30/03/2009 06:08 GMT+7

"Ẩn sĩ" núi Ỏ Đeng

LÂM HOÀI
LÂM HOÀI

TT - Tự nguyện rời bỏ cuộc sống thành thị, vận động gần 30 thanh niên trong vùng lập trang trại giữa núi rừng hoang vu… Anh là Lê Hồng Thủy (xã Hà Hiệu, Ba Bể, Bắc Kạn) - một trong mười gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2008 vừa được Trung ương Đoàn và Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ VN bầu chọn.

OkViYc5X.jpgPhóng to

Lê Hồng Thủy đã biến dãy núi Ỏ Đeng khô cằn trơ đá thành rừng keo cao lớn đến ngày thu hoạch

“Ngoài việc làm kinh tế, Thủy cùng anh em trong trang trại tập trung phát triển phong trào thể thao với nhiều thành quả đáng ghi nhận: thành lập hai CLB thể thao với 200 cụ tập dưỡng sinh, hơn 100 em tập aerobic, dạy miễn phí cho 60 em tập võ thuật và 20 em tập múa lân; anh còn đạo diễn, dàn dựng nhiều chương trình thể thao cho tỉnh, huyện, xã.

Đặc biệt đội võ thuật của Hồ Việt Quyền đã giành ba huy chương bạc, sáu huy chương đồng tại các giải thi đấu quốc gia” - anh Đồng Văn Lưu, bí thư Tỉnh đoàn Bắc Kạn, cho biết.

Nhiều lần được xem những đoạn phim tư liệu về hình ảnh Bác Hồ tập võ khiến Thủy rất đam mê võ thuật. Một buổi sáng năm 2001 (khi đang học lớp 12), để lại bức thư phân trần với gia đình, Thủy lẳng lặng ra đi với chiếc xe đạp chở theo ba bó củi và 37.000 đồng trong túi. 200km lên Cao Bằng, Thủy tiếp tục dò dẫm sang tận Quảng Đông (Trung Quốc) - nơi nổi tiếng với môn phái Võ Đang. Dọc đường hết tiền ở đâu Thủy dừng lại ở đó bốc vác thuê, rửa chén bát kiếm tiền trang trải.

Sau hơn một tháng đến Quảng Đông, Thủy gặp được người thầy tốt truyền dạy những bí kíp võ công của môn wushu, thái cực quyền. Đầu năm 2004, khi đã có được chút kinh nghiệm Thủy tìm đường về nhà với quyết tâm gây dựng cơ nghiệp.

Không bằng cấp, không tiền, với chút vốn võ lận lưng Thủy lại lặn lội xuống Hà Nội, một năm ròng rã đi dạy thuê trong các lò võ để kiếm sống và cố gắng hoàn thành chứng chỉ huấn luyện viên (HLV) võ thuật. Năm 2005, Sở TDTT tỉnh Bắc Kạn mời anh về làm HLV môn pencak silat cho đội tuyển của tỉnh. Chỉ sáu tháng về đầu quân, Thủy đã tự tay dàn dựng thành công hội diễn tại đại hội TDTT, mang về nhiều huy chương cho tỉnh tại các giải thi đấu võ thuật quốc gia.

Cuối năm 2005, đang ở giai đoạn đỉnh cao phong độ, đùng một cái Thủy “từ quan về vườn” trong sự ngạc nhiên và phản đối của mọi người. Mãi sau này Thủy mới bộc bạch: “Hồi đó cứ mỗi lần về thăm nhà lại thấy cảnh quê mình nghèo đói, thanh thiếu niên trong làng người lên rừng kiếm sống, người xuống thành phố làm thuê vạ vật mà trong lòng không yên. Mình muốn trở về làm cái gì đó cho chính quê hương mình”.

Hồ Việt Quyền gia trang

ZxKz9Vou.jpgPhóng to
CLB võ thuật Hồ Việt Quyền do Thủy giảng dạy giữa rừng núi Ỏ Đeng - Ảnh: Lâm Hoài

Một buổi sáng năm 2006 dân làng Nà Phặc, Hà Hiệu sửng sốt khi thấy Thủy dẫn đầu đoàn thanh niên gần chục người tay cuốc, tay xẻng, trên lưng gùi ngô, gùi gạo đi vào rừng. Cuốc bộ gần 20km đến dãy núi Ỏ Đeng, đoàn dựng lán trại quyết định khai hoang tại đây. Họ phát quang cây dại, xới đất, đào hố trồng cây keo, cây mỡ, những nơi đất màu mỡ hơn thì trồng ngô, sắn.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, hơn một năm sau khi bán được ngô, sắn Thủy tiếp tục gom góp mua thêm gà, ong về nuôi, khi gà xuất chuồng, ong cho mật lại tiếp tục quay vòng vốn mua thêm bò, ngựa về nuôi. Khi cây, con trong rừng đã cho thu hoạch, để lấy đường vận chuyển Thủy cùng anh em trong mấy tháng chỉ với cuốc xẻng đã đào hơn 1km đường vòng quanh các quả núi, huy động cả người cả máy làm gần 1km đường ôtô từ quốc lộ vào tận trang trại.

Vừa làm kinh tế Thủy vừa dạy võ cho anh em, lập trang trại võ thuật Hồ Việt Quyền. “Núi rừng hoang vu rất tiện để luyện võ, cũng chính nhờ võ mà anh em mới đủ thể lực, ý chí, lòng quyết tâm để đi đến tận cùng ngày hôm nay”, Thủy phân tích.

Bốn năm lăn lộn trong rừng với vô vàn khó khăn. Chu Quý Đôn, người sát cánh cùng Thủy từ những ngày đầu, nhớ lại: “Đêm nằm vò võ giữa núi rừng vừa buồn vừa sợ, nhiều lần cả tháng trời hết gạo phải cháo ngô thay cơm. Đã có lúc bọn tôi chán nản, mệt mỏi nhưng anh Thủy đã kéo chúng tôi trở lại”. Lộc Đặng Mới, một thành viên trong đoàn, nói sẽ không bao giờ quên những lần vắt bám đầy người, những đêm trời dông, mái lán thủng, mưa rừng đổ xuống lạnh thấu xương, mấy anh em phải ôm nhau ngủ để truyền hơi ấm chống lại giá lạnh.

Sức trẻ, lòng quyết tâm của những chàng trai đã khiến thiên nhiên lì lợm phải khuất phục, giờ đây dãy núi Ỏ Đeng khô cằn đã biến thành trang trại Hồ Việt Quyền trù phú. “Trang trại đã “hòm hòm” với 30 thùng ong, 10 con bò, 12 con ngựa bạch, 2.000 con gà, 2ha ngô, 6ha rừng keo, mỡ. Có gần 30 thanh niên đến từ các xã khác nhau của Ba Bể cùng nhau túc trực, khai hoang làm kinh tế, người lớn tuổi nhất sinh năm 1983, người ít tuổi nhất chỉ mới 16 tuổi” - Thủy khoe.

LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên