Phóng to |
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt |
Tiếp phóng viên Tuổi Trẻ tại nhà riêng, nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dành trọn buổi chiều để say sưa chia sẻ ba giải pháp mà theo ông là “ưu tiên đột phá” nhằm giải bài toán giao thông cho khu vực vựa lúa của cả nước.
Ưu tiên 1: mở tuyến Chơn Thành - Đức Huệ - Vàm Cống
Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt nói: “Hệ thống giao thông ĐBSCL chưa được đầu tư đúng tầm với năng lực phát triển của nó, nhất là về đường bộ. Đã thế, lại được tham mưu và đầu tư - chưa thể nói là sai - nhưng không đúng nơi, đúng lúc. Việc đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương mới đây được khởi công với số vốn đầu tư trên 6.000 tỉ đồng không thể giải quyết được vấn đề “đại cuộc”, bởi vì xử lý được bài toán giao thông cho đoạn này thì sẽ gây ra tình trạng “nút cổ chai” cho đoạn kế tiếp (từ đó đi Vĩnh Long - Cần Thơ). Như vậy, vấn đề “đại cuộc” ở đây không phải giải phóng một đoạn, một tuyến mà phải là toàn tuyến.
Tại sao chúng ta cứ bám dọc theo tuyến quốc lộ 1 để mở đường? Cách này có giải quyết được căn cơ, lâu dài không hay lại phát sinh sự quá tải mới? Theo tôi, câu trả lời là: sẽ tiếp tục quá tải! Thử hình dung: thay vì làm cao tốc đoạn TP.HCM - Trung Lương (giao thông từ TP.HCM về cửa ngõ miền Tây), chúng ta đổ tiền vào làm đoạn Đức Huệ - Vàm Cống (Đức Huệ giáp Củ Chi, TP.HCM) thì lúc đó giao thông không nhất thiết phải đi qua TP.HCM, giảm áp lực rất lớn cho tuyến này. Và hệ thống giao thông mới sẽ không chỉ san sẻ lưu lượng với tuyến quốc lộ 1 độc đạo hiện nay mà còn là con đường phát triển cho dải đất phía tây vốn còn chưa được đánh thức tiềm năng”.
* Nhưng hiện nay Bộ Giao thông vận tải đã khởi công tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương mà chưa “động đậy” gì đến con đường ông vừa nói, vậy hệ quả là sẽ xảy ra vấn đề gì cho giao thông trong thời gian tới, khắc phục làm sao?
“Có thể đúc kết rằng ĐBSCL hiện đang sở hữu bốn cái nhất: vựa lúa lớn nhất, sản lượng thủy - hải sản nhiều nhất, hoa quả, cây trái dồi dào nhất và hạ tầng giao thông... kém nhất”. |
Nguyên thủ tướng nhăn trán: “Thì sẽ lại... tắc nữa chứ sao!...”. Ông tiếp tục đưa ra giải pháp: đã lỡ làm thì cứ làm. Nhưng song song đó cần thiết phải làm ngay đoạn Chơn Thành - Đức Huệ - Vàm Cống để san sẻ giao thông từ miền Tây lên Tây nguyên, “chia lửa” với quốc lộ 1 qua cửa ngõ TP.HCM.
Ông cũng bày tỏ ao ước của mình: không chỉ là hệ thống giao thông đường bộ kết nối ĐBSCL với TP.HCM và các tỉnh phía Bắc mà cái nhìn chiến lược đối với ĐBSCL là cần có một đường bộ bao quanh, nối từ miền duyên hải Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau ở hướng đông, bọc qua Hà Tiên, Rạch Giá, An Giang, Đồng Tháp ở hướng tây và kết nối với đường Xuyên Á ở Mộc Bài (Tây Ninh). Lúc đó miền Tây, cùng với hai trục chính quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh; cùng với các đường nhánh xương cá nối liền tỉnh với tỉnh, huyện với huyện, xã với xã, ĐBSCL sẽ có một “hệ tuần hoàn” khỏe khoắn và mạnh mẽ, đủ sức gồng gánh tạo sức bật cho cả vùng phát triển.
Phóng to |
“Tôi hay nói vui: trời cho ĐBSCL hai con sông Tiền, sông Hậu để làm giao thông tự nhiên rất tốt; thế nhưng hai cửa sông thì trời lại giao cho con người tìm cách hóa giải”. Đó là cửa Tiểu và cửa Định An thường xuyên bị bồi lắng, mực nước nông chẳng khác nào “chặn họng” hai tuyến đường thủy huyết mạch. Ông trăn trở: suốt 30 năm nay chưa có đề án nào đủ sức thuyết phục để “mở cửa” khai nguồn hai con sông - hai con đường trời cho sẵn này.
Chính vì thế toàn bộ áp lực giao thông đường thủy đều dồn về hết cho cụm cảng TP.HCM. “Tôi đã đề xuất Chính phủ nên tổ chức ngay một nhóm chuyên gia tập trung nghiên cứu xử lý hai cửa sông để khai thác giao thông sông Tiền, sông Hậu một cách hiệu quả” - ông cho biết.
Ưu tiên 3: cất cánh từ sân bay Trà Nóc
Nguyên thủ tướng tỏ ra tiếc nuối vì sân bay Trà Nóc (Cần Thơ) đã không được nhìn nhận một cách chiến lược để có đầu tư khai thác đúng mức, đúng tầm, phát huy hiệu quả giao thông của tuyến hàng không quan trọng này. Theo ông, việc tập trung cho sân bay Rạch Sỏi (Kiên Giang) và Cà Mau thật sự chưa cần kíp bằng sân bay Trà Nóc bởi Trà Nóc quán xuyến toàn bộ địa phận Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang. Nhu cầu đi lại, chuyên chở hàng hóa của vùng rất lớn. Không chỉ nối với TP.HCM, sân bay này nếu nâng cấp thích đáng cũng có thể quan hệ tốt với các tuyến quốc nội như đi Liên Khương (Đà Lạt), Tây nguyên..., thậm chí còn vươn ra các nước trong khu vực. “Lẽ ra phải nâng cấp sân bay Trà Nóc trước thay vì Rạch Sỏi và Cà Mau” - ông nói.
“Tôi luôn trăn trở: phải làm gì đó đột phá cho ĐBSCL phát triển. Bây giờ đó chính là giao thông, nhất là giao thông đường bộ”. Ông nhắc đi nhắc lại: chỉ có giao thông mới có thể làm thay đổi nhanh, làm cú đột phá để ĐBSCL phát triển và phát huy hết tiềm năng kinh tế, xã hội lớn lao của vùng đất này.
Chia tay chúng tôi, nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt tiết lộ: sau hội nghị chuyên ngành giao thông, hai hội nghị chuyên ngành tương tự về thủy lợi và giáo dục đào tạo cho ĐBSCL cũng sẽ sớm được tổ chức trong vài tháng tới.
Kế hoạch chống tụt hậu cho vùng đất trù phú bắt đầu tăng tốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận