng tôi đóng cửa, chiếc xe đạp cũ kĩ của ba tôi lại lọc cọc đưa ông lên chợ xã, chợ huyện bán những lưỡi xẻng, lưỡi cuốc… Được bao nhiêu ba đưa hết cho nội, bảo nhờ nội lo cho chúng tôi.

Ở xóm tôi không có trường học, nên mỗi buổi học chúng tôi phải dắt nhau lên trường xã. Ở đó, mấy đứa bạn cùng lớp hỏi tôi:

- Mày ở chung với ông đao phủ hả?

Tôi trả lời:

- Tao ở với ba tao, ba tao là thợ rèn.

Chúng nó bĩu môi:

- Thì ông đao phủ làm thợ rèn chứ gì nữa!

Tôi gọi nơi tôi ở là xóm, nhưng nó lại là một cái làng thì đúng hơn. Nhà nào cũng rộng, vườn nào cũng thưa. Có khi hai nhà cách nhau đến cả trăm mét. Người ta ít ở nhà ban ngày, họ ra đồng cày cấy, ở vuông tôm chăm tôm, ra chợ bán những thứ lặt vặt có thể bán được. Ba tôi cũng có một cánh đồng nhỏ xíu, nơi mà khi hai anh trai tôi lớn lên, họ cuốc đất trồng đậu, trồng khoai.

Ba thương tôi nhất nhà, có lẽ vì tôi là con gái, cũng có lẽ là vì tôi bé nhất. Chúng tôi thường chia phe dàn trận đánh nhau, ba cõng tôi trên lưng làm một phe, hai anh trai tôi làm một phe, lấy gối chọi nhau túi bụi. Nội cười sặc sụa, niềm vui choáng lấy khuôn mặt già nua đã chằng chéo những dấu vết thời gian.

Có khi giỡn quá trớn, chúng tôi lỡ tay làm vỡ đồ đạc trong nhà. Ngày hôm sau cả chợ bàn tán:

- Hôm qua thằng đao phủ đánh mấy đứa nhỏ, tội ghê!

Người ta không thích ba tôi, bởi thời còn trẻ có dạo ba đánh một người vì nghĩ người này đang giở trò sàm sỡ một cô gái, nhưng hoá ra họ là đôi trai gái yêu nhau. Nhưng không ai cho là ba hiểu nhầm, bởi khi ấy ông cũng đã say.

Ba tôi là người trầm lặng, ông ít nói, ít ra khỏi nhà, lúc nào cũng quẩn quanh lò lửa với những thanh sắt, chiếc búa tạ. Am thanh phát ra từ lò rèn của ba tôi hình như là âm thanh duy nhất khiến mọi người xung quanh biết rằng ba vẫn đang tồn tại, và nơi đó là nơi họ sẽ đến mua những chiếc cuốc mới, sửa những lưỡi cày sứt mẻ.

Từ xóm tôi lên xã đạp xe cũng phải mất gần hai tiếng cả đi lẫn về, nên không ai nghĩ lên chợ xã mà mua cuốc hay lưỡi cày, con dao. Mà những thứ ấy trên đó lại đắt đỏ, không bén, không bền như những gì đôi tay lực lưỡng của ba tôi tạo ra. Và dù không ưa gì ba tôi, mọi người vẫn phải đến nhờ ông, nơi mà những đứa trẻ con bị cấm không được đến gần, nơi họ chỉ vào mà đe doạ những đứa bé không vâng lời:

- Mày mà hư tao đem tới cho ông đao phủ à!

Nhưng chúng tôi không phải không có người đến thăm. Bạn ba tôi là nhân viên chuyển thư trên xã-người đã chỉ ba tôi viết đơn nhận chúng tôi làm con nuôi, xin giấy khai sinh để chúng tôi được đến trường. Mỗi bận ông đến chơi nhà, anh em tôi vui lắm, cứ giành nhau đun nước pha trà, chạy đi mua gói thuốc, liếng thoắng như thể cho mọi người biết “này, nhà cháu có khách đấy nhá!".

Nội tôi cũng vui không kém, đôi môi móm mém nở những nụ cười hiền từ hạnh phúc:

- Thằng Hai nhà tôi…

Nhưng sự hiện hữu của người khách đáng yêu ấy không thay đổi được những thành kiến trong mắt mọi người.

Một lần quán nhậu của ông Tư đầu xóm xảy ra chuyện, một vài thanh niên ở đâu trên xã xuống gây sự đánh nhau với thanh niên trong xóm. Qua chuyện rồi nhưng vẫn còn tức tối, vài người đến nhà hỏi ba tôi:

- Ông biết mấy thằng du côn đó là ai không?

Ba tôi bảo không biết, nhưng họ ra về với sự nghi ngờ còn uất ức ngay mặt. Nội thương ba tôi quá, bà đi chơi hết xóm, gặp ai cũng bảo:

- Thằng Hai nhà tôi nhìn vậy nhưng cái bụng nó tốt lắm, đừng nghĩ oan cho nó mà tội nghiệp.

Ai cũng ừ cũng hử, nhưng đến khi nội tôi ra về, họ lại kháo nhau:

- Tội nghiệp, chắc thằng đao phủ biểu bả đi nói vậy.

Ba tôi biết buồn lắm, ông nói với nội như van lơn:

- Mặc kệ người ta nghĩ gì, má cứ ở đây với con, với cháu là con vui rồi…

Nội tôi ứa nước mắt.

Có lần giận quá, hai anh tôi nổi quạu, đòi đi hỏi chuyện những người nói xấu ba tôi, nhưng nội can:

- Bây làm vậy, người ta lại bảo ba bây dạy bây hư!

Vậy là anh tôi không đi nữa, chúng tôi cố gắng trở thành những đứa con ngoan, mặc cho người ta có xem ba tôi như thế nào, chúng tôi vẫn lễ phép chào hỏi, giúp đỡ. Ai cũng khen, có người còn đem chúng tôi ra răng dạy con của họ:

- Mày thấy chúng nó không? Không cha, không mẹ mà ngoan phải biết!

Chúng tôi cười mà ra nước mắt, ba chúng tôi sờ sờ ra đó kia mà.

Gần nhà tôi có con sông dài bắt ngang qua, con sông mà đối với tôi ngày ấy, dài tưởng như bất tận. Nội bảo nó dài như cuộc đời của nội, mặt sông lẳng lặng như ba tôi, nhưng lòng sông lại nuôi dưỡng bao nhiêu là cá tôm, bao nhiêu là con người. Nội nói nội đã đi từ đầu nguồn con sông ấy, và một ngày nào đó nội sẽ đến cuối sông.

Rồi nội tôi qua đời, tôi không biết nội đã tìm thấy đoạn cuối con sông ấy chưa. Chỉ biết rằng trên khuôn mặt già nua đầy những đường hằn sâu tựa như cánh đồng sau cơn cháy hạn, vẫn nhú lên đâu đó chồi non của hạnh phúc, chồi non của sự mãn nguyện. Nội về với má tôi, nội về với ba ruột tôi. Ở đó, nội sẽ kể cho họ nghe rằng nơi đây tôi có một người cha vĩ đại.

Ba tôi làm đám tang cho nội chu đáo, ông đeo tang, vái trả lễ như con ruột. Người ta tới viếng nội rất đông, nhưng họ tới để xem ba tôi làm lễ như thế nào, xem thái độ của ông ra sao.

Ngày tôi đậu đại học, cả nhà tôi vui như ngày hội, hai anh tôi – những người phải nghỉ học sớm để cho tôi được đến trường – đem chuyện khoe khắp xóm làng. Tôi nhìn mà nước mắt rơi lã chã, không phải khóc vì mừng vui, mà khóc vì sự đáng thương của họ. Anh lớn đã gần ba mươi, anh nhỏ đã hai lăm nhưng chẳng ai có bạn gái, chẳng ai được một cô gái nào dám yêu. Họ sợ ba tôi, họ sợ luôn cả những đứa con của một đao phủ.

Còn khoảng một tháng nữa thì tôi nhập học, ba tôi đạp xe chở tôi hẳn lên huyện, mua cho tôi đủ thứ để chuẩn bị cho cuộc sống xa nhà. Có lúc tôi đùa:

- Con không đi đâu, con ở lại với ba!

Ba tôi ngạc nhiên:

- Ơ con bé này, cả xóm có mình con đậu đại học, phải đi chứ con.

Tôi cười:

- Ai bảo ba chỉ có mình con? Năm ngoái có chị Túc con bác Chín đậu đại học Nông lâm đấy thôi!

Ba cười. Cái nụ cười mà từ bé thơ tôi vẫn cho là nụ cười của ông bụt, để mà ngạc nhiên không xiết khi có người sợ khuôn mặt chứa đựng nụ cười thần tiên ấy.

Rồi ba dắt tôi lên thành phố, kĩ lưỡng đi khắp nơi tìm chỗ trọ cho tôi. Nơi thì ông bảo không an toàn, nơi thì gần phòng của mấy cậu thanh niên quá, nơi thì phòng vệ sinh không sạch sẽ… Mãi ba con tôi mới thở phào khi tìm được một phòng chung nhà với hai mẹ con mà ba tôi cho là tốt bụng. Ông dặn dò tôi đủ thứ, nào là phải viết thư cho ba thường xuyên, cần tiền thì gởi điện gấp, dù thế nào ba cũng gởi lên. Tôi cười bảo rằng học sư phạm cũng không tốn kém mấy, ba gạt đi:

- Con gái ở xa nhà có trăm thứ phải lo.

Tôi tiễn ba ra bến xe, đứng đó, nhìn khuôn vai to lớn nhưng nhuốm màu già nua của ba ló ra ngoài cửa sổ xe mà nghe lòng quặn thắt, khuôn vai đã nhọc nhằn bên lò lửa nóng để nuôi nấng anh em tôi nên người.

Ba lên thăm tôi thường xuyên, mỗi lần là mỗi một gánh vác của đủ thứ lặt vặt để tôi không thiếu thốn, không tủi hổ với những bạn bè cùng trang lứa. Những lúc tôi trong kỳ thi, ba ở lại lâu hơn lệ thường, đi chợ nấu cơm, giặt cho tôi mớ chăn màn, thêm dầu vào chiếc quạt máy cũ kỹ, kiểm tra lại chiếc xe đạp xem còn tốt không… Tôi thường đùa ba là ông tiên trong chuyện cổ tích cũng giống như chị Tấm trong quả thị. Ba cốc vào đầu tôi mà bảo con gái đại học mà như con nít.

Năm năm đại học của tôi trôi qua với hình ảnh ba ấm nồng trên những trang thư vẫn đều đặn gởi cho tôi. Chỉ là những lời động viên nhắc nhở lập đi lập lại nhưng càng ngày chúng càng nhuộm thêm màu thời gian, nhuộm thêm tình yêu thương tưởng như vô tận của ba, của tôi.

Rồi tôi tốt nghiệp, trở về trong hân hoan được dạy ở nơi mình đã từng được nuôi dưỡng – nơi tôi sẽ dạy cho những đứa học trò của tôi tình yêu thương và lòng vị tha, điều mà dù không nói ra bằng lời, nhưng ba tôi đã ươm trồng vào trái tim anh em tôi như thế.

Ba tôi hãnh diện, ánh mắt ông ngời ngợi sáng ngày đón tôi ở bến xe. Ôm tôi vào lòng, ba nói bằng tiếng nói con tim đang nghẹn ngào:

- Con gái ba lớn thật rồi, trưởng thành thật rồi!

Rồi cũng đến ngày ba tôi ra đi, thân hình lực lưỡng, mạnh mẽ của ông nằm xuống, nhưng trái tim và tâm hồn dường như còn nóng hổi nơi lò lửa, khẽ tí tách vang lên âm thanh yêu thương, âm thanh nhân ái.

Đám tang ba tôi, người ta cũng đến rất đông, nhìn những khuôn mặt nhạt nhòa nước mắt của anh em tôi, họ xoa đầu:

- Thôi con à, dù lúc sống ông ấy có như thế nào thì cũng đã có công nuôi dưỡng, anh em con phải thờ phụng cho đúng đạo.

Tôi cười, cười vì đến phút chót dẫu có không hiểu được, người ta cũng đã quan tâm đến ba tôi, một sự quan tâm thành tâm, không sợ hãi, không ghét bỏ.

Rồi họ ra về, đi ngang qua lò rèn còn đang phả ra hơi ấm từ tro, có người giật mình hỏi:

- Ơ, thế thì mai ai sửa lại cho tôi cái lưỡi cày nhỉ?

NGUYỄN NHƯ QUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên