Ban Pháp chế HĐND TP giám sát tại Cục Thi hành án dân sự TP.HCM - Ảnh: TUYẾT MAI
Tại buổi làm việc, đại diện Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cho biết hiện tại toàn TP thụ lý thi hành 58 bản án hành chính. Trong đó, 52 trường hợp thi hành án chưa đạt hiệu quả do liên quan đến tranh chấp về đất đai, quyết định đền bù giải tỏa bị hủy, khi thi hành quyết định phải thương lượng với người dân để có giá phù hợp nên thời gian kéo dài.
Bên cạnh đó có 4 vụ án UBND TP không thống nhất với quyết định của tòa, đang đề nghị giám đốc thẩm.
Theo Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, luật quy định người phải thi hành án (là các UBND bị kiện) phải thông báo kết quả thi hành án cho cơ quan thi hành án nhưng trên thực tế hầu hết các UBND không báo cáo nên cơ quan thi hành án rất khó theo dõi bản án nào đã thi hành xong, bản án nào chưa.
Hiện nay, một số địa phương thành lập Ban chỉ đạo thi hành án do một phó chủ tịch làm trưởng ban, trong khi người bị kiện trong các vụ án hành chính là UBND hoặc chủ tịch UBND nên trưởng ban chỉ đạo không thể chỉ đạo được.
Ngoài ra, công tác thi hành án đối với phần dân sự, kinh tế trong các vụ án trọng điểm, án tham nhũng cũng rất khó khăn. Phần lớn tài sản thế chấp ngân hàng khi thi hành án không đúng với thực trạng ban đầu nên phải chờ tòa xem xét, thẩm định.
Riêng về thi hành án loại án tham nhũng, hiện nay số lượng án kinh tế tham nhũng chiếm tỉ lệ rất lớn. 6 tháng đầu năm giá trị thi hành án là 25.000 tỉ đồng, 2 tháng vừa qua cơ quan thi hành án nhận thêm vụ án mới, nâng tổng số tiền thi hành án hơn 50.000 tỉ đồng (phần lớn nằm trong các vụ Hứa Thị Phấn, Phạm Công Danh).
Việc thi hành các vụ án tham nhũng rất khó khăn, đơn cử vụ đại gia Hứa Thị Phấn cho đến nay không thể tiếp xúc được với bà Phấn, trong khi thi hành án về tài sản cần phải có ý kiến của đương sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận