06/11/2004 14:11 GMT+7

Ảnh chụp qua lỗ kim

AN KHANH
AN KHANH

TTCN - Donald Francis đã có tám cuộc triển lãm cá nhân ở Úc, Mỹ, Tây Ban Nha... Anh là một trong số ít người trên thế giới theo đuổi niềm say mê chụp ảnh bằng kiểu máy ảnh “pinhole” (lỗ kim). Cùng với chiếc máy ảnh đặc biệt này, Donald đã tới hơn 20 quốc gia để chụp ảnh.

Dr5MZ7a2.jpgPhóng to
TTCN - Donald Francis đã có tám cuộc triển lãm cá nhân ở Úc, Mỹ, Tây Ban Nha... Anh là một trong số ít người trên thế giới theo đuổi niềm say mê chụp ảnh bằng kiểu máy ảnh “pinhole” (lỗ kim). Cùng với chiếc máy ảnh đặc biệt này, Donald đã tới hơn 20 quốc gia để chụp ảnh.

Lần đầu tiên đến VN, Donald thật sự bị cuốn hút: “Bây giờ tôi mới hiểu vì sao bạn bè tôi khi đã đến VN đều say mê đất nước này”. Là một chuyên gia thiết kế mạng, sống và làm việc tại Melbourne (Úc), Donald chỉ mới bắt đầu đến với “pinhole” từ năm 1997 sau khi tình cờ được xem một số bức ảnh chụp bằng chiếc máy ảnh pinhole. Anh đã nhanh chóng bị cuốn hút và trở thành “tín đồ” của kỹ thuật chụp ảnh “pinhole photography” này. Chiếc máy ảnh tự chế của Donald không có ống kính, không có kính ngắm và cũng không sử dụng cả phim để chụp...

mI9LOujO.jpgPhóng to
Tác phẩm của Donald Francis
Trông nó giống như một cái hộp kín, ánh sáng để chụp các bức ảnh chỉ thông qua một lỗ kim. Cái lỗ kim bé tí xíu, đường kính chỉ có 1/3mm, đặc trưng của loại máy ảnh này sẽ thay thế cho ống kính. Ánh sáng đi xuyên qua lỗ kim, ghi lại hình ảnh trực tiếp trên giấy ảnh khổ 10 x 8 inch hoặc 5 x 4 inch (1 inch = 2,54cm). Vì vậy thời gian để thu đủ ánh sáng cho một bức ảnh tối thiểu 30 giây đến 2 giờ và có thể lâu hơn nữa. Đương nhiên không thể chụp vào ban đêm.

“Với cách chụp pinhole, bạn không thể trực tiếp ngắm qua ống kính và chọn cảnh, nên ảnh chụp có thể đẹp, có thể không... Nhưng chính sự “ăn may” đó tạo ra cho nhiếp ảnh lỗ kim một sự hấp dẫn riêng...”- Donald lý giải. Anh thường mất 2- 4 giờ, thậm chí có khi phải mất đến... 14 giờ để chụp: “Nhưng cũng có cái tiện lợi là bạn cứ để pinhole lên một cái chân máy ảnh và để nó tự làm việc”. Sau khi chụp, sẽ chỉ có một tấm âm bản duy nhất, để có thể in thành nhiều bức ảnh, Donald scan chuyển tấm âm bản đó sang dạng kỹ thuật số và dùng kỹ thuật rửa ảnh truyền thống.

bq1OG5FV.jpgPhóng to
Donald đang tìm một góc chụp trên đường phô Hà Nội
Theo Donald, những bức ảnh đòi hỏi lòng kiên nhẫn và sự cảm nhận nhiều hơn là những kỹ thuật hiện đại này có những triết lý riêng. Do thời gian để thu ánh sáng đủ để ghi lại một bức ảnh rất lâu nên những vật luôn chuyển động sẽ không được ghi lại trong bức ảnh. “Như vậy, khi nhìn vào bức ảnh, ta sẽ luôn có cảm giác “nhìn thấy” những gì bất biến trong một thế giới luôn chuyển động. Tôi cảm thấy mình có một cách bóc tách, nhận biết khác về cuộc sống, nhìn thấy được cái gì luôn tồn tại, những giá trị bất biến trong khi cuộc sống hối hả trôi đi giữa một thế giới liên tục thay đổi, ngày càng hiện đại”. Để minh chứng cho triết lý của mình, Donald kể về bức ảnh độc đáo anh đã chụp ở Roma.

“Tôi ghi lại hình ảnh Roma vào lúc 9g sáng - giờ cao điểm của thành phố, ở một khu quảng trường rộng lớn, đông đúc nhưng vì tất cả mọi người và phương tiện đều chuyển động liên tục và rất nhanh nên đều không “tồn tại” trong bức ảnh, chỉ có những ngôi nhà cổ kính của Roma với chiếc scooter của ai đó dựng ở một góc quảng trường được ghi lại... Với tôi đó mới thật sự là bản chất của Roma”. Để có được các hình ảnh đẹp, theo Donald, “trách nhiệm” sẽ được chia đều cho chiếc máy ảnh, ánh sáng mặt trời và trí tưởng tượng của nhà nhiếp ảnh: “Điều này hoàn toàn ngược lại với kỹ thuật nhiếp ảnh đang ngày càng hiện đại, cho phép nhà nhiếp ảnh dễ dàng kiểm soát được hình ảnh họ muốn ghi lại”.

Theo Donald Francis, hiện Úc hay ở một số nước châu Âu chỉ có khoảng vài chục người thích thú với pinhole photography. Mỹ đông nhất với khoảng 500-600 người... Một chiếc máy ảnh “pinhole” có thể lớn hoặc nhỏ, tùy theo người chế tạo và sử dụng. Nó có thể làm từ vỏ hộp cactông, vỏ lon Coke, vỏ hộp bánh... hoặc thậm chí từ một chiếc vỏ tủ lạnh cũ to tướng. Những bức ảnh chụp bằng máy ảnh pinhole sẽ không sắc nét như chụp bằng máy có ống kính thông thường. Ảnh sẽ không có độ sâu, không làm giãn ảnh hay phóng lên quá lớn được. Nhưng bù lại màu sắc của bức ảnh sẽ rất đặc biệt. Bức ảnh càng trở nên giá trị khi bạn chỉ muốn “nhấn” vào một hình ảnh nào đó, còn bối cảnh xung quanh nó sẽ được làm mờ đi hoàn toàn tự nhiên...

Donald dành hai tuần ít ỏi trong chuyến đi đầu tiên đến VN để khám phá cuộc sống ở Hà Nội, đi thăm Hội An, TP.HCM. Chỉ tiếc rằng, những bức ảnh mà anh đã ghi lại bằng chiếc máy ảnh pinhole không thể giới thiệu ngay với bạn đọc, anh sẽ mang về Úc để in tráng. Nếu bạn muốn biết nhiều hơn về Donald Francis và ảnh của anh, về “pinhole photography” có thể vào thăm website: www.pinhole.com.au.

AN KHANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên