Phóng to |
Một chương trình biểu diễn nghệ thuật cho khách du lịch tại Hội An |
Muốn phục vụ du khách một cách toàn diện thì phải đi theo người đó từ khi rời đất nước của họ đến nước của ta, tức là bắt đầu từ trên máy bay, tại phi trường, trong khách sạn, trong nhà hàng và tại những tụ điểm nghệ thuật. Như vậy thì âm nhạc ở những nơi ấy nên dùng như thế nào cho phù hợp?
Trên máy bay
Trước đây đa số các hãng hàng không đều sử dụng loại nhạc nhẹ để phục vụ khách trong khi chờ máy bay cất cánh, nhưng hiện nay thường không để nhạc gì cả.
Có lần vào năm 1963, tôi đáp máy bay của hãng Air India đi từ Paris tới thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Vừa lên hết cầu thang, cô tiếp viên mặc áo sari truyền thống màu đỏ nhạt chắp hai tay kính cẩn chào tôi theo phong cách Ấn Độ và ân cần đưa tôi đến chỗ ngồi. Trên thành máy bay gần cửa sổ có vẽ hình những vũ nữ múa theo điệu cổ điển Bharata Natyam của miền Nam Ấn Độ. Hai chi tiết đó làm cho tôi có cảm giác đã đến Ấn Độ mặc dầu máy bay còn đậu tại phi trường Orly của Paris.
Bữa ăn phục vụ cho hành khách trên máy bay có món cà-ri dê đặc sản của Ấn Độ, lại không có bánh mì theo phương Tây mà là bánh “nạn”, một loại bánh mì của Ấn Độ. Tôi đang khoan khoái thưởng thức một không gian đậm đà bản sắc Ấn Độ thì đột nhiên loa phóng thanh phát lên bài nhạc Pháp đang thịnh hành với giọng ca của tài tử Tino Rossi: Chante, chante pour moi (Em hãy hát, hãy hát cho tôi nghe). Tất cả cảm giác say sưa được đến miền đất Ấn Độ của tôi tiêu tan tức khắc!
Sau chuyến đi, tôi viết một bức thư cho Tổng giám đốc Công ty Air India để nói lên nỗi thất vọng của mình vì một bài ca mà công ty đưa ra cốt để làm vui lòng hành khách Pháp, nhưng trong thực tế bài ca đó chẳng những không phù hợp với chiếc áo sari, với hình vũ nữ vẽ trên thành máy bay và cả món cà ri, mà còn phá tan không gian đậm màu Ấn độ mà Air India đã gợi trong lòng du khách!!!
Tôi không ngờ Tổng giám đốc Hãng Air India sau khi đọc qua bức thư đã đích thân hồi âm. Ông cảm ơn về những góp ý của tôi và nói rằng công ty của ông cũng đã có nghĩ đến việc đó, nhưng cái khó là tất cả những danh cầm của Ấn Độ đã được các hãng dĩa quốc tế ghi âm phát hành và giữ quyền tác giả, nếu muốn sử dụng những bản nhạc ấy thì phải tốn kém khoản tiền rất lớn. Vì thế công ty của ông quyết định chỉ dùng những dĩa hát phương Tây phù hợp với từng nơi, tại phi trường Pháp thì lựa bài dân chúng Pháp ưa chuộng, tại phi trường Mỹ thì cho phát nhạc Mỹ…
Tôi bèn viết thư trả lời ông Tổng giám đốc, đề nghị nên sử dụng âm nhạc dân gian Ấn Độ mà tôi đã có dịp nghe tại Sangeet Natak Academy (Hàn lâm viện ca vũ nhạc ẤËn Độ) và nhấn mạnh là việc để nhạc ngoại quốc trong một không gian đầy yếu tố ẤËn Độ chưa hẳn đã làm cho người ngoại quốc thích thú. Khi một khách nước ngoài chọn máy bay của Ấn Độ để đi từ nước của họ đến ẤËn Độ, có nghĩa là họ muốn tìm hiểu về đất nước và con người Ấn Độ. Vì thế, một bài nhạc Âu châu có thể phá tan cảm giác đó.
Qua kinh nghiệm này, chúng ta thấy khi đón tiếp khách thập phương trên một phi cơ của hãng hàng không Việt Nam, thì một tà áo dài thướt tha, một món ăn đặc sản Việt Nam, lại có thêm một tiếng đàn bầu hay đàn tranh độc tấu thì có thể tạo cho du khách một không gian thuần Việt mà họ sẽ không tìm thấy trên máy bay của một nước nào khác.
Tôi đã đi rất nhiều lần trên máy bay của hàng không Việt Nam. Hiện nay, mỗi người đều được phát một ống nghe riêng để tự do chọn lựa loại nhạc mình ưa thích. Lần nào tôi cũng tìm chương trình âm nhạc Việt Nam, thử đặt mình vào địa vị một du khách nước ngoài tò mò muốn tiếp cận với âm nhạc Việt Nam, nhưng tôi rất thất vọng vì trong số những băng nhạc đưa ra chỉ có một vài câu hò miền Trung hay miền Nam, một vài bài ca hay bản hòa đàn dân tộc, ngoài ra toàn là các ca khúc mới và những bản nhạc nhẹ, loại thanh nhạc mà dầu hay đến đâu mà người ngoại quốc không hiểu lời ca thì cũng không thể thưởng thức một cách trọn vẹn.
Nếu để nhiều bản nhạc do dàn nhạc hòa tấu rần rộ, ồ ạt thì người ngoại quốc không thấy được màu âm của nhạc khí đặc biệt. Vì thế, tôi nghĩ đến việc đưa ra những cây đàn độc tấu, chẳng hạn tiếng đàn bầu, đàn tranh, sáo trúc, kể cả nhạc khí của đồng bào thiểu số như đàn T’rưng, đàn Klongput hay sáo Hmông sẽ có thể hấp dẫn được du khách nước ngoài. Thỉnh thoảng một vài câu hò, điệu lý, ca Huế, ca trù, một vài bản hợp tấu, nhất là những bài trống Việt Nam cũng làm cho du khách ngạc nhiên và thích thú. Thời gian của mỗi tiết mục cũng không nên quá dài.
Tại phi trường
Trong các phòng đợi hay những nơi nhận hành lý tại các phi trường trong nước, hiện nay ít nơi để âm nhạc cho hành khách nghe. Tôi không bàn đến việc nên hay không nên để âm nhạc, nhưng một khi đã có âm nhạc thì những điểm tôi nêu ở trên vẫn có thể áp dụng. Điều cần lưu ý là không bao giờ để tiếng nhạc quá to.
Theo ý tôi, một điệu nhạc êm ái, dịu dàng có thể giúp cho khách du lịch không sốt ruột khi chờ đợi tại phi trường.
Trong khách sạn
Đa số các khách sạn trong nước thường để nhạc nhẹ của châu Âu ở khu vực tiếp tân. Điều đó không sai, nhưng nếu chúng ta khéo lựa âm nhạc dân tộc, phát lên đừng quá lâu cũng đừng quá to, chính là dịp gieo vào tiềm thức của khách nước ngoài một khái niệm về âm nhạc truyền thống.
Tất nhiên chúng ta không thể phát lên một trích đoạn hát bội, hay nhạc lễ, hoặc bài ca sáu câu vọng cổ mà du khách không thể hiểu lời. Nhưng nếu như có một tiếng sáo vi vu, một tiếng đàn bầu nũng nịu, một tiếng đàn tranh trong trẻo, một tiếng đàn nguyệt hay đàn đáy chững chạc, gân guốc, có lẽ sẽ rất phù hợp.
Còn tại nơi điểm tâm, các khách sạn sang trọng thường để một nữ nhạc công đánh đàn piano hoặc một vài cây đàn violon. Nhưng theo ý tôi, du khách thường muốn khám phá những chuyện mới lạ mà loại nhạc ấy lại quá quen thuộc với họ. Một vài khách sạn thay vì thuê nhạc công đàn piano thì sắp đặt một nữ nhạc công mặc áo dài ngồi đàn tranh. Kinh nghiệm cho thấy, hôm nào cũng có vài du khách tới ngắm nghía cây đàn, hỏi han đôi ba câu về nhạc khí và âm nhạc Việt Nam.
Trong nhà hàng
Trong nước ta có nhiều nhà hàng lớn tổ chức một dàn nhạc nhỏ về âm nhạc dân tộc, có nơi để nâng lên đẳng cấp của nhà hàng, cũng có người nhằm mục đích giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam với thực khách.
Nhưng du khách đến nhà hàng để thưởng thức những món ăn ngon, cũng có người đến ăn cho qua buổi rồi tiếp tục công việc, chớ không phải mục đích chính là để nghe nhạc. Trong lúc du khách vừa ăn vừa nghe nhạc, thì âm nhạc được biểu diễn chỉ là một loại nhạc nền. Chính vì vậy mà nhiều nhà hàng không cần nhạc công giỏi hay có tên tuổi mà chỉ lựa những cô trẻ tuổi, xinh xắn, thuộc độ mười bài nhạc dân tộc là có thể tạo ra một chương trình gọi là nghệ thuật.
Theo ý tôi, muốn thu hút du khách bằng âm nhạc thì nên tổ chức một chương trình đặc biệt sau phần tráng miệng, lúc thực khách dùng trà, cà phê hay rượu tiêu hóa, có thể tổ chức một chương trình ngắn dưới 30 phút giới thiệu âm nhạc dân tộc.
Trường hợp này, người dẫn chương trình là rất quan trọng, phải là người duyên dáng, rành rẽ tiếng nước ngoài, giới thiệu ngắn gọn mà đầy đủ các tiết mục. Tôi rất tâm đắc với câu viết của nhà văn Pháp Romain Rolland: “ Âm nhạc, dầu ai nói gì, cũng không phải một tiếng nói đại đồng. Cần có cái cung của tiếng nói để bắn cái tên âm thanh vào trong lòng của người nghe”. Một chương trình chọn lọc và khéo giới thiệu sẽ có hiệu quả hơn về mặt kinh tế và nghệ thuật.
Tại các tụ điểm nghệ thuật
Hiện nay có nhiều nơi chuyên giới thiệu âm nhạc dân tộc trong một chương trình nghệ thuật cho du khách thưởng thức. Tôi xin đề nghị một số nguyên tắc để tổ chức một chương trình như thế:
- Nên dàn dựng một chương trình có đủ ca, vũ, nhạc. Và phải có người dẫn chương trình như đã nói ở trên.
- Nên in tờ chương trình có hình ảnh đẹp và giới thiệu đầy đủ các tiết mục, địa chỉ và điện thoại của nơi tổ chức.
- Đối với du khách cái nhìn dễ hấp dẫn hơn cái nghe, tiết tấu dễ quan tâm hơn nét nhạc, cụ thể hơn trừu tượng, giản dị hơn phức tạp, làm cho du khách thoải mái, đẹp mắt, êm tai hơn bắt buộc du khách phải suy nghĩ.
- Nên để ý đến liều lượng, không nên có những tiết mục quá dài.
- Các bộ môn âm nhạc giới thiệu phải chính xác chớ không nên ngoại lai.
- Nên chọn lựa nhạc công có vững tay nghề nếu không có những nghệ sĩ đẳng cấp cao.
- Nên mặc y phục dân tộc, kể cả nam giới. Hiện nay những nhà thiết kế Việt Nam có tạo ra nhiều mẫu áo dài cho nam giới rất đẹp.
* * *
Trên đây chỉ là một số suy tư và đề nghị dựa trên kinh nghiệm bản thân khi tôi giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam tại các nước và sau khi nghe nhận xét của các bạn nước ngoài khi họ đi tìm một chương trình âm nhạc dân tộc để thưởng thức.
Rất mong có nhiều bạn đầy đủ kinh nghiệm trong giới du lịch góp ý kiến thêm về vấn đề này, để hỗ trợ cho ngành du lịch trong nước ngày thêm phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận