Nga
Nắng nóng ở Nga từ đầu tháng 7 đến nay kéo theo những đợt cháy rừng khổng lồ tận các vùng của Matxcơva, được mô tả là “tồi tệ nhất trong hơn 1.000 năm qua”.
![]() |
Đợt lũ lụt khổng lồ từ 10 ngày qua đã ảnh hưởng đến 15 triệu người Pakistan - Ảnh: Reuters |
Lý giải về hiện tượng thời tiết nóng bất thường ở Nga, các nhà khoa học thuộc Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu hôm 9-8 cho rằng thủ phạm là do hiện tượng El Nino vào năm ngoái. Theo nhà khoa học người Anh Andrew Watson, mỗi khi xuất hiện El Nino, dòng hải lưu chảy trên Thái Bình Dương, thì năm tiếp theo sẽ là một năm nóng kỷ lục trên toàn cầu. Nhiệt độ Trái đất trong sáu tháng đầu năm 2010 đã đạt mức kỷ lục chưa từng thấy, theo báo cáo của Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ. Ngược lại dòng hải lưu La Nina, theo sau El Nino và mang đặc tính trái ngược, được cho là nguyên nhân gây nên hiện tượng lũ lụt nghiêm trọng chưa từng thấy ở Pakistan. Chuyên gia Omar Baddour thuộc Tổ chức Khí tượng thủy văn thế giới cho biết La Nina khiến nhiệt độ vùng biển trung Thái Bình Dương mát mẻ hơn và gây mưa lũ. |
Cái nóng đã gây ra nhiều thiệt hại nhân mạng trong mùa hè năm nay. Nhiệt độ luôn ở mức xấp xỉ 40oC được cho là nguyên nhân gây nên cái chết của khoảng 700 người mỗi ngày tại thủ đô Matxcơva, tức gấp đôi so với tỉ lệ tử vong bình thường. Số cuộc gọi hỗ trợ y tế cuối tuần qua tăng hơn 60%. Hàng trăm ngàn người đã rời bỏ thủ đô để tránh nóng.
Hạn hán, cháy rừng do nắng nóng cũng đe dọa sản xuất nông nghiệp với 28 khu vực lâm vào tình trạng báo động khẩn cấp. Sản lượng ngũ cốc của Nga trong năm 2010 sẽ chỉ đạt 60-65 triệu tấn so với mức 97 triệu tấn của năm ngoái.
Theo Cơ quan dự báo khí tượng Nga, thảm họa đã phá hủy phần thuộc châu Âu của nước Nga từ đầu tháng 7 đến nay và phá vỡ mọi kỷ lục cả về nhiệt độ lẫn thời gian kéo dài.
Ông Maurizio Giuliano, người phát ngôn Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ, trong một tuyên bố được đưa ra ngày 9-8 khẳng định đợt lũ lụt hiện nay ở Pakistan đã gây ra những hậu quả còn tồi tệ hơn cả thảm họa sóng thần năm 2004 ở châu Á, trận động đất ở Pakistan năm 2005 và trận động đất gần đây ở Haiti.
Ông Giuliano nhận định mặc dù tổng cộng 1.600 người thiệt mạng trong đợt lũ lụt chưa đầy hai tuần lễ ở Pakistan chỉ là con số nhỏ so với 610.000 người thiệt mạng trong ba thiên tai trên, nhưng lại có tới 13,8 triệu người, nghĩa là nhiều hơn 2,8 triệu người so với ba thiên tai trên, phải gánh chịu nhiều mất mát thiệt hại cũng như cần tới sự giúp đỡ dài hạn hoặc ngắn hạn.
“Thảm họa ở Pakistan có quy mô ảnh hưởng lớn, bởi lẽ chỉ có hơn 3 triệu người bị ảnh hưởng trong trận động đất ở Pakistan năm 2005, 5 triệu người trong cơn sóng thần ở Indonesia và 3 triệu người trong trận động đất ở Haiti” - ông nhấn mạnh. Do đó, theo ông, “đợt lũ lụt này là khủng hoảng nhân đạo lớn nhất của LHQ cho đến nay, vì hậu quả của nó còn tồi tệ hơn ba thiên tai kia cộng lại”.
Reuters và The Telegraph dẫn lời ông Giuliano và nhấn mạnh so sánh này cho thấy Pakistan đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo có quy mô chưa từng có trước đó, trong khi chính quyền nước này lại đang phải vất vả xử lý các hậu quả lũ lụt.
Diện tích bị ngập lụt kéo dài từ thung lũng Swat ở miền bắc, nơi 600.000 người đang cần giúp đỡ, đến tỉnh Sindh ở miền nam Pakistan. Chính phủ Pakistan đã thành lập ít nhất 188 trại cứu hộ tại các khu vực thiên tai trên toàn quốc, và thừa nhận một mình chính phủ thì không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu cứu trợ của người dân. LHQ cho biết cần hàng tỉ USD để cứu trợ nạn nhân lũ lụt, nhưng cho đến nay các nước phương Tây mới chỉ giúp đỡ vài chục triệu USD.
![]() |
Hai tòa nhà bị dòng lũ bùn cuốn chụm vào nhau ở làng Nguyệt Viên, huyện Châu Khúc, Trung Quốc - Ảnh: Chinadaily.cn |
Ngày 10-8, Tân Hoa xã dẫn lời các chuyên gia thuộc Bộ Tài nguyên và nguồn đất Trung Quốc cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến vụ lở đất kinh hoàng ở làng Nguyệt Viên, huyện Châu Khúc (Cam Túc) đêm 7-8, trong đó nguyên nhân chính là do trận động đất ở Tứ Xuyên ngày 12-5.
Theo các chuyên gia, địa hình huyện Châu Khúc đã bị nghiêng và kết cấu đất đã bị “hổng chân”, các dãy núi đã bị chấn động dữ dội trong trận động đất, hạn hán và hiện tượng xói mòn đất kéo dài từ tháng 12-2009 đến nay, và trận mưa như trút trong hơn 40 phút đêm 7-8 đã khiến các dãy núi bao quanh làng Nguyệt Viên không còn sức chịu đựng và đổ ụp xuống khu dân cư.
Tính đến nay, ít nhất 702 người thiệt mạng, 1.042 người mất tích trong trận lở đất ngày 7-8 ở làng Nguyệt Viên, Tân Hoa xã cho biết.
Vụ lở đất do mưa lũ gây ra này được đánh giá là “tồi tệ nhất trong vòng 60 năm qua” ở Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận