Họ cho rằng chính quyền của ông Barack Obama quan tâm tới chim và cá ở vịnh Mexico hơn là số phận của hàng chục ngàn người Ấn Độ bị một công ty Mỹ làm thiệt mạng hoặc gây thương tật nặng nề.
![]() |
Những người Ấn Độ hô khẩu hiệu phản đối bên ngoài Tòa án Bhopal ngày 7-6 sau khi tòa ra phán quyết quá nhẹ đối với Nhà máy Union Carbide (Mỹ). Họ cho rằng có tới 25.000 người Ấn Độ đã chết vì thảm họa này - Ảnh: AFP |
Công ty Union Carbide đã phủi hết trách nhiệm sau khi trả khoản bồi thường 470 triệu USD. Tổng giám đốc người Mỹ Warren M. Anderson đã đến hiện trường sau khi thảm họa xảy ra, bị bắt và nộp tiền tại ngoại, để rồi bỏ trốn mất dạng về Mỹ, sống nghỉ hưu thoải mái ở Long Island.
Đầu tháng 6 này, tám cựu lãnh đạo của công ty, trong đó một người đã qua đời, bị Tòa án Bhopal, thủ phủ bang Madhya Pradesh, buộc tội “cẩu thả trong công việc”. Nhưng bản án 2 năm tù giam và mức phạt 2.100 USD với bảy người còn sống đối với nhiều người Ấn Độ dường như quá nhỏ bé so với quy mô và ảnh hưởng của thảm họa môi trường trên về mặt lâu dài.
Án phạt trên cũng tương tự án dành cho tài xế bất cẩn trong tai nạn ôtô. Satinath Sarangi, nhà hoạt động vì các nạn nhân, gọi bản án trên là “thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất thế giới được giảm xuống thành vụ tai nạn giao thông”.
Chính tờ báo Mỹ The New York Times cũng nhận định cho dù chính quyền Obama có chậm trễ như thế nào trong việc xử lý khủng hoảng tràn dầu, nhưng nhìn vào những gì người Mỹ được bồi thường và tốc độ xử lý khủng hoảng của chính quyền Mỹ, người Ấn Độ chỉ còn cách “lác mắt” vì ghen tị. BP đồng ý lập ra quỹ bồi thường ít nhất 20 tỉ USD, nhà chức trách Mỹ đang điều tra hình sự... Đúng là tổn hại về môi trường trong vụ BP là kinh khủng, nhưng so với thiệt hại về nhân mạng ở Ấn Độ trong vụ Bhopal thì quá nhỏ bé.
Dư luận Ấn Độ đang giận dữ vì bản án quá nhẹ, khiến chính phủ nước này gặp khó khăn trong việc cố gắng khép lại bóng ma Bhopal - vốn là tai tiếng về sự quản lý kém hiệu quả của chính phủ. Thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất thế giới này vẫn còn tiếp diễn khi 309 tấn chất hóa học độc hại bị bỏ lại tại nhà máy tiếp tục rò rỉ và làm ô nhiễm nước ngầm của khu vực, ảnh hưởng tới hàng ngàn người đang sinh sống xung quanh.
Các nhà phân tích và các nhà sử học Ấn Độ cho rằng toàn bộ câu chuyện là sự nhục nhã của một quốc gia nghèo và không quyền lực trong việc đối mặt với một tập đoàn kinh tế giàu có. Ấn Độ muốn Công ty Union Carbide phải bồi thường 3,3 tỉ USD, nhưng cuối cùng vụ việc được giải quyết với chưa tới nửa tỉ USD. “Thảm họa Bhopal là một trường hợp cho thấy mọi cơ quan nhà nước đều thất bại” - Pratap Bhanu Mehta, chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chính sách tại New Delhi, bình luận.
Trước áp lực của dư luận, tại cuộc họp báo ngày 24-6, nhà chức trách Ấn Độ đã thông báo một loạt biện pháp mới gồm tăng tiền bồi thường cho các nạn nhân và đẩy mạnh nỗ lực buộc Mỹ dẫn độ Warren M. Anderson để xử ở Ấn Độ.
Chính quyền New Delhi cũng đã đồng ý bồi thường khoảng 22.000 USD cho các gia đình có người bị thiệt mạng, và khoảng 4.000 USD cho những người bị chẩn đoán ung thư hay các di chứng do ảnh hưởng của khí độc. Ngoài ra, nhà chức trách cũng hứa sẽ làm sạch nhà máy đang bị bỏ hoang. Các nhà hoạt động môi trường từ lâu cũng đã có nhiều nỗ lực để buộc Công ty hóa chất Dow - công ty sau đó mua lại Union Carbide - phải chi trả tiền làm sạch môi trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận