28/08/2004 14:20 GMT+7

"Bà ngoại" của trẻ bại não

DƯƠNG THẾ HÙNG
DƯƠNG THẾ HÙNG

TTCN - “Ngoại ơi, có khách!”. Thằng nhóc 10 tuổi chân bước khập khiễng miệng kêu với vào nhà sau. Bên trong bước ra một bà cụ tóc bạc trắng, dáng đi nhanh nhẹn, nụ cười đôn hậu.

B6HaPVHu.jpgPhóng to
Các cháu đang tập xe lăn cùng bà ngoại
TTCN - “Ngoại ơi, có khách!”. Thằng nhóc 10 tuổi chân bước khập khiễng miệng kêu với vào nhà sau. Bên trong bước ra một bà cụ tóc bạc trắng, dáng đi nhanh nhẹn, nụ cười đôn hậu.

Cả lũ nhóc bao quanh lấy bà, miệng không ngớt kêu “ngoại, ngoại”. Tay chân chúng múa máy lung tung, tướng đi khệnh khạng, cái đầu lắc lư. Đứa này đầu ngước lên trời, đứa kia ngoẹo cổ sang bên giống như đám con rối đang trình diễn trên sân khấu. “Bà ngoại” cười giải thích: “Toàn trẻ bại não cả. Ba mẹ đưa các cháu tới đây hằng ngày để chữa bệnh. Có bà con ruột thịt gì đâu nhưng chúng toàn kêu “bà ngoại”.

Trong căn nhà chưa đầy 80m2 ở dốc cầu Lầu (đường Trần Phú, phường 4, TX Vĩnh Long), bà ngoại Út Điểu bố trí nào là nệm, xe lắc, ghế đẩy, đĩa xoay, tay nắm… toàn những dụng cụ ngộ nghĩnh để các em vừa vui chơi vừa tập luyện.

Trên chiếc nệm mỏng trải dưới sàn nhà, các em ngồi xếp bằng trong tư thế hoa sen, mắt nhắm nghiền, hai tay xoa đều hai bên thái dương, cổ, rồi tay chân. “Đó là phương pháp tự xoa bóp, day ấn huyệt trong dưỡng sinh - bà ngoại giải thích - Nó có tác dụng giảm “gồng” cơ, một trong những nguyên nhân làm tay chân các em co quắp, cứng ngắc. Sau đó, tùy theo khả năng thích nghi của mình, mỗi cháu được hướng dẫn tập các động tác khó hơn như: ưỡn cổ, vặn cột sống và cổ ngược chiều, nằm sấp ưỡn lưng...

Đây là phương pháp dưỡng sinh của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, cố bộ trưởng Bộ Y tế. Cái “thần” của phương pháp này là tập cho các cháu có tinh thần tự tập luyện một cách chủ động. Tức là từ khi có người giúp đỡ cho tới lúc buông dần và tự lực một mình. Qua giai đoạn kế tiếp, các cháu tập với các dụng cụ phục hồi chức năng như: xe lắc, ghế đẩy, tay nắm…và cuối cùng là đi xe đạp, coi như bình phục. Ở đây các cháu đông vui nên hứng thú tập luyện, với lại dụng cụ tập như một dạng trò chơi nên không nhàm chán. Sau khi rời khỏi đây, các cháu có thể tự tập ở nhà hoặc bất cứ ở đâu, mọi lúc mọi nơi”.

Chị Trần Thanh Tuyền ở quận 6, TP.HCM, mẹ của bé Phạm Minh Quang, 5 tuổi, cho biết năm 14 tháng tuổi tự nhiên bé bị sốt, tay chân co giật. Bác sĩ nói bị viêm màng não. Suốt ngày bé cứ nằm im không cựa quậy, người dịu quặt, cổ yếu xìu. Đi tây y, đông y, châm cứu đủ chỗ suốt ba năm qua mà không hết.

d3z3nJ7e.jpgPhóng to
Bà ngoại Út Điểu
Tình cờ đi mua xe lắc cho bé tập đi, chị gặp ông Phan Phát Năng, chủ cơ sở ráp xe lắc PhaNa, chỉ xuống gặp bà Út Điểu. Vậy là mẹ con tìm đến. Hai tuần qua bé có tiến triển, người hoạt bát hơn, kêu bé biết nghe, miệng phát âm và nói được. Lúc trước bé đi phải vịn hai tay, nay chỉ cần một tay. Chị Tuyền mừng mừng tủi tủi: “Tưởng là tàn tật suốt đời, ai dè còn có người trị được, mừng còn hơn sinh ra bé lần thứ hai”.

Ngồi cạnh bên là bé Nguyễn Huỳnh Diễm Hồng, con của chị Huỳnh Thị Diễm Phương, ở xã Long An, huyện Long Hồ (Vĩnh Long). Bé 11 tuổi mà teo quắt như 6 tuổi, chân tay co quắp, cổ vẹo ngược ra một bên vai. Mỗi lần muốn bé thẳng chân tay ra chị Phương phải chằng kéo như kéo người cao su, rồi mới dùng dây nẹp vô khung, bắt đầu tập cho bé. Chị nói: “Vô đây một tháng hiệu quả hơn chạy thuốc ở ngoài cả chục năm nay”, may phước gặp được bà Út chớ tưởng con mình bị tật suốt đời rồi. Bà Út tuyệt nhiên hổng lấy đồng bạc nào. Đã vậy con mình còn được cho cơm từ thiện nữa! Ơn đức của bà không biết làm sao trả hết”.

Trong nhà lúc này còn gần 10 bé nữa đang đùa giỡn ồn ào, cười vui nắc nẻ. Các em đuổi nhau chạy xung quanh nhà trên đôi chân còn…cà niễng, nhưng mang dấu hiệu tốt lành của sự hồi phục sau bao năm trời chỉ biết có bồng bế, nương dựa vào người thân. Đặc biệt hai “bé” lớn nhất là Phan Bá Hùng 23 tuổi và Nguyễn Văn Hoàng 27 tuổi. Cả hai bị bại não từ nhỏ, lúc mới vô đều phải chống nạng, theo bà Út ba năm qua, nay cả hai em đều đã bỏ nạng và tự đi được. Riêng Hoàng đã bình phục hẳn, chỉ còn đôi chân hơi khập khiễng. Nhớ ơn bà Út, em tình nguyện ở lại với bà tiếp tục chăm lo các trẻ mới vô. Còn Hùng thì đã tự đi bán vé số một mình, giờ rảnh em lại chạy về tìm bà ngoại để chạy xe đạp và tập dưỡng sinh.

Trái tim nhân hậu

Bà ngoại Út Điểu tên thật là Nguyễn Ngọc Điểu, nguyên phó giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng tỉnh Vĩnh Long, vừa mới nghỉ hưu đầu năm 2004. Lẽ ra phải nghỉ ngơi, căn nhà mặt tiền trên đường Trần Phú này cho thuê cũng kiếm được bạc triệu mỗi tháng, nhưng bà không làm vậy.

Bà còn nặng nợ với những đứa trẻ bại não. Bà dùng cả căn nhà làm nơi điều trị, tập luyện cho các cháu từ khắp nơi tìm đến. Chẳng những ba mẹ các cháu không tốn một đồng chi phí trị bệnh nào mà còn được bà xin chế độ cơm từ thiện của Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh cấp. Bà vay tiền ngân hàng nâng cấp cái nền nhà cao ráo cho các cháu vui chơi. Bà tự chế ra các dụng cụ cho các cháu tập luyện. Với chiếc xe lắc tay giúp phục hồi hoạt động của bàn tay, bà đã nghĩ ra “cục gối” để ngay giữa chỗ ngồi, có tác dụng chống phản xạ chéo hai chân, giúp các em bị tật “hai chân xỉa chéo” được kéo ngay lại tư thế bình thường. Giải thích về sáng kiến này, “bà ngoại” cười sảng khoái: “Tôi thấy các chuyên gia nước ngoài cho các cháu chạy ngựa, cưỡi cá voi để phục hồi chức năng. Mình nghèo làm gì có ngựa với cá voi? Thôi thì tự chế ra “cây nhà lá vườn, có chi dùng nấy” miễn đạt hiệu quả là được.

Trong nhà bà còn có các dụng cụ khác cũng đều tự chế như: đĩa xoay, tay nắm dùng cho tập tay. Tận dụng mối quan hệ của mình, bà vận động các nhà hảo tâm như kỹ sư Phan Phát Năng đóng góp xe lắc, bà Nguyễn Thị Minh Huệ, một cán bộ hưu trí ở quận 1, TP.HCM, đóng góp tiền bạc.

Việc điều trị di chứng bại não ở nhà bà Út là bước đi tiếp theo của phong trào “phục hồi chức năng cho người khuyêt tật” đã được bà tham gia thực hiện từ năm 2000 khi còn là giám đôc Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh. Lúc đó, chỉ trong thời gian một năm triển khai, chương trình đã phủ kín 100% xã phường mang lại kết quả phục hồi cho hơn 4.000 người. Không dừng lại ở việc phục hồi chức năng của cơ thể, bà còn quan tâm đến việc phục hồi lại vị trí đã mất của người khuyết tật trong xã hội bằng cách giúp họ hòa nhập với cộng đồng, có công ăn việc làm, được đối xử bình đẳng.

Bà chạy đôn chạy đáo xin nguồn trợ vốn đào tạo tay nghề như sơn, thêu, máy nổ, nuôi bò đẻ… giúp người đã bình phục có cơ sở làm ăn sinh sống. Hiện nay đã có trên 1.000 người khuyết tật được hỗ trợ vốn, phương tiện làm ăn và đã hòa nhập tốt với xã hội. Và bây giờ khi đã nghỉ hưu, bà lại tiếp tục công việc từ thiện ấy với tấm lòng của một người bà, dành cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Dân trong ngành y tế Vĩnh Long đã biết tới bà Út Điểu từ hơn 40 năm qua, lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào thời kỳ ác liệt. Bà là một bà mụ mát tay của các sản phụ. Tính ra trong thời kỳ chiến tranh, bà đã đỡ đẻ cho trên 2.000 ca, đào tạo gần 300 nữ hộ sinh phục vụ kháng chiến.

DƯƠNG THẾ HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên