Gia đình Nguyễn Văn Lâm quê ở Quảng Nam, vào Đồng Nai rồi sau đó là TP.HCM sinh sống từ thập niên 1990. Năm 1995, Lâm đi bộ đội. Xuất ngũ hai năm sau đó, Lâm đi học nghề cơ khí và có thời gian làm công việc này cho đến năm 2000, anh nghe lời bạn khuyên đi tập thể hình. Và sự nghiệp của Lâm bắt đầu từ đây. Anh trở thành tên tuổi thứ ba trong làng thể hình sau Lý Đức và Phạm Văn Mách, khi liên tiếp gặt hái HCV ở các giải thế giới, châu Á từ năm 2008 đến năm 2011.
Nỗ lực để sinh tồn
Khởi nghiệp khá muộn nên con đường sinh nhai của Lâm cũng vô vàn trắc trở. Ở tuổi trạc tứ tuần, Lâm vẫn phải chạy vạy từng bữa cơm bằng cả nghề “tay phải” lẫn “tay trái”. Anh tâm sự: “Nhiều người nghĩ cứ vô địch thế giới là đủ sức nuôi cả đại gia đình, giúp đỡ anh em, nhưng trên thực tế tôi vẫn đang phải cùng các anh chị em của mình dựa vào nhau mà sống”. Được biết, hiện Lâm cùng hai người anh, em gái ruột cùng mở một cửa hàng nhỏ kinh doanh trang phục thể thao ở huyện Hóc Môn, TP.HCM.
Đã có thời điểm Lâm gần như lâm vào ngõ cụt khi anh quyết định giải nghệ vào cuối năm 2011. Từ một chuyện buồn trong gia đình, cộng thêm việc không thể kham nổi chi phí tập luyện quá đắt đỏ của môn thể hình, Lâm nghỉ tập suốt một năm trời. Đầu năm 2013, anh mới quyết tâm trở lại với thể hình. Chỉ sau tám tháng tập luyện, Lâm đoạt HCV châu Á hạng cân 65kg, rồi sau đó là HCB thế giới hạng cân 70kg. Anh kể: “Sau khi chia tay với thể hình cách đây hai năm, tôi luôn tự vấn rằng chẳng lẽ cuộc đời mình lại trở nên như thế này sao. Không tiền bạc, không nghề nghiệp, không có cả tương lai. Thế là tôi quyết tâm trở lại thi đấu để có thể tiếp tục mưu sinh”.
Chiếc HCV Lâm giành được ở SEA Games 27 có ý nghĩa vô cùng to lớn, vì đây là HCV duy nhất của thể hình VN sau bốn năm trời vắng bóng tại đấu trường này. Sau phần thi, cánh phóng viên nước ngoài kéo đến chụp hình, quay phim Nguyễn Văn Lâm vì họ hiểu được đằng sau chiến thắng của Lâm là một nỗ lực phi thường khi anh phải chuyển lên thi đấu ở hạng cân 70kg không phải sở trường, chịu nhiều áp lực từ thất bại của các đồng đội trước đó. Nhưng với những ai đã quen biết Lâm từ trước, điều đó thật sự không có gì lạ, bởi với chàng lực sĩ quê gốc Quảng Nam mỗi lần lên sàn đấu đều có ý nghĩa sinh tồn.
Sự buồn tẻ sau ánh hào quang
Sau khi nhận HCV SEA Games đầu tiên trong sự nghiệp, Lâm muốn dành tặng cho người cha già đã 74 tuổi cùng các anh chị em trong gia đình. “Còn vợ con của anh thì sao?”, Lâm chỉ biết lắc đầu cười khổ khi được hỏi. Đã hai năm qua, trên gương mặt vốn đã khắc khổ của chàng lực sĩ 38 tuổi, người ta càng thấy nhiều nét u uẩn hơn bởi sự cô độc trên đường đời.
Cuối năm 2011, gia đình hạnh phúc của Lâm bị đổ vỡ vì những lý do cá nhân. Phải chia tay người vợ đã sống chung hơn mười năm, Lâm gần như mất tất cả khi đứa con trai gần 10 tuổi cũng theo ở với mẹ. Cả một thời gian dài, Lâm gần như không thể tập luyện với cú sốc gia đình và đó cũng là nguyên nhân khiến anh từng quyết định chia tay thể hình. Lâm chia sẻ: “Nếu không có cha và các anh chị em hỗ trợ tinh thần, có lẽ tôi đã không thể gượng dậy được”. Vậy mà giờ đây, người cha già của Lâm lại đang bị bệnh tim trong cảnh nguy kịch.
Sự nghiệp của Lâm là một sự tách biệt khác với cuộc sống. Ngày ngày anh chạy xe hơn 20km từ Hóc Môn lên CLB Lan Anh ở Q.10 tập luyện đến chiều, tối trở về nhà tự nấu ăn, chế biến đồ uống. Việc phải kiêng khem quá nhiều thứ trong môn thể hình khiến cuộc sống của anh trở nên đơn điệu, khi nhiều lúc bạn bè rủ “đi làm vài chai” mà cũng không thể. Đi ra quán xá cũng không dám vì sợ thức ăn, thức uống luôn phải kiêng kỵ. Và ít ai biết chuyện ăn uống với VĐV thể hình là cả một sự trần ai khi không chỉ đơn điệu, nhạt nhẽo mà còn đắt đỏ. Mỗi tháng Lâm tốn gần 20 triệu đồng cho chế độ dinh dưỡng.
Ẩn trong ánh vàng rực rỡ của buổi hoàng hôn cũng là những nét buồn như thế với cuộc đời người lực sĩ đã sắp đến ngày giải nghệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận