15/08/2017 07:33 GMT+7

Anh đây để bụng thương thầm bấy lâu

LÊ MINH QUỐC
LÊ MINH QUỐC

TTO - Trong cuộc sống, người ta thường quy ước dùng một sự vật nào đó để nói lên một điều gì đó. Cách dùng như thế được gọi là biểu trưng.

“Chẳng hạn, người Việt chúng ta thường dùng các bộ phận của lục phủ, nghĩa là ruột, gan, dạ dày, bụng, lòng, phổi để biểu trưng cho ý chí, tâm tư, tình cảm, tấm lòng… Các bạn có thể kiểm tra điều này qua những thành ngữ và tục ngữ: “Ruột để ngoài da; Phổi bò; Lòng vả cũng như lòng sung; Miệng nam mô bụng bồ dao găm; Suy bụng ta ra bụng người; Bụng bảo dạ…”. 

Đó là ý kiến của nhà ngôn ngữ học, TS Nguyễn Đức Dân.

“Anh chớ thấy em lắm bạn mà ngờ/ Bụng em vẫn trắng như tờ giấy phong” (ca dao). Từ “bụng” có thể thay thế bằng “dạ/lòng” đấy chứ?

Chẳng hạn, ông thi sĩ tài hoa Tú Xương dẫu thơ hay, nhưng qua nhiều lần thi rớt ạch đụi, buồn quá bèn than: “Bụng buồn còn muốn nói năng chi/ Đệ nhất buồn là cái hỏng thi”. Nếu không sử dụng “bụng buồn” có thể thay bằng “dạ buồn” chăng? 

Mà “bụng buồn” là sao? Là có nỗi buồn đang giấu kín, chỉ mỗi mình mình biết, chỉ mỗi mình hay mà ngoài mặt vẫn tỉnh rụi, khó tâm sự với ai khác. Tâm sự mà được à? Mắc cỡ lắm, chẳng hạn anh chàng háu ăn kia: “Bụng buồn chẳng muốn nói ra/ Muốn đi ăn cỗ chẳng ma nào mời”.

Ma ở đây chẳng phải “Ma trêu quỷ hờn/ Thần cây đa, ma cây gạo, cáo cây đề/ Nhủng nhẳng như chó cắn ma”… Mà lại là dùng để chỉ một ai đó, người nào đó - tỉ như “Ma cũ bắt nạt ma mới”.

Một người nhận xét: “Cô ấy ma lắm” - ta hiểu là tinh quái, khôn lanh, xảo quyệt. Nhưng sổ ma, giấy tờ ma… là không có thật, chỉ bịa ra để gạt người khác.

 “Thấy em nhỏ thó lại có duyên thầm/ Anh đây để bụng thương thầm bấy lâu” - để bụng là không nói ra, giữ lại trong lòng; thế nhưng nghe câu nhận xét: “Chẳng biết đâu mà lần, hắn ta hay để bụng lắm đấy”, lại hiểu theo nghĩa người đó tính khí/bụng dạ nhỏ nhen, chấp nhặt, thù dai, nhớ dai về việc không ưng ý nào đó, dù việc nhỏ như cái móng tay. 

Từ “để” đáo để ấy, còn có hiểu theo nghĩa là “bỏ”: “Mèo lành ai nỡ cắt tai/ Gái hư chồng để, khoe tài nỗi chi? (Mà chuyện vợ chồng một khi đã “để”/ly dị, lại còn có từ “rẫy”: “Gái rẫy chồng mười lăm quan quý/ Trai rẫy vợ tiền phí đổ sông?”); là bán lại, nhường lại; là đặt vào vị trí nào đó, hãy nghe anh chàng nọ tâm sự: “Thương em chẳng biết để đâu/ Để quán, quán đổ; để cầu, cầu xiêu”.

Là chờ đợi, hẹn về sau: “Chết ba năm sống lại một giờ/ Để xem người cũ phụng thờ ra sao”. 

Mà “để” còn có nghĩa là “chịu”: Để tang để trở. Ơ hay, xin hỏi nhỏ, “để trở” là gì, nghe lạ tai quá đi mất? Việt Nam từ điển (1931) giải thích: “Dùng sang tiếng Nam có nghĩa là có tang”. Lại nữa, “Bậu để chế cho ai mà tóc mai bậu rành rạnh/ Để chế cho mẹ chồng, vậy hiếu hạnh bậu đâu”. Để chế cũng là để trở/để tang. 

Xin lưu ý để (dấu hỏi), nếu đễ (dấu ngã) lại nhảy qua nghĩa khác là thuận tình, hiếu thảo như hiếu đễ/có hiếu có đễ.

Có thể nói, từ “bụng/dạ” như anh em song sinh, chẳng hạn: Bụng làm dạ chịu; Bụng mang dạ chửa; “Thẹn thay cho kẻ vô nghì/ Khi này dạ Sở, lúc kia bụng Tần” (Nhị độ mai); Dạ sâu hơn bể, bụng kín hơn buồng; Bụng làm dạ chịu… Nhưng từ “dạ”, còn là tiếng người dưới đáp lại lời người trên - chỉ cần nghe “Gọi dạ bảo vâng” đã thấy sự lễ phép, nề nếp gia phong. 

Trước đây, ở miền Nam có câu “Cán ống nhựt dạ”, Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích: “Giấy việc quan phải đệ đi gấp, chẳng kì ngày đêm”.

Thành ngữ này dần dần nói trại thành: “Cắn ống giựt nhợ” và còn tồn tại đến nay - nhằm chỉ phải hành động, thực hiện ngay việc gì do một cách nhanh chóng, gấp rút, không thể chần chừ.

Rõ ràng, “nhựt dạ/nhật dạ” âm Hán Việt (chỉ ngày đêm) đã biến hóa thành “giựt nhợ/giật nhợ” một cách nôm na, ngon lành, dễ hiểu.

Chỉ nghe thoáng qua đã dễ dàng liên tưởng tới một việc bức bách, phải làm ngay: “Ai về nhắn với ông câu/ Cá ăn thì giựt để lâu hết mồi”. Nhợ là dây đánh bằng sợi, xe bằng chỉ như nhợ câu dùng để câu cá. 

Với người Việt, ít ai nói “nặng dạ”, chỉ thường nói “nặng bụng” nhưng lại có từ “nhẹ dạ”. Nhẹ/nặng ấy, lấy gì so sánh? Thành ngữ có câu Nhẹ như bấc nặng như chì; Nhẹ bằng lông quăng chẳng đi, nhẹ như chì đi vanh vách. “Bụng dạ” lại là từ biểu trưng về tâm tư, lòng dạ, tính tình, suy nghĩ sâu kín của ai đó mà người khác khó biết.

Thành ngữ xứ Nghệ có câu: “Cậu bụng trự không bằng mự bụng lòng”. Trự là chữ; mự là thím, mợ. Ta hiểu theo hai nghĩa, dù bề bề bụng chữ, làu làu kinh sách cũng không bằng “bụng lòng” là chỉ về lòng tốt, có tâm, có lòng; nhưng cũng có thể hiểu là “tạng phủ động vật, đây chỉ lòng lợn, ý nói thói đời coi trọng cái ăn hơn chữ nghĩa và phê phán những kẻ coi trọng cuộc sống vật chất hơn cuộc sống tinh thần” - nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban giải thích.

Không chỉ đi chung với “bụng”, “dạ” có lúc lại “léng phéng” với “lòng”, chẳng hạn, Lòng chim dạ cá; Lòng lang dạ sói; Lòng son dạ sắt; Ghi lòng tạc dạ; Đau lòng xót dạ; Lòng đàn bà dạ con nít…

Ở Huế có câu liên quan dến “lòng/dạ” hay quá là hay: “Đường mô vui bằng đường Thượng Tứ/ Cảnh mô đẹp bằng cảnh núi Ngự, sông Hương/ Ví dầu lòng thầy dạ mẹ không thương/ Tấm thân anh đây chết đứng giữa chặng đường đợi em”… 

Và một khi kèm thêm từ chỉ tính chất, “dạ” lại còn “chung chạ” với “gan” như Gan vàng dạ sắt; Gan sành dạ sỏi… À, thử đọc câu đố này xem sao: “Em thời tuổi mới mười hai/ Gan đồng dạ sắt nào ai dám bì/ Quan dân bất kể hạn chi/ Quan yêu dân chuộc ai bì bằng em”.

Này, “em” này là cái gì vậy? Đố bạn đấy. Không chỉ thế, “dạ” còn “dan díu” với “ruột”: “Đêm qua mới thật là đêm/ Ruột xót như muối, dạ mềm như dưa”… Mà “ruột” lại đi chung với “gan” để có thành ngữ Lú ruột lú gan, Sôi gan lộn ruột; Mát gan mát ruột; Gan thắt ruột bào; “Bước xuống tàu, ruột bào gan thắt/ Qua khúc sông này anh Bắc em Nam” hoặc: “Đứng giữa trời anh chẳng nói gian/ Vắng em một bữa, ruột gan rã rời”, Nhằm chỉ cấp độ cao hơn ắt phải Bầm gan tím ruột; “Xa nhau tính đã đôi năm/ Bởi thương người nghĩa gan bầm ruột đau”… 

LÊ MINH QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên