03/01/2018 10:36 GMT+7

Án tù cho người khốn cùng

HOÀNG ĐIỆP (HOANGDIEP@TUOITRE.COM.VN)
HOÀNG ĐIỆP (HOANGDIEP@TUOITRE.COM.VN)

TTO - Một bị cáo được viện kiểm sát đề nghị cho hưởng án treo bởi nhiều tình tiết giảm nhẹ, đặc biệt là hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Nhưng cả tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm đều phạt tù.

Án tù cho người khốn cùng - Ảnh 1.

Vợ ông Dũng chăm sóc hai con bị tâm thần - Ảnh: C.THÂN

Đó là trường hợp ông Chế Văn Dũng (49 tuổi, ngụ xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) vừa bị TAND tỉnh Ninh Thuận xử phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm, phạt 15 tháng tù giam về tội "vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ". 

Bản án có hiệu lực ngày 15-12-2017.

Viện kiểm sát đề nghị án treo

Theo bản án sơ thẩm của TAND huyện Thuận Nam, ông Dũng chạy xe ba gác không có bằng lái, khi đi không quan sát, dẫn đến va chạm với xe máy khiến ông Nguyễn Minh Đức và bà Nguyễn Thị Thúy bị thương tích nặng (hơn 67% và 65%).

Ở phiên tòa sơ thẩm, ông Đức, bà Thúy có đơn gửi đến tòa án xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Dũng.

Đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị cho ông Dũng được hưởng án treo bởi ông Dũng có nhân thân tốt, chưa vi phạm pháp luật, quá trình điều tra thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. 

Tuy nhiên, TAND huyện Thuận Nam không chấp nhận đề nghị của viện kiểm sát, tuyên mức án 15 tháng tù giam cho ông Dũng.

Ông Dũng kháng cáo xin được hưởng án treo, bị hại cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Dũng, nhưng bản án phúc thẩm do TAND tỉnh Ninh Thuận tuyên vẫn giữ nguyên án sơ thẩm. 

Theo tòa phúc thẩm, cấp sơ thẩm đã xem xét các tình tiết như đại diện viện kiểm sát nêu, không có thêm tình tiết mới nên không thể giảm nhẹ hình phạt.

Án tù cho người khốn cùng - Ảnh 3.

Ông Dũng - lao động duy nhất trong gia đình - hiện đang đối mặt với bản án 15 tháng tù giam - Ảnh: C.THÂN

Hoàn cảnh bi đát

Ngay sau khi gây ra tai nạn, ông Dũng đã bán căn nhà duy nhất để lấy tiền bồi thường cho vợ chồng ông Đức. Tháng 7-2017, vợ chồng ông Đức làm đơn bãi nại cho ông Dũng, khẳng định không khiếu kiện khiếu nại gì đến các cơ quan pháp luật. 

Đơn bãi nại của ông Đức, bà Thúy nêu: "Vợ chồng tôi thấy hoàn cảnh của ông Dũng quá khổ, tài sản thì không có gì, chỉ dùng sức lao động để làm ăn nuôi gia đình. Nay chúng tôi đã nhận đủ 40 triệu đồng nên làm đơn xin bãi nại cho ông Dũng".

Trong đơn gửi ngày 16-10-2017, ông Đức và bà Thủy còn cho biết: "Khi biết bị cáo phải bán nhà để bồi thường, chúng tôi chỉ nhận 40 triệu đồng, số tiền còn lại cho hai cháu con bị cáo đang bị bệnh tâm thần. Nếu biết mức án sơ thẩm đã tuyên cho bị cáo như vậy, chúng tôi đã từ chối giám định để ông Dũng không phải bị xử phạt tù".

Án tù cho người khốn cùng - Ảnh 4.

Nạn nhân Nguyễn Minh Đức - Ảnh: H.ĐIỆP

Ngay sau khi nghe tòa phúc thẩm tuyên án, ông Dũng tiếp tục làm giấy xin xác nhận hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của mình để được xét xử theo quy trình giám đốc thẩm. 

"Tôi là lao động chính trong gia đình, hiện phải nuôi vợ bị bệnh, ba con còn nhỏ, trong đó có hai con bị bệnh tâm thần đang hưởng trợ cấp xã hội. Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào số tiền hằng ngày tôi được trả công khi chở hàng thuê cho người khác" - ông Dũng trình bày trong đơn gửi các cơ quan chức năng.

Ngày 29-12-2017, ông Dũng nhận được điện thoại từ TAND huyện Thuận Nam yêu cầu ngày 2-1-2018 lên tòa để đi chấp hành án. 

"Tôi sai và nhận sai, ăn năn hối cải. Nếu tôi phải đi tù thì các con tôi sẽ ra sao? Nên tôi tha thiết mong được nhận sự khoan hồng của pháp luật, không chỉ cho tôi mà cho hai đứa con tâm thần của tôi" - ông Dũng nói.

Án tù cho người khốn cùng - Ảnh 5.

Ông Chế Văn Dũng lo lắng cho các con không ai chăm sóc - Ảnh: H.ĐIỆP

Một thẩm phán TAND TP.HCM:

Ông Dũng có thể làm đơn xin tạm hoãn thi hành án

Theo quy định của BLHS hiện hành, trường hợp của ông Chế Văn Dũng bị truy tố và xét xử thuộc khoản 2 điều 202 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với mức án đến 10 năm tù, thuộc trường hợp tội rất nghiêm trọng, không được xem xét miễn trách nhiệm hình sự dù có được đơn bãi nại của bị hại.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ông Dũng cần làm ngay một lá đơn có xác nhận của chính quyền địa phương gửi đến Viện KSND huyện và TAND huyện Thuận Nam đề nghị xem xét hoãn thi hành bản án.

Sau đó, ông Dũng làm đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm sửa 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm để được xin miễn chấp hành hình phạt, hoặc xin được hưởng án treo.

"Tôi tin là pháp luật ngoài việc răn đe giáo dục đối với các hành vi vi phạm pháp luật cũng còn có tính nhân đạo đối với những người phạm tội biết ăn năn hối cải nữa" - vị thẩm phán cho biết.

HOÀNG ĐIỆP (HOANGDIEP@TUOITRE.COM.VN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên