Giờ đây, xác cá đã trương sình, bốc mùi hôi thối nồng nặc vì gần 2 tháng kể từ khi phát hiện “Ông lụy” ngành chức năng ở Bạc Liêu vẫn chưa “an táng” cho “Ông” được... “mồ yên mả đẹp”.
![]() |
Công trình “xây mả kiếng” cho “Ông” để phục vụ tham quan du lịch - Ảnh: SÂU RÓM |
Đối với người dân ven biển, cá Ông hay còn gọi là cá voi, là loài cá rất linh thiêng, luôn cứu giúp ngư dân mỗi khi gặp nạn, nên không ai dám gọi đích danh tên cá mà chỉ gọi là “Ông” thật thành kính. Do đó, khi “Ông” không may tử nạn, hoặc đến... “trăm tuổi già” mà ngư dân nhìn thấy xác thì gọi đó là “Ông lụy”. Nơi nào “Ông lụy” đều được ngư dân lập miếu thờ cúng, bởi họ cho rằng “Ông” đã tìm được vùng đất yên lành để trút hơi thở cuối cùng.
Ăn Tết con Cọp chưa qua hết mồng, ngư dân Phạm Quốc Dũng ở ấp Vĩnh Lạc, gần cửa biển Cái Cùng, khởi hành chuyến đi biển đầu năm. Khi tàu vừa ra khơi được hơn 20 hải lý, ông Dũng bất ngờ nhìn thấy xác “Ông lụy” trôi dật dờ. Ngay sau đó, đoàn tàu của ngư dân Ngọc Hiển (Cà Mau) và Gành Hào (Bạc Liêu) cũng có mặt và ai cũng muốn đưa xác “Ông” về với cửa biển của mình để chôn cất, thờ cúng cũng như làm lễ “nghinh ông” hàng năm.
Tuy nhiên, ông Dũng được xác định là người đầu tiên thấy xác “Ông lụy” nên ngư dân cửa biển Cái Cùng quyết tâm đưa đoàn tàu gần 10 chiếc ra kéo “Ông” về khu vực rừng phòng hộ ở ấp Vĩnh Lạc trong rộn ràng cờ trống.
Khi đưa được “Ông” vào bờ, ngư dân miền Tây kéo về cửa biển Cái Cùng ngày càng đông, có hôm lên đến 40 ngàn người đến cúng bái mong “Ông” mang lại phúc lành. Thế là bàn hương án được ngư dân dựng lên và đóng góp tiền để tổ chức “đám tang Ông”, một đám tang cho... cá được xem là hoành tráng nhất đồng bằng sông Cửu Long.
Công việc đầu tiên được các lão ngư hướng dẫn tiến hành là xẻ thịt “Ông” mang chôn, lấy xương đưa vào “lăng Ông” để ngư dân chiêm bái, cúng vái mỗi khi đến cửa biển Cái Cùng. Tuy nhiên, hàng chục tay dao lực lưỡng xông vào lóc thịt cả ngày chỉ được một bao bầy nhầy, nên mọi người cho rằng “Ông” không muốn “về với đất mẹ” trong tình trạng bị “phanh thây xẻ thịt” nên việc xẻ thịt bị hoãn lại. Kế hoạch dự phòng nhanh chóng được triển khai nối đuôi bởi xác “Ông” ngày càng hôi thối, phân hủy dữ dội.
Trong phương án này, hai máy đào được điều động mở hố sâu 5m, ngang 5m và dài 20m bởi “ông” dài đến 17m để chôn “nguyên con”. Khi ông được “hạ huyệt” ngư dân Phạm Quốc Dũng trong trang phục “hắc y”, đầu quấn khăn tang đỏ. Trong tiếng trống, điệu kèn ai oán hàng ngàn ngư dân sụt sùi nước mắt, mỗi người hốt một nhúm đất quăng xuống huyệt sâu để đưa Ông về... cõi vĩnh hằng.
Cứ tưởng “đám tang Ông” kết thúc ở đây nhưng khi chuẩn bị lấp 70m3 cát thì ông Lê Minh Đầy - chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh - nhận được điện thoại nóng từ cấp trên. Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Bùi Hồng Phương yêu cầu ngưng ngay công việc chôn lấp để tính đến phương án trưng xác cá Ông trong lồng kính để phục vụ du lịch.
Có thể nói đây là phương án rất “táo bạo”, bởi từ một vùng đất xa xôi hẻo lánh nằm sát mé rừng phòng hộ, nay lại nhộn nhịp hẳn lên với hàng chục ngàn người kéo về mỗi ngày cho thấy việc “ăn theo cá Ông” ngay thời điểm này là thích hợp nhất với các tour du lịch được hướng về phía biển, tạo nên một chuỗi du lịch liên hoàn từ biển Giồng Nhãn sang Nhà Mát, kéo dài xuống Cái Cùng và Gành Hào.
Nhận được tin trên, ngư dân cửa biển Cái Cùng cũng phấn chấn hẳn lên, bởi rồi đây những dịch vụ “ăn theo cá Ông” như giữ xe, cho thuê phòng trọ, quán ăn uống giải khát... cũng sẽ được mọc lên để phục vụ du khách về đây chiêm bái “Ông” trong lồng kính. Vậy là xác “Ông” được hai chiếc cần cẩu quật lên đặt trên bệ ximăng để “xây mả lộ thiên” từ tiền của ngư dân đóng góp.
Trong gần 2 tháng tất bật công việc “xây mả cho Ông”, ngư dân khắp nơi đóng góp được khoảng 250 triệu đồng, nhưng chi phí phát sinh đến thời điểm này lên đến 300 triệu đồng, nên những người làm “chủ xị” đang nợ tiền vật tư khoảng 50 triệu đồng! Một ngày đẹp trời dịp... “Cá tháng tư”, khi công việc trưng xác cá ông trong lồng kính sắp hoàn thành thì lại có lệnh từ trên chỉ xuống rằng tạm ngừng lắp kính. Một lần nữa “Ông” không được yên, khi các nhà khoa học bảo rằng nếu không lóc thịt cá Ông thì bộ xương quý bên trong sẽ bị hư hỏng trong thời gian rất ngắn.
Bà Bùi Hồng Phương - phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - cho biết đã mời Viện Hải dương học Nha Trang vào nghiên cứu tìm phương án tách thịt lấy từng đoạn xương cá Ông rồi phục dựng lại thành nguyên bộ xương mới tiến hành lắp lồng kính. Bà Phương nói nếu không tách thịt ra sẽ gây ô nhiễm môi trường, và về lâu dài sẽ làm hỏng bộ xương cá Ông, bởi đây là loài cá quý.
Nhìn cảnh những người làm “chủ xị” trong việc tổ chức “an táng” cho “Ông” bị xoay như chong chóng, Róm tôi không khỏi buột miệng cười. Xem ra việc “ăn theo cá Ông” vẫn chưa có hồi kết, vì đến gần giữa tháng 4 mà “Ông” vẫn còn bị.... hành xác, và Róm tôi vẫn tiếp tục ngồi vào bàn máy tính để... “ăn theo cá Ông”. 8
SÂU RÓM
Tuổi Trẻ Cười số 401 (ra ngày 15-4-2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận