Tên lửa đất - đối - đất Agni V của Ấn Độ trong lễ duyệt binh tại New Delhi năm 2013 - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, thời hạn cuối cùng để 34 quốc gia thành viên của MTCR phản đối sự gia nhập của Ấn Độ đã kết thúc vào ngày 6-6 mà không có bất kỳ nước nào đưa ra phản bác.
Nói với Reuters, bốn nhà ngoại giao giấu tên của MTCR khẳng định sự im lặng của các quốc gia thành viên MTCR là tín hiệu cho thấy New Delhi đã chính thức được chấp thuận gia nhập cơ chế đa phương này.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định đây sẽ là bước đệm để Ấn Độ trở thành thành viên chính thức của MTCR trong thời gian gần.
Việc được chấp thuận cho gia nhập MTCR mở ra nhiều cơ hội mới cho nền công nghiệp quốc phòng Ấn Độ.
Theo đó, New Delhi sẽ có quyền được tiếp cận các công nghệ tên lửa tiên tiến bậc nhất trên thế giới, cũng như mua thêm các máy bay giám sát không người lái hiện đại như UAV Predator của Mỹ.
Tuy nhiên, song song đó, Ấn Độ cũng buộc phải chấp nhận các nguyên tắc do MTCR đề ra.
Theo đó, tất cả các nước thuộc MTCR không được phép xuất khẩu tên lửa có tầm bắn trên 300km do lo sợ có thể sẽ kích động chạy đua vũ trang không mong muốn.
Ngoài MTCR, Ấn Độ cũng nộp đơn xin gia nhập nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG), một nhóm 48 quốc gia có trách nhiệm kiểm soát các giao dịch thương mại liên quan đến hạt nhân trên toàn cầu.
Một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ Washington ủng hộ đơn gia nhập NSG của Ấn Độ và sẽ sớm đưa ra thảo luận trước toàn thể hội đồng các nước NSG tại Seoul trong hai tuần tới.
MTCR được thông qua vào năm 1987 với bảy nước thành viên ban đầu là các quốc gia G7. MTCR khi đó được kỳ vọng sẽ có thể ngăn chặn phổ biến tên lửa và các hệ thống vũ khí không người lái chuyên chở vũ khí hủy diệt hàng loạt có tầm bắn từ 300km trở lên. Nga, một trong hai quốc gia sở hữu kho tên lửa hạt nhân lớn nhất thế giới, cũng nộp đơn xin gia nhập và trở thành thành viên chính thức của MTCR năm 1995. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận