15/05/2012 02:02 GMT+7

Anh tôi là thợ mộc

HƯƠNG LY (Bắc Kạn)
HƯƠNG LY (Bắc Kạn)

AT - Nhà có bốn chị em thì anh Châu là người chăm chỉ nhất. Bố tôi hay mắng anh lười học, không chịu lo nghĩ lâu dài, chỉ được cái khỏe chân tay, nên việc hàng xóm láng giềng lúc nào cũng chờ đến lượt.

y4ggriVv.jpgPhóng to

Minh họa: Nguyễn Thanh

Có hôm anh đi lợp nhà giúp bác Bảy về bị trẹo tay, thế mà hôm sau anh vẫn lên đồi chặt nứa để rào vườn.

Anh Châu thích làm mộc. Từ bé anh đã chạy đi xem mấy chú thợ mộc làm giường, tủ. Về nhà, anh chặt cây làm đủ kiểu, từ cái đòn gánh, ghế ngồi đến cả những chiếc cù anh đẽo cho trẻ con trong xóm. Mọi người ai cũng khen anh khéo tay. Một lần anh cao hứng, chặt cây bưởi đang nở hoa để làm xe đạp gỗ cho cái Bo chơi. Bố mẹ tôi ngán ngẩm anh lắm!

Cuối học kỳ năm lớp mười một, mẹ tôi đi họp phụ huynh về cầm quyển sổ liên lạc ngồi lặng không nói gì. Bố tôi giật xem rồi xé vụn.

- Đợi nó về, tôi sẽ cho một trận!

- Thôi ông ơi, làm thế nó nản lòng lại bỏ học, cứ từ từ khuyên bảo nó - mẹ tôi kéo tay bố van xin.

Điểm năm nào của anh cũng thấp. Hễ đi học về là anh lại bắt tay vào những công việc đâu đâu. Tối lật qua lật lại vài trang sách rồi lăn ra ngủ.

- Tao nói nó không được thì mấy chị em chúng mày lo mà bảo nó học đi. Sau này ấm thân nó chứ ấm thân ai. Tao cấm đứa nào sau này ở nhà làm ruộng… - bố tôi bỏ lửng rồi cầm điếu thuốc rít sòng sọc.

Chắc bố đang giận lắm. Nhà có ít ruộng đất mà anh Châu lại là con trai, tuổi thơ chúng tôi đã khổ rồi nên bố mẹ không muốn sau này con cháu mình phải lặp lại điều đó. Mấy chị em tôi nhìn nhau không nói được câu gì.

Hằng ngày, sau buổi học anh Châu vẫn đi làm việc, người anh ngày một to cao như chàng lực sĩ. Tôi học bài căng thẳng, chạy lên đồi theo anh trồng cây lát. Anh vừa quệt mồ hôi vừa nói: “Mày về đi, cố mà học giỏi, đừng có đi theo anh mãi, lại lây cái dốt nát của anh”. Tôi hơi tự ái, nhưng biết anh là người chân thật. Tôi vẫn học giỏi đấy thôi, chẳng qua tôi thích đi cùng anh. Tôi cầm hòn đất vân vê, hỏi:

- Anh ơi, những cây lát bé nhỏ này khoảng bao lâu sẽ thành gỗ nhỉ?

Anh Châu cắm cúi lấp đất xuống những hố trồng cây, nói:

- Lâu lâu đấy!

- Lâu là bao nhiêu năm ạ?

- Mười năm.

Anh tôi gần hai mươi tuổi rồi mà vẫn chưa tốt nghiệp trung học phổ thông. Tôi nhắc anh chuyên tâm học tập, những công việc gia đình bố mẹ không bắt anh làm. Anh lảng đi.

Anh Châu bỏ học chữ, đi học việc ở xưởng gỗ mỹ nghệ trên tỉnh khiến bố mẹ tôi tức giận. Thi thoảng anh về nhưng không ai nhìn mặt anh. Tôi rón rén ngồi bên cạnh anh, mắt ngấn nước: “Anh bản lĩnh thật đấy, em khâm phục anh lắm!” Anh nhìn tôi cười cười rồi lại đi. Rồi một hôm anh gọi điện báo anh đã được nhận vào làm chính thức. Tôi mừng cho anh mà cũng thấy thương anh thật nhiều.

Thấm thoát, tôi lớn lên và sắp đi học xa nhà. Anh Châu tay nghề ngày một lên. Ngôi nhà của chúng tôi, từ chiếc bàn gỗ cũ kỹ đến cái chạn bát được anh thay bằng đồ gỗ mới. Hàng xóm biết đến cũng sang thuê anh làm thứ này thứ kia.

Ngày tôi ra thành phố học, người đưa tôi đi là anh. Các chị tôi rành rọt về xe cộ đường sá nhưng ai cũng kêu bận rộn, từ chối. Anh Châu đùa: “Em đi học khác nào ngố ra phố, chỉ có anh mới đưa đi được thôi”. Chuyến xe khách đường dài đưa tôi đến thành phố ồn ào, náo nhiệt. Những tòa nhà cao vút khiến tôi choáng ngợp. Tôi cảm thấy mình lạc lõng. Anh khoác balô giúp tôi, dẫn tôi đến trường nhập học. Tôi bẽn lẽn đi bên cạnh anh, hai anh em cách nhau tám tuổi mà cứ như hai chú cháu vậy.

Trước khi trở về nhà, anh dúi cho tôi những đồng tiền làm ra từ chính mồ hôi của anh. Tay anh vỗ vỗ lên vai tôi động viên: “Cố gắng học tốt nhé em”. Ánh mắt anh nhìn tôi chan chứa niềm hi vọng. Tôi chỉ biết gật đầu rồi quay nhanh đi chỗ khác gạt nước mắt.

Xa nhà, người tôi luôn nhớ là anh Châu. Mỗi lần học bài trên chiếc bàn gỗ tự tay anh làm tặng, tôi lại thấm thía về tình thương anh dành cho tôi. Và tôi đã hiểu nghề nào cũng đáng quý nếu thật sự mình yêu thích nghề đó như anh tôi.

k470824H.jpgPhóng toÁo Trắngsố 8 ra ngày 1/05/2012hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

HƯƠNG LY (Bắc Kạn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: vào đời thợ mộc