16/09/2011 01:03 GMT+7

Ba kiệt tác trong Tủ sách tinh hoa

T.N.T.
T.N.T.

TT - Thất lạc cõi người (Dazai Osamu, Hoàng Long dịch), Bông hoa đỏ (V.M. Garshin, Trần Thị Phương Phương dịch) và Bản sonata Kreutzer (Lev Tolstoy, Trần Thị Phương Phương dịch) là ba tập sách thuộc Tủ sách tinh hoa văn học của Phương Nam Book (NXB Hội Nhà Văn) vừa ra mắt bạn đọc.

s1fZfF1p.jpgPhóng to

Với Dazai Osamu - một văn tài có cuộc đời đau thương và kỳ lạ (năm lần tự sát, từ giã cõi đời năm 39 tuổi), tuy ngoài bìa chỉ ghi Thất lạc cõi người, nhưng trong sách còn có phần truyện ngắn với những tác phẩm tiêu biểu như: Đêm tuyết, Một trăm cảnh núi Phú Sĩ, Tám cảnh sắc Tokyo... Bậc thầy truyện ngắn Nga V.M. Garshin cũng có một cuộc đời đau thương và ngắn ngủi (nhảy lầu chết năm 33 tuổi). Tác phẩm Garshin để lại không nhiều, nhưng truyện ngắn nào của ông cũng hay, ám ảnh, đặc biệt là Bông hoa đỏ - một câu chuyện về người đàn ông tâm thần được xem như là một tự truyện của tác giả. Còn Lev Tolstoy - văn hào Nga nổi tiếng với tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình, nay với Bản sonata Kreutzer, chắc chắn sẽ chinh phục độc giả bằng nghệ thuật phân tích tâm lý con người đạt tới mức tinh tế bậc thầy.

Theo những người thực hiện, tủ sách này có năm "cửa": Kiệt tác, Tuyển, Kiến thức, Nghiên cứu Mới. Ba tập sách nêu trên nằm ở "cửa" Kiệt tác.

Chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam

PSgKHix3.jpgPhóng to

Hai vợ chồng tác giả, nhà nghiên cứu Trần Thanh Phương và Phan Thu Hương vừa ra mắt tập hai của bộ sách Chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam.

Cũng với cách thức lược thuật tiểu sử tác giả, hệ thống các tác phẩm đã xuất bản và trích đoạn tác phẩm được cho là tâm đắc cùng những lời nhận xét của đồng nghiệp, mỗi nhà văn được chọn trong tập sách này vừa thể hiện sự đánh giá chủ quan của tác giả, vừa có tính thuyết phục khách quan khi được đặt trong bối cảnh của các đồng nghiệp.

Ðiểm quan trọng thú vị của tập sách chính là thủ bút, chữ ký của mỗi nhà văn. Công việc này đòi hỏi nhiều nỗ lực của tác giả trong việc kết nối các mối quan hệ với từng nhân vật, mang lại cho những người nghiên cứu một nguồn tư liệu cấp 1 dù ít ỏi nhưng đôi khi thật quan trọng như những chứng cứ về văn liệu, quan điểm sáng tác, như bút tích của Quang Dũng, Hoàng Hữu Ðản.

Cũng có bút tích chứa đựng một câu chuyện nặng lòng, như bút tích của Nguyễn Khoa Ðăng: "Tôi lại nhớ đến lời bố tôi nói hôm nào: "Nếu thầy chết thì lý lịch của con có sáng sủa hơn không?...". Ðiều đáng quý của tập sách chính là sự khơi gợi cho bạn đọc thấy vẫn còn rất nhiều điều uẩn khúc đáng nói đằng sau những chân dung và bút tích. Nó thuộc về phận người, kể cả thân phận các nhà văn.

T.N.T.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên