![]() |
Không khí yên bình bên ngoài hội nghị tại Singapore không phản ánh được những vấn đề nóng bên trong - Ảnh: Reuters |
Trong ngày họp đầu tiên của hội nghị, các ngoại trưởng ASEAN đã cùng kêu gọi Campuchia và Thái Lan kiềm chế xung quanh bất đồng tại khu vực đền thờ Preah Vihear ở biên giới giữa hai nước. Sau một tuần chỉ trích lẫn nhau qua đường ngoại giao và điều thêm quân tới biên giới, việc hi vọng đột phá quanh tranh chấp ở đây là khó nhưng cả hai bên đều tuyên bố muốn giảm căng thẳng.
Nói thẳng
Một số chuyên gia cho rằng tình hình bất ổn trong nội bộ chính trị Thái Lan là nguyên nhân gây ra căng thẳng đột biến tại khu vực đền 900 tuổi mà người Thái gọi là Khao Pra Viharn này. Hiện ASEAN đã đề nghị giúp đỡ với vai trò trung gian. Trong diễn văn khai mạc, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đánh giá "tình hình đã leo thang tới mức nguy hiểm" và cảnh báo ASEAN không thể đứng nguyên vì điều này sẽ làm ảnh hưởng tới uy tín của khối.
Theo Reuters, trước đó lần đầu tiên các ngoại trưởng khối đã có những phát biểu mạnh mẽ đối với vấn đề Myanmar, trong đó bày tỏ "thất vọng sâu sắc" về việc chính quyền quân sự tiếp tục quản thúc bà Aung San Suu Kyi tại nhà suốt hơn mười năm qua và kêu gọi việc thả các tù nhân chính trị ở nước này. Đây là một sự thay đổi lớn so với thói quen thường tránh các vấn đề còn tranh cãi của các nước ASEAN, theo nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ cơ bản của khối.
Đẩy mạnh nhất thể hóa
Các nhà ngoại giao cho biết khối đã đồng ý tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về lương thực vào tháng mười hai tới. Một quan chức của Philippines khẳng định: "Indonesia đề xuất tổ chức hội nghị này và chúng tôi đã đồng ý ngay". |
Thủ tướng Lý Hiển Long cảnh báo nếu việc hội nhập nhanh và sâu hơn của khối thất bại, ASEAN sẽ trở thành nhân tố ngoài cuộc ngay tại chính khu vực của mình. Ông cho rằng nguy cơ này hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt khi quan hệ giữa ba nước Đông Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc được cải thiện. Ông lấy dẫn chứng việc ba nước Đông Á sẽ lần đầu tiên tiến hành hội nghị thượng đỉnh vào tháng chín tới "ngoài khuôn khổ của ASEAN".
Ngoại trưởng các nước ASEAN dự kiến đồng ý khuôn khổ chung hoạt động cơ quan nhân quyền của khối. Một quan chức thừa nhận "cuộc đàm phán sẽ khó khăn" để xác định được chức năng và quyền hạn của cơ quan này do vẫn còn sự chia rẽ lớn giữa các nước thành viên.
Những vấn đề lớn khác mà các nước quan tâm là tình trạng giá lương thực, nhiên liệu tăng cùng với sức ép về lạm phát đang diễn ra ở các nước. ASEAN lo ngại cuộc khủng hoảng tài chính thế giới sẽ gây ra các phản ứng dây chuyền và gây bất ổn tại khu vực như diễn biến của cuộc khủng hoảng tài chính cách đây mười năm. Tình trạng giá cả leo thang đã khiến người dân phản đối ở nhiều nước trong khu vực như Malaysia, Philippines, đồng thời gây ra căng thẳng chính trị ở nhiều nước.
Bản dự thảo tuyên bố chung cho biết các ngoại trưởng thảo luận "thách thức ngày càng tăng đối với đời sống người dân và phát triển kinh tế khi giá xăng và lương thực tăng".
Sau hội nghị ngoại trưởng, các ngoại trưởng ASEAN sẽ cùng tham dự Hội nghị sau hội nghị ngoại trưởng (PMC) và Diễn đàn khu vực (ARF). Các hoạt động này sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 24-7. Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao VN Phạm Gia Khiêm đang dẫn đầu đoàn VN dự hội nghị lần này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận