Và niềm tin đó đã trở thành hiện thực. VN đang cùng các thành viên ASEM nỗ lực hết sức mình làm cho Hội nghị Cấp cao Á - Âu ASEM-5 tổ chức tại Hà Nội vào ngày 8 - 9-10-2004 trở thành một dấu ấn mới trong lịch sử quan hệ đối tác Á - Âu, đưa tiến trình ASEM lên một tầm cao mới.
Việc đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao ASEM-5 cũng sẽ là đóng góp tích cực nhất của VN đối với hợp tác ASEM từ trước tới nay, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của VN đối với Tiến trình ASEM nói riêng và tiến trình hội nhập quốc tế nói chung.
Ngày 2-3-1996 đã trở thành thời khắc lịch sử trong quan hệ giữa hai châu lục Á - Âu, khi mà các vị lãnh đạo từ 25 quốc gia của hai châu lục và Chủ tịch Ủy ban châu Âu có cuộc gặp Thượng đỉnh đầu tiên tại Bangkok (Thái-lan) quyết định khai sinh Diễn đàn hợp tác ASEM nhằm kiến tạo một quan hệ đối tác mới toàn diện giữa hai châu lục.
Sự ra đời của Diễn đàn hợp tác ASEM là kết quả của những chuyển biến sâu sắc của quan hệ quốc tế và là sự hội tụ của lợi ích Á - Âu trong thời kỳ sau chiến tranh lạnh. Dưới tác động của giai đoạn phát triển mới và sâu rộng của xu thế toàn cầu hóa và công nghệ thông tin đầu những năm 1990 cũng như trước nhu cầu gia tăng hợp tác quốc tế nhằm đối phó hiệu quả hơn các vấn đề toàn cầu, liên kết khu vực và liên khu vực đã có những bước tiến mạnh mẽ và trở thành một xu thế.
Các tổ chức khu vực, nổi bật là Liên hiệp châu Âu (EU) và Hiệp hội ASEAN, được mở rộng, tiếp tục đẩy mạnh liên kết với vị thế quốc tế gia tăng.Ðồng thời, các khối, tổ chức liên kết khu vực và liên châu lục mới lần lượt ra đời với sự hình thành của NAFTA, APEC...
Với sự phát triển năng động của các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, nhiều thành viên Liên hiệp châu Âu không muốn "bỏ lỡ chuyến tàu châu Á" và nhiều quốc gia châu Á cũng muốn thâm nhập hơn nữa vào "pháo đài châu Âu".
Chính trong bối cảnh đó, nhiều nhà lãnh đạo Á - Âu, mà đi đầu là Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong và Tổng thống Pháp Chirac, đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết cần thay thế mối quan hệ lâu đời giữa hai châu lục dựa trên cơ sở "cho và nhận" bằng một quan hệ đối tác mới bình đẳng, nhằm củng cố và thúc đẩy cạnh hợp tác Á - Âu trong mối quan hệ Á - Âu - Mỹ, góp phần tạo lập quan hệ quốc tế mới ổn định.
Trải qua 8 năm, Diễn đàn ASEM đã tiến những bước khá dài trong việc tạo dựng và phát triển khuôn khổ quan hệ đối tác mới đầu tiên trong lịch sử giữa hai châu lục Á - Âu. Nếu như Cấp cao ASEM-1 (tổ chức tại Bangkok, tháng 3-1996) là Hội nghị sáng lập, thì Cấp cao ASEM-2 (tại Luân Ðôn, tháng 2-1998) có ý nghĩa xác lập tôn chỉ, mục đích, định ra các nguyên tắc chỉ đạo và phương hướng hoạt động của ASEM.
Cấp cao ASEM-3 (tại Seoul, tháng 10-2000) được ghi nhận là dấu mốc định hướng đưa ASEM đi vào Thiên niên kỷ mới theo hướng "Quan hệ đối tác vì phồn vinh và ổn định trong Thiên niên kỷ mới", và Cấp cao ASEM-4 (tại Copenhaghen, tháng 9-2002) được coi là bước tiếp củng cố ASEM "Thống nhất và lớn mạnh trong đa dạng".
Với những đặc trưng riêng là "tính không chính thức", "tính đa phương diện" và "tính đại chúng", ASEM thực sự trở thành một cơ chế đối thoại và hợp tác dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, được xúc tiến ở nhiều cấp độ và với chương trình nghị sự toàn diện theo 3 trụ cột từ đối thoại chính trị đến đối tác kinh tế và giao lưu văn hóa-xã hội.
Các cuộc trao đổi và đối thoại chính trị ở Cấp cao đến cấp Bộ trưởng, quan chức cao cấp, chuyên viên đã góp phần đưa hai châu lục đi đến những nhận thức chung về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, tạo điều kiện cho gia tăng hợp tác Á - Âu, góp phần vào việc củng cố các nỗ lực đa phương cũng như các thể chế đa phương, nhất là Liên hợp quốc, để xử lý những thách thức chung, những vấn đề mang tính toàn cầu và các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Những biện pháp, chương trình tăng cường liên kết kinh tế, nhất là "Kế hoạch hành động thuận lợi hóa thương mại" (TFAP) và "Kế hoạch hành động xúc tiến đầu tư" (IPAP), đã bước đầu tạo thêm thuận lợi cho quan hệ thương mại, tài chính và đầu tư. Các dự án trị giá khoảng 82 triệu USD của "Quỹ Tín thác ASEM" trợ giúp các nước thành viên châu Á khắc phục ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ 1997-1998 được coi là một hình thức hợp tác thiết thực và hiệu quả...
Hợp tác văn hóa, giao lưu nhân dân..., đặc biệt là hơn 300 hoạt động của Quỹ Á - Âu tạo điều kiện cho khoảng 15.000 công dân Á - Âu tham gia, đã có đóng góp đáng kể cho việc củng cố nhịp cầu giao lưu, hữu nghị giữa hai châu lục. Tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ, môi trường, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực... đang từng bước được khơi dậy với việc thành lập Trung tâm công nghệ môi trường Á - Âu, các mạng liên kết các nhà nghiên cứu, các trường đại học...
Vì vậy, có thể nói rằng, những thành quả được của tiến trình ASEM đã góp phần quan trọng nâng cao vị thế của hai châu lục, thúc đẩy sự hình thành quan hệ quốc tế mới, có lợi cho hòa bình, hợp tác và phát triển trên toàn thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận