Phóng to |
Chương trình hội tụ đông đủ nhiều thế hệ nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ giao hưởng hàng đầu VN trong và ngoài nước. Bè bạn, đồng nghiệp, học trò cũ, những người đã rất nổi tiếng hoặc đang là nghệ sĩ của các dàn nhạc lớn nhất nước cùng biểu diễn bên nhau, tấu lên những giai điệu đẹp nhất nhớ về một người đã ra đi.
Nhớ khi Bích Ngọc còn sống, một cuộc thi tài nghề nghiệp giữa hai vị giáo sư, nghệ sĩ đầu đàn của ngành violin VN là GS Tạ Bôn và GS Bích Ngọc luôn tạo những chuyện nóng trong giới âm nhạc. GS Tạ Bôn - NSND duy nhất hiện nay của ngành violin - sẽ hiện diện trong đêm hòa nhạc này. Nhiều học trò cũ rất thành đạt nghề nghiệp cũng góp tiếng đàn nhớ thầy.
Chính thầy Bích Ngọc là người đã đào tạo và đưa những Ngô Văn Thành, Bùi Công Thành... đến với những cuộc thi violin lớn nhất như Tchaikovsky hay Bach những năm VN còn rất khó khăn ở thập niên 1970, 1980. GS-TS Ngô Văn Thành hiện là giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia VN, GS-TS Bùi Công Thành đã trở thành người đào tạo được nhiều tài năng trẻ, trong đó có Bùi Công Duy, Nguyễn Hữu Nguyên - hai violin trẻ xuất sắc nhất VN ngày nay.
Một GS - NSND duy nhất ngành cello của VN là Bùi Gia Tường cũng có mặt. Ông độc tấu tác phẩm của Tchaikovsky và hòa tấu cùng học trò Vũ Hồng Ánh tác phẩm của Vivaldi trong đêm hội này.
Bích Trà tuy không trực tiếp học bố Bích Ngọc nhưng cô tiếp nhận ở bố nghị lực và niềm say mê âm nhạc, được bố tạo dựng những bước đi vững chắc để ngày nay trở thành một nghệ sĩ piano hàng đầu VN. Từ Anh, Bích Trà bay sang Pháp tập với Hữu Nguyên để đêm 25-11 họ có một đêm nhạc ở VN khi cùng chơi những bản sonata viết cho violin và piano của Beethoven và Brahms.
Còn nhiều lắm những người bạn, học trò của GS Bích Ngọc như GS-NSND Trần Thu Hà, Lý Giai Hoa, Trần Mạnh Hùng, Châu Sơn, Ngô Hoàng Linh, Tăng Thành Nam, Lê Minh Hiền, Nguyễn Nguyệt Thu, Đỗ Thuận cũng biểu diễn độc tấu hay hòa tấu.
Ba đêm nhạc tập trung những ngôi sao của nhạc hàn lâm VN thuộc nhiều thế hệ sẽ là những đêm nhạc hiếm hoi và đặc sắc ở VN. Đó cũng là sự ghi nhận đẹp nhất về những đóng góp của những người thầy có tâm, có tài và có công như GS Bích Ngọc.
____________________
Phóng to |
Câu chuyện mười năm
Trong ký ức của nghệ sĩ Trà Giang, ngày ấy Bích Ngọc là một chàng trai có vóc dáng thư sinh với gương mặt trắng trẻo, ánh mắt hiền lành cùng nụ cười thân thiện. Thuở thiếu niên anh là diễn viên múa của đoàn văn công Liên khu 5 do ba chị - đạo diễn Nguyễn Văn Khánh - làm phó đoàn phụ trách nghệ thuật. Anh là “con bướm” điệu nghệ trong tác phẩm múa Hái chè bắt bướm - một tiết mục nổi tiếng của đoàn vào những năm đầu hoạt động tại thủ đô 1955-1956.
Biết nhau đã lâu nhưng chỉ đến khi Bích Ngọc tốt nghiệp môn violin ở Nhạc viện Tchaikovsky (Matxcơva) trở về và “cô con gái ông phó đoàn” đã trưởng thành, rực sáng với vai chính trong các phim Một ngày đầu thu, Chị Tư Hậu, Làng nổi... họ mới trở thành “khác lạ” trong mắt nhau.
Đó là vào một buổi tối đầu đông năm 1966, khi đến thăm Trà Giang trong khu tập thể điện ảnh trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), trái tim chàng nghệ sĩ vừa ở một đất nước châu Âu về chợt thắt lại khi thấy “ngôi sao điện ảnh” nước nhà đang vừa gặm bánh mì khô vừa học bài. Thế rồi bất chấp cơn gió mùa đông bắc đang ùa về trong đêm, hai tài năng trẻ của âm nhạc và điện ảnh sóng đôi nhau, mỗi người một chiếc xe đạp cùng đem trải những rung cảm đầu đời đi khắp phố phường Hà Nội...
Thế rồi nên vợ nên chồng. Khi chồng tốt nghiệp nghiên cứu sinh về nước, nghệ sĩ “vợ” lại đang ngụp lặn ở bờ bắc Vĩnh Linh (Quảng Trị) trong những chuyến đi thực tế chuẩn bị làm “siêu phẩm” về chiến tranh của đạo diễn Hải Ninh - phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Xem phim, khán giả không mấy ai ngờ khi tham gia diễn đại cảnh dẫn đầu đoàn biểu tình bồng đứa bé trên tay xông vào trước mũi xe tăng địch để đấu tranh chống càn, “chị Dịu” Trà Giang đang mang thai được bốn tháng.
Giảng viên Bích Ngọc của Trường âm nhạc Hà Nội lúc ấy phải xin nghỉ phép, theo chăm sóc vợ. Anh đã không tránh khỏi thắt ruột cùng chị chạy tìm nơi ẩn nấp khi bom Mỹ bất ngờ ném xuống gần trường quay của đoàn phim. Vốn con nhà miền biển quen nghề sông nước từ nhỏ, anh còn tình nguyện làm diễn viên quần chúng, là một trong những người chèo thuyền thúng làm hậu cảnh trong phim.
NSND Trà Giang tâm sự người ta thường cho rằng lấy được Trà Giang là niềm tự hào của Bích Ngọc nhưng với chị thì ngược lại, có được một người chồng, người cha như anh mới thật sự là điều may mắn của mẹ con chị.
Những khi chị bận công tác, anh vui vẻ quán xuyến việc nhà, chăm sóc nuôi dạy con một cách rất chu đáo. Buổi sáng biết vợ lười ăn, anh dậy vắt cho chị ly cam để sẵn; buổi tối sợ vợ ngủ bụng đói cồn cào, anh pha cho chị ly sữa nóng, và đặc biệt không bao giờ anh tỏ ra ghen tuông với những người làm việc chung với chị.
Từ ngày giáo sư Bích Ngọc mất, mười năm nay cứ sáng chủ nhật hằng tuần, NSND Trà Giang lại đi xe ôm mang hoa đến trước ngôi mộ chồng trên nghĩa trang thành phố. Nước mắt khóc thương đã cạn nhưng tình yêu đầu đời chị dành cho anh vẫn luôn đầy ắp sự tươi mới. Chị hạnh phúc và hãnh diện vì số phận đã đem đến cho cuộc đời mình một nửa còn lại đầy sự ấm áp.
CÁT VŨ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận