Giáo sư Trần Văn Khê . Ảnh: TR.N. |
Có mặt tại bệnh viện nhân dân Gia Định, PV Tuổi Trẻ cho biết giáo sư Trần Văn Khê sau khi trút hơi thở cuối cùng lúc 2g55 rạng sáng 24-6 đã được yên nghỉ tạm thời tại nhà đại thể của bệnh viện.
Bác sĩ Hồ Văn Hân - Phó khoa Hành chính tổng hợp - cho PV Tuổi Trẻ biết bệnh của giáo sư Trần Văn Khê trở nặng khoảng 10 ngày nay.
Bác sĩ Hoàng Quốc Hòa - giám đốc bệnh viện luôn trực tiếp chỉ đạo điều trị cho giáo sư hàng ngày. Tình hình bệnh của giáo sư luôn được cập nhật trong các buổi giao ban của các bác sĩ trong bệnh viện.
Ngày 20-6, bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã vào thăm giáo sư, nhắc nhở cán bộ bác sĩ bệnh viện nhân dân Gia Định dành sự quan tâm theo dõi đặc biệt sát sao với sức khỏe của giáo sư. Những thiết bị y tế và thuốc men tốt nhất đều được ưu tiên dành cho bệnh nhân đặc biệt này của bệnh viện.
Tối 23-6, sức khỏe của giáo sư suy yếu hơn, huyết áp không ổn định. Bệnh lý tim mạch nặng cùng nhiều chứng bệnh khác của người già (giáo sư đã 94 tuổi) đã quật ngã cây đại thụ của nền âm nhạc truyền thống, của văn hóa Việt. Lúc 2 giờ 55 phút rạng sáng 24-6, huyết áp của giáo sư tụt xuống, cơ thể không tiếp nhận các loại thuốc, trái tim 94 tuổi ngừng đập vĩnh viễn.
Được biết, lãnh đạo TP.HCM cùng gia đình GS Khê đang họp bàn để tổ chức tang lễ cho giáo sư theo nghi thức trọng thể nhất dành cho một danh nhân văn hóa.
GS Trần Văn Khê trong một buổi sinh hoạt chuyên đề tại tư gia ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Gia Tiến |
Giáo sư Trần Quang Hải - con trai trưởng của giáo sư Trần Văn Khê hiện đang từ Pháp trở về.
Giáo sư Trần Văn Khê cấp cứu tại bệnh viện nhân dân Gia Định từ cuối tháng 5 do tuổi cao sức yếu lại mắc nhiều bệnh hiểm nghèo. Trong suốt quá trình chữa trị tại đây, được biết, ông đã được điều trị trực tiếp bởi giám đốc bệnh viện.
Bộ trưởng Bộ y tế cũng trực tiếp vào thăm ông và bà nói rằng "Bộ Y tế đề nghị bệnh viện và sẽ tìm cách hỗ trợ toàn bộ chi phí chữa bệnh cho GS. Hiện nay GS. Trần Văn Khê đang được cứu chữa và chăm sóc với điều kiện và thuốc men tốt nhất ở VN". Trong thời gian giáo sư nằm bệnh viện, các con ông đã luôn túc trực bên ông, nhiều lần ông đã tỉnh táo để dặn dò nói chuyện với một số học trò, con cháu.
Giáo sư Trần Văn Khê sinh năm 1921 tại làng Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, nay là Tiền Giang là con cả của một gia đình có bốn đời nhạc sĩ. Lên 6 tuổi biết đàn kìm (đàn nguyệt), tám tuổi biết đàn cò (đàn nhị), 12 tuổi biết đàn tranh, đánh trống nhạc... Năm 1941 thi đậu Thủ khoa Tú Tài Khoa Triết.
Ông sang Pháp năm 1949, học tại trường Đại học Sorbonne ở Paris vào năm 1958. Năm 1949, học tại Viện Khoa học Chính trị Paris. Năm 1951, tốt nghiệp Khoa học Chính trị, Khoa Giao dịch Quốc tế. Từ 1954 đến 1958, học Đại học Văn Khoa Paris, Viện Âm nhạc học. Năm 1958, ông là người Việt đầu tiên đỗ tiến sĩ Khoa Âm nhạc học Đề tài luận án: La Musique vietnamienne traditionnelle” (Âm nhạc truyền thống Việt Nam).
Sau hơn 50 năm ở nước ngoài, hiện tại ông về sống tại 32 Huỳnh Đình Hai (Bình Thạnh, TP.HCM), nơi này sẽ là bảo tàng lưu giữ sách và các loại nhạc cụ dân tộc của Giáo sư.
Giáo sư Trần Văn Khê từng được Giải thưởng lớn Hàn lâm Viện Đĩa hát Pháp, Giải thưởng Đại học Pháp, Giải thưởng Dân tộc nhạc học năm 1960 và 1970, tiến sĩ danh dự về Âm nhạc Đại học Ottawa (Canada, 1975), Giải thưởng lớn về Âm Nhạc UNESCO và Hội Đồng quốc tế Âm nhạc (1981), Huân chương Nghệ thuật và Văn chương Cấp Officier, Bộ Văn hóa Chính phủ Pháp tặng (1991), Giải thưởng quốc tế về Dân tộc nhạc học KOIZUMI Fumio (Nhật Năm, 1995), Tiến sĩ danh dự về Dân tộc Nhạc học Đại học Moncton (Canada, 1999).
Tuổi Trẻ sẽ thông tin chi tiết hơn sau khi có thông tin chính thức từ gia đình giáo sư để bạn đọc và những người yêu kính giáo sư được biết.
Mời bạn nghe sách nói Tự truyện Trần Văn Khê
Mời bạn theo dõi một trong những bài nói chuyện về văn hóa Việt Nam cuối cùng của GS-TS Trần Văn Khê
Chân dung GS Trần Văn Khê. Ảnh: Gia Tiến |
Trần Văn Khê trả lời phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Hoài Nam cho bài viết Nghe nhạc để yêu đời hơn của báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Quang Định |
GS.TS Trần Văn Khê tại buổi giao lưu Tài tử - Cải lương: Sự tương đồng và khác biệt tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 18-3-2014 - Ảnh: Quang Định |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận