![]() |
Khoảng cách giữa các trụ neo ở âu thuyền An Hòa khá sát nhau, thuyền neo đậu dễ va đập vào nhau khi có gió mạnh - Ảnh: Lê Trung |
Đầu năm 2011, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa (âu thuyền An Hòa) do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam làm chủ đầu tư (từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới và ngân sách nhà nước) được đưa vào sử dụng.
Đây là công trình quan trọng hỗ trợ ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển Quảng Nam, là nơi tàu thuyền trú bão an toàn khi gặp gió bão. Công trình có diện tích 40ha mặt nước với 70 cột trụ để neo đậu cho hơn 450 phương tiện khai thác thủy hải sản có công suất 300-400 CV ở khu vực các huyện, thành phố như Núi Thành, Tam Kỳ (Quảng Nam) và một số tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi.
Ngư dân Nguyễn Văn Phi (56 tuổi, xã Tam Quang, Núi Thành) cho biết các trụ neo nằm san sát nhau, chỉ đủ kích cỡ cho loại tàu có công suất 300-400 CV, những loại tàu có kích cỡ lớn hơn không vào được. “Tàu chúng tôi vào neo ở đây lúc gió lớn sẽ dễ đứt neo, va đập vào tàu khác gây hư hỏng cho tàu. Vả lại ở đây chẳng có bờ đê chắn sóng, luồng lạch sâu để chúng tôi yên tâm neo đậu khi có gió lớn” - ông Phi nói. Cũng theo ông Phi, khi biển có gió lớn hoặc bão, ngư dân vùng này không cho tàu vào âu thuyền An Hòa mà cho tàu neo ở khu vực ấp 10, thôn 4, xã Tam Giang để trú bão.
Ông Nguyễn Minh Khả, phó chủ tịch UBND huyện Núi Thành, cho biết huyện đã nhiều lần nhận được kiến nghị của ngư dân ở đây. Khu neo đậu trú bão cho tàu cá An Hòa thiếu nhiều hạng mục và người dân không cho thuyền vào tránh bão là có thật. Huyện đã xin kinh phí cấp trên để xây dựng bờ kè chống sạt lở, ngăn không cho cát trôi ra ngoài âu thuyền An Hòa.
Còn ông Nguyễn Hồng Lam, phó giám đốc Ban quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn (đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam), cho biết khi thi công công trình âu thuyền An Hòa, đơn vị thi công dự án cũng đã tính trước trường hợp tàu thuyền có kích thước lớn có thể neo đậu được, trừ trường hợp những tàu có kích thước quá cỡ (lớn hơn 900 CV). Cũng theo ông Lam, dự án lúc đầu dự kiến đầu tư gần 80 tỉ đồng nhưng thực tế nguồn kinh phí đưa về mới có 61 tỉ đồng nên mới có chuyện thiếu nhiều hạng mục như vậy.
“Phía Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã làm việc với cơ quan chức năng để lập kế hoạch đăng ký nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới tuy nhiên vẫn chưa được nhà tài trợ cấp vốn. Chúng tôi cũng đã đề xuất với UBND tỉnh bố trí nguồn vốn tạm thời để bổ sung các hạng mục còn thiếu. Ngoài ra, chúng tôi đã khảo sát, lập dự án nạo vét luồng lạch bên trong âu thuyền để tạo điều kiện cho tàu vào neo đậu an toàn khi mùa mưa bão sắp đến” - ông Lam nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận