12/06/2012 04:59 GMT+7

Azzurri trong cơn điên của các Tifosi

LÊ HOÀI DƯ
LÊ HOÀI DƯ

TT - “Tifosi” - cách gọi CĐV Ý - bắt nguồn từ “Tifo” trong tiếng Ý là “gào thét như những gã điên khùng”. Đó là một “loại bệnh” về tinh thần có sức lây lan khủng khiếp trong cộng đồng.

TT - “Tifosi” - cách gọi CĐV Ý - bắt nguồn từ “Tifo” trong tiếng Ý là “gào thét như những gã điên khùng”. Đó là một “loại bệnh” về tinh thần có sức lây lan khủng khiếp trong cộng đồng.

CĐV Ý tự nhận mình là những Tifosi, tức “con bệnh” tinh thần. Họ tự hào vì điều đó! Bởi chẳng có gì xấu hổ khi trở thành con bệnh của bóng đá. Những Tifosi điên vì... yêu, và yêu vì... điên. Lý do rất đơn giản, bóng đá Ý ẩn chứa quá nhiều thứ có thể gọi là “điên rồ”.

Ít ai tin rằng Ý sẽ vô địch World Cup 1982 và 2006, khi mà trước thềm những giải đấu ấy, bóng đá Ý chìm trong xìcăngđan dàn xếp tỉ số và những cầu thủ trụ cột đứng trước thòng lọng của công lý. Đấy là sự “điên rồ” theo cách Ý. Những chàng trai của Azzurri (tuyển Ý) tạo cho người ta cảm giác: chỉ có đau thương mới là cội nguồn của mọi sức mạnh.

Tifosi đã bị tình yêu của mình phản bội và không chỉ một lần. Nhưng họ sẽ “điên” với bất cứ ai xúc phạm đến đội bóng: tình yêu và nỗi đau là của riêng Tifosi mà thôi! Thế nên khi Ý đăng quang trên “vết nhơ” xìcăngđan, họ đã tha thứ cho những kẻ phản bội. Không phải các Tifosi dễ dãi - họ yêu theo cách điên nhất có thể.

Euro 2012, tuyển Ý lại sống trong những vụ dàn xếp tỉ số. Một lần nữa Tifosi bị phản bội. Và cũng thêm một lần nữa họ hi vọng đội bóng sẽ lại đăng quang. Không hẳn các Tifosi muốn hít thở không khí chiến thắng, mà để họ có lý do tha thứ cho tình yêu của mình... Phải chăng là sự mù quáng? Có lẽ! Nhưng sẽ đúng hơn nếu gọi đấy là “điên”. Một thứ đã làm nên Tifosi.

Và có lẽ tuyển Ý cần nhiều hơn nữa “những cơn điên”, nhiều hơn những trận đấu như với Tây Ban Nha để xóa sạch nỗi đau của các Tifosi. Mà Pirlo - người đã chuyền bóng để Di Natale ghi bàn mở tỉ số và Buffon - chốt chặn cuối cùng, những cầu thủ còn sót lại ở World Cup 2006 là dấu gạch nối...

LÊ HOÀI DƯ

Một bàn thắng - Một tấm lòng

Trước giờ tranh tài VCK Euro 2012, trang chủ của LĐBĐ châu Âu (UEFA) đã đưa ra thông báo: mỗi bàn thắng ở VCK Euro 2012 sẽ có giá 3.000 euro. Thế nhưng số tiền ấy không phải dành cho các cầu thủ ghi bàn mà sẽ được chuyển cho quỹ từ thiện CAFE (Centre for Access to Football in Europe) để giúp đỡ những người tật nguyền.

Hành động trên của UEFA thật ý nghĩa. Nó cho thấy Euro 2012 không chỉ là một phiên chợ phù hoa về tiền bản quyền truyền hình, những khoản tiền thưởng kếch xù của các liên đoàn bóng đá. Mà ở đó còn có những tấm lòng nhân đạo hướng tới những người nghèo khổ, bất hạnh.

“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Với thông điệp “mỗi bàn thắng giúp đỡ một mảnh đời”, chắc hẳn các cầu thủ tham dự Euro lần này sẽ cố gắng thi đấu hết mình. Một mặt, họ mang lại sự mãn nhãn cho khán giả, mặt khác, họ sẽ góp được một phần sức lực của mình trong việc chung tay giúp sức những người tật nguyền vượt qua được khó khăn trong cuộc sống.

Số tiền 3.000 euro nếu đem so sánh với khoản tiền thưởng cho một trận thắng hay cho chức vô địch quả thật là quá khập khiễng. Nhưng nếu xét trong hoàn cảnh những con người tật nguyền đó là một số tiền vô cùng lớn. Nó đủ giúp họ có một bữa cơm no, có một manh áo ấm. Euro 2012 bên ngoài vẻ hào nhoáng, xa hoa lộng lẫy thì bên trong còn đó những tấm lòng nhân nghĩa. Và tấm lòng ấy được thể hiện trước tiên qua những bàn thắng của các cầu thủ.

TRẦN TOẢN (Hà Nội)

* Giá trị của thể thao

Trong hai trận cầu đêm 10 và rạng sáng 11-6 có hai hình ảnh khiến những người xem bóng đá khi chứng kiến không khỏi xúc động.

Đầu tiên đó chính là hình ảnh của hai CĐV Ý và Tây Ban Nha cùng khoác lá cờ tổ quốc trên vai, cùng ôm vai nhau hát vang bài quốc ca của hai nước. Một giờ đồng hồ sau, hình ảnh trên cũng được lặp lại trong trận Croatia - Ireland. Nhưng chỉ có điều là nhân vật trong hình ảnh đó đã thay đổi: đó là một người Croatia và một người Ireland cũng vai kề vai và đồng thanh cất vang quốc ca của hai nước.

Tinh thần đoàn kết ở Euro đang là một dấu hỏi lớn với ban tổ chức khi mà trước đó vài ngày đã có một CĐV Tây Ban Nha tử vong sau những vụ bạo lực đẫm máu. Nhưng chắc hẳn đó cũng chỉ là hành động thiếu suy nghĩ của những kẻ quá khích bởi phần lớn mọi người đến cổ vũ Euro đều mang theo dòng máu, mang theo niềm tự hào của dân tộc mình.

Hình ảnh những người đàn ông xa lạ trong hai trận cầu trên cùng ôm nhau hát vang bài quốc ca đang là biểu tượng cho Euro lần này. Họ chưa hề quen biết nhau, thế nhưng vẫn coi nhau như bạn bè: tôn trọng màu cờ sắc áo của nhau, sát cánh bên nhau dù cho đội nhà có thua hay thắng mà không hề buồn bã, vẫn một lòng coi trọng đối thủ của mình - hành động của những cổ động viên đó thật có ý nghĩa lớn lao.

Đó chính là chân giá trị của thể thao, là thông điệp của Euro lần này. Chữ Recpect (tôn trọng) mà ban tổ chức cho chạy dọc biển quảng cáo trên sân là minh chứng rõ rệt nhất. Và hình ảnh đẹp của các CĐV càng tô điểm thêm cho chân giá trị ấy.

HỒNG NHUNG (Hà Tĩnh)

LÊ HOÀI DƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Euro trong mắt tôi