08/11/2006 17:59 GMT+7

APEC 2006 nâng cao vị thế Việt Nam

Theo TTXVN
Theo TTXVN

Nhân tuần lễ cấp cao APEC sắp diễn ra ở VN, TTXVN đã phỏng vấn Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đánh giá về công tác chuẩn bị cho sự kiện này.

BoNr0Pck.jpgPhóng to
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm
Nhân tuần lễ cấp cao APEC sắp diễn ra ở VN, TTXVN đã phỏng vấn Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đánh giá về công tác chuẩn bị cho sự kiện này.

* Xin Phó Thủ tướng cho biết ý nghĩa của việc đăng cai tổ chức APEC 2006 đối với VN và đánh giá công tác chuẩn bị của VN cho sự kiện này?

- Năm 2006 chứng kiến 2 sự kiện quan trọng, thể hiện quyết tâm của VN chủ động hội nhập sâu hơn, toàn diện hơn với khu vực và thế giới: Việt Nam kết thúc cuộc đàm phán gia nhập WTO, chính thức là thành viên của tổ chức này từ ngày 7-11-2006, và đăng cai tổ chức Năm APEC 2006. Vì vậy, thành công của Năm APEC 2006 có nhiều ý nghĩa quan trọng đối với VN.

Thứ nhất, là cơ hội để tuyên truyền, giới thiệu đất nước và con người Việt Nam với thế giới; góp phần nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của VN trên các diễn đàn quốc tế.

Thứ hai, khẳng định VN có đủ năng lực thực hiện các cam kết và thỏa thuận quốc tế. Trong APEC, VN là thành viên đang phát triển, song đã tích cực tham gia, đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực, và đăng cai APEC 2006 là sự đóng góp lớn nhất của VN đối với APEC.

Đồng thời, APEC 2006 còn khẳng định hoạt động ngoại giao đa phương của VN đang phát triển mạnh mẽ, đội ngũ cán bộ ngoại giao đa phương đã trưởng thành về nhiều mặt, góp phần phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ ba, với sự có mặt của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên, trong đó có những nền kinh tế lớn, có vai trò quan trọng trên thế giới như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Nhật, APEC 2006 là cơ hội để củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác song phương với các thành viên APEC, mà nhiều thành viên là đối tác quan trọng của Việt Nam về thương mại, đầu tư, du lịch, hợp tác lao động, vốn ODA.

Thứ tư, với sự có mặt của đại diện các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn nhất thế giới đến dự Hội nghị thượng đỉnh các Tổng giám đốc APEC (CEO Summit), đây còn là cơ hội cho các doanh nghiệp VN tăng cường hợp tác, tìm thêm đối tác, mở rộng thị trường; mặt khác, thông qua các hoạt động của APEC 2006, cộng đồng doanh nghiệp APEC hiểu rõ hơn các chính sách thông thoáng về thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài của VN trong bối cảnh VN sắp là thành viên của WTO, và họ có thể yên tâm đầu tư, kinh doanh lâu dài ở VN.

Với ý nghĩa quan trọng đó, VN dành mọi ưu tiên tổ chức thành công Năm APEC 2006. Đến nay, mọi công việc chuẩn bị đã hoàn thành. Các cuộc tổng duyệt và diễn tập về lễ tân, thông tin báo chí, bảo vệ an ninh, an toàn giao thông, văn hóa nghệ thuật… cho thấy chúng ta đã chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng thời kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh những vấn đề còn khiếm khuyết, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đại biểu. Vì vậy, có thể nói VN đã sẵn sàng dành những tình cảm thân thiện, nồng hậu đón các vị đại biểu và khách quí đến dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2006.

* Xin Phó Thủ tướng cho biết những nội dung chính sẽ được thảo luận tại APEC 14? VN đã đưa ra những sáng kiến gì để đóng góp vào sự phát triển trong tương lai của APEC?

- Hội nghị các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC 14 sẽ thảo luận hai nội dung quan trọng là: đẩy mạnh thương mại và đầu tư; những nhân tố bảo đảm tính năng động, tăng trưởng và phát triển bền vững trong APEC nhằm tăng cường phối hợp hành động, củng cố hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, kinh tế kỹ thuật, an ninh con người, tăng cường liên kết giữa APEC với các diễn đàn kinh tế khác trong khu vực và trên thế giới.

Với mong muốn APEC “hướng tới một cộng động năng động, vì phát triển bền vững và thịnh vượng”, VN đã đưa ra nhiều sáng kiến, đề xuất, trong đó các thành viên đánh giá rất cao các sáng kiến của Việt Nam về Kế hoạch Hành động Hà Nội thực hiện Lộ trình Bu-san; Cải cách APEC hiệu quả, năng động; Chương trình giảm 5% chi phí giao dịch thương mại giai đoạn 2007-2010; Tuyên bố Hội An về tăng cường hợp tác du lịch; Đối thoại Công-Tư về chống tham nhũng và minh bạch hóa…góp phần đẩy mạnh hợp tác trong APEC hiệu quả cả về chiều rộng và chiều sâu.

* Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về những tiến bộ đã đạt được liên quan tới thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong APEC? Theo Phó Thủ tướng, APEC cần phải thực hiện những biện pháp gì để thực hiện Lộ trình Bu-san?

- Thuận lợi hóa thương mại và đầu tư là một trong ba “trụ cột” hợp tác của APEC, và là “công cụ” hiệu quả đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu Bô-gô vào năm 2010 đối với các nền kinh tế phát triển, năm 2020 đối với các nền kinh tế đang phát triển.

Nhận rõ những lợi ích của thuận lợi hóa thương mại, năm 2001 tại Thượng Hải, APEC đã đưa ra Kế hoạch Hành động Thuận lợi hóa Thương mại giảm 5% chi phí giao dịch giai đoạn 2001-2006 (TFAP 1). Kết quả đánh giá cuối kỳ việc thực hiện TFAP 2001-2006 cho thấy APEC đã thực hiện đúng tiến độ mục tiêu đề ra, và nhất trí tiếp tục đẩy mạnh nhiều biện pháp, hành động thuận lợi hóa thương mại hơn nữa nhằm giảm các thủ tục hành chính, xây dựng môi trường thương mại an toàn, đơn giản hóa thủ tục trong hoạt động thương mại…

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong giai đoạn 2001-2006, APEC quyết định xây dựng TFAP 2 hướng tới giảm tiếp 5% chi phí giao dịch giai đoạn 2007-2010.

Thuận lợi hóa đầu tư trong APEC cũng đạt được những tiến triển quan trọng. Năm 2005, APEC đã thông qua Lộ trình Busan, trong đó có một nội dung quan trọng là Chương trình Nghị sự Busan về Tạo thuận lợi cho kinh doanh, nhấn mạnh APEC cần phối hợp với Hội đồng tư vấn doanh nhân APEC (ABAC) xây dựng một chương trình làm việc mở rộng hướng tới tăng cường tự do hóa và thuận lợi hóa đầu tư trong khu vực.

Thực hiện mục tiêu này, Nhóm chuyên gia về Đầu tư (IEG) của APEC đã xây dựng chương trình làm việc về tự do hóa và thuận lợi hóa đầu tư, gồm 3 nội dung chính: Xác định các rào cản đối với đầu tư để đưa ra các biện pháp chính sách phù hợp; Đánh giá hiệu quả của các chính sách đầu tư; Nâng cao năng lực cho các thành viên trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, APEC đang rà soát, cập nhật Bộ các nguyên tắc đầu tư không ràng buộc được đề ra từ năm 1994 nhằm phù hợp với phương thức kinh doanh và môi trường đầu tư mới, làm cơ sở để các thành viên tham khảo, áp dụng và thực hiện.

Thực hiện Lộ trình Busan là một trong những ưu tiên của năm APEC 2006 nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hướng tới mục tiêu Bô-gô. Với mong muốn đó, Việt Nam đã đề ra Kế hoạch Hành động Hà Nội, cụ thể hóa những nội dung của Lộ trình Bu-san thành những hành động, biện pháp thiết thực với thời hạn thực hiện cụ thể, rõ ràng.

Dự kiến Kế hoạch hành động Hà Nội sẽ được các nhà Lãnh đạo APEC thông qua tại Hội nghị APEC 14 và là một trong những kết quả quan trọng nhất của năm APEC Việt Nam 2006. Điều này thể hiện quyết tâm của APEC thực hiện các cam kết về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư vì những lợi ích chung là phát triển bền vững và thịnh vượng.

Theo TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên