01/03/2006 00:46 GMT+7

"...ao nhà vẫn hơn"

Zazy
Zazy

TTO - Ra đi rồi trở về, nghe thì đơn giản, nhưng bao giờ về, về như thế nào, trong quá trình từ đi đến về đó, mục tiêu nào cần được ưu tiên là cả một sự day dứt, trăn trở...

Trên các trang web của du học sinh đang có khá nhiều ý kiến, tranh luận khác nhau về vấn đề này. Đọc những dòng suy nghĩ của người trong cuộc, dù họ có hứa hẹn trở về hay không thì người đọc vẫn thấy dội lên một niềm tin: họ sẽ về.

- Nhiều lúc thấy cũng hơi vô trách nhiệm với đất nước khi chỉ muốn làm việc cho công ty nước ngoài với mong muốn học được nhiều, lương cao, trong khi luôn miệng chê bai nhà nước. Thật ra cũng có nhiều mâu thuẫn: người VN thì muốn vào công ty nước ngoài, người VN ở nước ngoài cũng đa phần thích ở lại, người nước ngoài thì ầm ầm vào VN để học và đầu tư.

- Về hay không là tùy. Nhưng theo tôi, nếu ở VN có công việc tốt, lương phù hợp với những gì mình bỏ ra thì về, nếu không thì ở lại đây với điều kiện phải tìm được công việc hợp lý và ở lại lâu dài.

- Thật ra, nếu giỏi thì về VN làm giàu dễ hơn cả. Thiếu gì những người không tốt nghiệp trường lớp vẫn giàu lên tỉ phú. Những người học ĐH trong nước vẫn có thể có lương 3.000-7.000USD/tháng. Cái chính là ở mình. Xã hội càng ngày càng khác chứ đâu phải lúc nào cũng đổ lỗi cho cơ chế, mà kể cả nhà nước cũng thay đổi dần rồi. Đi du học mà bảo về VN không làm được thì đi để làm gì? Học giỏi có nghĩa là áp dụng được ở môi trường khó, tất nhiên còn tùy. Nhưng đừng đổ lỗi vì không có môi trường. Mọi người hãy đọc “Những người làm thuê số 1 ở Việt Nam” (báo Tuổi Trẻ) đi.

- Mỗi người đều có lựa chọn. Nếu đã giỏi về khoa học và quản lý thì ở đâu cũng sống được.

- Theo tôi thì về VN vẫn hơn bởi không thiếu công ty nhà nước trả lương cao. Hơn thế nữa, quê hương vẫn tốt hơn nơi đất khách quê người. Về mình có gia đình, bạn bè, những điều mà dù có kiếm được cực kỳ nhiều tiền cũng không thể mua được.

- Về VN vẫn hơn vì không thì mình sẽ làm giàu cho nước khác trong lúc nước mình vẫn nghèo.

- Tôi thì suy nghĩ phải lo cho bản thân trước, sau đó tính đến chuyện phụng dưỡng cha mẹ. Tạm yên ổn rồi thì bắt đầu đóng góp cho quê hương tùy theo sức của mình.

- Nếu chúng ta luôn sống và làm việc một cách đúng đắn, tốt, hết lòng thì ở đâu chúng ta cũng có thể hạnh phúc và mang lại hạnh phúc cho nhiều người, góp phần sức mình dù nhỏ nhoi cho quê hương. Tích tiểu thành đại, đất nước ắt đi lên. Điều quan trọng là chúng ta phải biết đoàn kết.

- Theo tôi, đóng góp cho đất nước mình không phải chỉ là về nước làm việc. Nhiều người VN ở nước ngoài vẫn thường xuyên gởi tiền về. Đó cũng là một cách đóng góp.

- Có rất nhiều ngành học nếu như quay trở về nước thì hoàn toàn không có tương lai (ít ra vào thời điểm này). Lý tưởng giúp ích đất nước giống như một một cục than tốt, nhưng điều kiện làm việc lại là mồi lửa. Phải có cả lửa lẫn than thì mới có một sự cống hiến đúng ý nghĩa.

Mọi người cũng đừng quá mẫn cảm khi cho rằng phải quay về phục vụ Tổ quốc mới là những công dân trẻ có trách nhiệm. VN không thể chỉ trông mong một lớp trẻ đi học xa quay về cống hiến mà phải lớn mạnh từ nội lực, tức là phải có đầu tư lớn hơn cho giáo dục bậc ĐH trong nước đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Mỗi bạn SV trong nước cũng phải cố gắng phấn đấu học tập và rèn luyện, thay đổi tác phong cho phù hợp với sự phát triển của giới trẻ trên thế giới: năng động hơn, dấn thân hơn và bớt ích kỷ trong suy nghĩ.

Nội lực sẽ làm cho đất nước ta ngày càng giàu mạnh một cách vững chắc. Đổ lỗi hay lên án cho sự bạc bẽo của những người đi du học là sự bao biện cho một tư thế phát triển còn yếu kém của người trong nước.

- Ai là người có ý định về quê? Tôi nghĩ chắc chắn có rất nhiều người có ý định này, nhưng hầu như không ai có đủ cương quyết hoặc bản lĩnh để làm điều đó.

- Tôi cũng muốn học xong quay trở về VN làm việc vì dù sao không ở đâu bằng ở nhà. Với những bạn có gia đình khá giả thì việc quay về là một chuyện bình thường. nhưng với những người như mình thì đi học là một sự đầu tư lớn của cả gia đình thì không thể mạo hiểm quay về ngay khi mới học xong. Cho dù có người nghĩ rằng đừng nên đòi hỏi quá cao nhưng tôi nghĩ cái gì cũng phải có giá của nó.

- Tôi không thấy có mục đích gì để tranh luận gay gắt đề tài này không ngừng. Có thể đề tài này trở nên sôi nổi vì nó sa lầy vào nhiều quan điểm cá nhân. Quan điểm cá nhân thì hằng hà sa số, không có điểm tương đồng. Cuối cùng quyết định như thế nào cũng là tương lai của mỗi người. Không ai chịu trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm giùm cả. Triết lý cơ bản cho việc trưởng thành của một con người, khó có thể chối cãi được là dù học sinh thì mỗi người cũng phần nào học được tính tự lập, tính tự quyết định số phận của mình.

Cho nên, nếu ai không thể tự quyết định được cho số phận của mình thì đành chịu, và cũng không ai giúp đỡ hay ngăn cản được. Do đó, tranh cãi về vấn đề này vì không có mục tiêu chắc chắn sẽ gây tốn công phí sức. Quan điểm nhân sinh của mỗi người mỗi khác, không thể áp dụng từ người này lên người khác. Vì vậy, về hay ở là việc của mỗi người.

Cuộc sống là của họ. Chúng ta cần xác định rõ những khó khăn gì ở VN khiến bản thân quyết định ở lại nước sở tại.

Dù VN vẫn còn nghèo, có thể yêu cầu về lương sẽ khó đáp ứng, nhưng chắc chắn rằng vẫn còn có những giá trị khác mà chúng ta quên đề cập đến. Và ai cũng hiểu rằng: tiền bạc không bao giờ mua được tất cả.

Zazy
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên