07/08/2009 06:45 GMT+7

Ẩm thực đường phố Hàn Quốc

HUỲNH HOA THỦY TIÊN
HUỲNH HOA THỦY TIÊN

AT - Các chuyên gia ẩm thực thế giới luôn cho rằng thức ăn đường phố có một sức hút đầy ma thuật. Những quán cóc vỉa hè không đơn thuần chỉ để lót dạ vội vàng, mà lắm lúc còn ẩn chứa cả nét tinh túy của ẩm thực địa phương.

bguFdqxB.jpgPhóng to

Một quán ăn đường phố ở Seoul-Ảnh: Huỳnh Hoa Thủy Tiên

AT - Các chuyên gia ẩm thực thế giới luôn cho rằng thức ăn đường phố có một sức hút đầy ma thuật. Những quán cóc vỉa hè không đơn thuần chỉ để lót dạ vội vàng, mà lắm lúc còn ẩn chứa cả nét tinh túy của ẩm thực địa phương.

Tôi nhớ những ngày đầu tiên đến Hàn. Vừa xuống sân bay là tôi phải đón xe buýt đi thẳng về trường, cách Seoul 72km về hướng nam. Nơi tôi ở là Anseong, không sầm uất và náo nhiệt như ở thủ đô, hàng quán cũng không nhiều. Những lần được lên Seoul, vào khu trung tâm thành phố, tôi cứ đứng ngẩn ngơ nhìn những quán nhỏ gọi là pochangmacha dọc những con phố chính với những món ăn đẹp mắt và thơm lừng. Thật ra gọi là quán cũng không đúng, gọi là tiệm cũng không phải. Tôi thì thích gọi là cái lều hơn, mặc dù chẳng ai bảo nhau là "đi ăn lều" cả (?).

Mùa nóng thì chỉ kê vài cái bàn, vài chiếc ghế, thậm chí có nơi còn không có bàn ghế, người đến ăn vừa đứng vừa ăn vừa xuýt xoa. Mùa đông, người bán dựng lều che gió che mưa, khách đến ngồi lúp xúp trong cái lều nhỏ ấy, nhấp vài hớp rượu soju rồi... tám chuyện đời. Khách có thể cười to, hát lớn, thậm chí cả nhảy múa nếu không gian trong lều cho phép, khung cảnh không bao giờ được nhìn thấy trong tiệm ăn, huống hồ gì trong nhà hàng sang trọng. Bà chủ hay ông chủ quán chỉ cười thật hiền - nụ cười của những người già bán buôn không vì lợi nhuận. Tôi thường thích đến quán của những người lớn tuổi. Không hiểu sao nó làm cho tôi có cảm giác gần gũi và thân thiện, mặc dù có không ít những "cô” chủ hay "cậu" chủ trẻ tuổi có nhiều "chiêu" sáng tạo để lôi kéo khách hàng.

Hai năm sau tôi trở lại Hàn. Sống ở Seoul. Hằng ngày đi về trên con đường tràn ngập hàng quán, bình dân có, sang trọng có. Bây giờ tôi cũng có tiền hơn lần đầu đi du học nhiều, đã có thể mặc sức thưởng thức những món ăn tôi thích. Nhưng trong tôi vẫn vẹn nguyên "lòng chung thủy" với oteng, tokbukki, với suntae, hotteok (một dạng của bánh kếp), bungeoppang (là loại bánh ngọt hình con cá làm từ bột đậu đỏ nướng trong khuôn hình cá) - những món ăn (nói như con bạn Trung Quốc của tôi) là "bán đầy ngoài đường, nhìn thôi đã thấy ngán". Vậy mà tôi cứ thèm, chẳng hiểu vì lý do gì.

Mùa nóng, tối đi lên thư viện học bài đến tận 2-3 giờ sáng, tự nhiên thèm cái vị dai dai ngòn ngọt của suntae chấm muối ớt, thế là í ới gọi bà chị học cùng đi ăn. Đêm khuya, hàng quán ở những con đường lớn đều đóng cửa. Chỉ còn lại những căn lều nhỏ với ánh đèn vừa đủ sáng, nằm khiêm tốn trong một góc đường, góc công viên, hay bên cạnh ga tàu điện ngầm. Ở đó, quán khuya, khách vắng, bà chủ tốt bụng còn hào phóng cho thêm tí thức ăn. Khách đi một mình ngồi buồn hiu sẽ được bà chủ lân la đến nói chuyện, sẽ được nghe đủ thứ chuyện trên đời.

Đừng tưởng bà bán vỉa hè mà không biết chuyện... chính trị hay kinh tế nhé! Tôi đã học ở bà chủ quán tokbukki gần nhà tôi một "kho" từ vựng về kinh tế, về thuở ấu thơ hàn vi của ông chủ tịch tập đoàn Hyundai nổi tiếng. Bà còn dạy tôi cách "tỏ tình" bằng tiếng địa phương hay cách ăn thế nào cho đúng phong cách người Hàn Quốc nhất. Vậy đó, chỉ cần 2.000won (chưa đến 30.000 đồng tiền Việt) mà có thể "thu thập" được bao nhiêu là kiến thức, lại còn được no bụng bằng những món ăn tôi cho là ngon miệng. Vậy thì còn gì bằng.

Mùa lạnh. Co ro trong cái áo ấm to đùng. Tôi thích ngồi một mình hay cùng một ai đó. Mùa đông lạnh nên người ta kiệm lời, chỉ ngồi uống soju với vài món ăn đơn giản. Xem phim Hàn Quốc, khi diễn viên trong phim rủ nhau "đi làm vài ly soju" là nghĩ ngay đến pochangmacha. Nó đã thành một thói quen, gần gũi như hơi thở. Người ta vẫn có thể ăn tokbukki hay oteng cùng soju trong những quán ăn có bàn ghế đủ đầy nhưng cảm giác sẽ không còn nguyên vẹn, không thấy hứng thú khi lúp xúp trong căn lều nhỏ, bên ngoài là gió tuyết lạnh căm. Tự nhiên thấy buồn, xem phim Việt Nam có bao giờ nghe những câu đại loại như "đi làm vài ly đế cho ấm bụng!" trong khi rượu đế Việt Nam có thua gì soju đâu nhỉ!

Tôi có một người thầy sang Hàn Quốc công tác. Thầy cứ nhắc nhở tôi rằng nhất định dẫn thầy đi pochangmacha. Con bạn tôi ở Canada cũng thường nói với tôi: "Tao mà sang Hàn nhất định thử mấy món ăn bán ngoài đường, xem phim thấy ngon gì đâu!". Học trò nhỏ của tôi ở nhà, mới học cấp một mà cứ nằng nặc đòi mẹ dẫn sang Hàn chỉ để "ăn thử cái món màu đỏ đỏ bán ngoài đường mà mấy chị diễn viên hay ăn!". Không biết Hàn Quốc bỏ bao nhiêu tiền để PR cho văn hóa ẩm thực nhưng chỉ nhìn những người xung quanh tôi, đã thấy rằng chiến lược của Hàn Quốc quả là thành công vang dội.

Vậy thì, muốn "chạm" đến văn hóa ẩm thực bình dân của người Hàn, hãy thưởng thức món ăn đường phố...

Mn1nKjWX.jpgPhóng to

Áo Trắng số 14 (ra ngày 1-8-2009) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

HUỲNH HOA THỦY TIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên