Phóng to |
Từ màn hình camera, những giao lộ, tuyến đường kẹt xe được xác minh để đảm bảo thông tin chính xác. Trong ảnh: anh Đỗ Thanh Phương, nhân viên phụ trách camera, mở rộng màn hình quan sát một điểm sắp xảy ra kẹt xe tại khu vực chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: Hoàng Lộc |
Tin phải “thật nhanh, kịp thời và tuyệt đối chính xác” là phương châm của những người thực hiện chương trình thông tin giao thông trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH).
16g30 (giờ cao điểm trực ca chiều), lần lượt 13 màn hình camera (gồm chín cái loại 40 inch, bốn cái loại 20 inch) được anh Đỗ Thanh Phương, nhân viên phụ trách camera của kênh VOV giao thông, bật sáng. Hiển thị trên màn hình camera là toàn cảnh giao thông trên các tuyến đường nội - ngoại thành, các giao lộ trọng điểm của TP.HCM.
“Đến giờ cao điểm rồi, mọi người vào cuộc thôi” - giọng chị tổ trưởng Nguyễn Thị Huệ vang lên. Chuông điện thoại reng từ một thính giả gọi vào đường dây nóng: “Đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám - Trần Văn Đang (quận 3) xảy ra kẹt xe, ùn tắc nghiêm trọng do xe buýt và xe taxi giành đường. Các phương tiện lưu thông chỉ nhích từng tí một, xin thông báo để những phương tiện đang lưu thông hướng về hai con đường này chuyển hướng”.
Áp lực giờ cao điểm
Rất thiết thực Đó là lời nhận xét của rất nhiều người đi đường, đặc biệt là cánh tài xế xe buýt, xe tải, taxi... về các chương trình phát thanh giao thông. Anh Cao Xuân Đào (tài xế tuyến xe buýt số 24 - bến xe miền Đông - Hóc Môn) nói: “Lái xe được tám năm, tôi đã gắn bó với chương trình từ những ngày phát sóng đầu tiên, xem chương trình như người bạn đường không thể thiếu mỗi khi cầm vôlăng”. Anh cho biết tuyến số 24 là một trong những tuyến thường xuyên gặp tình trạng kẹt xe vì nạn “lô cốt”, mật độ phương tiện lưu thông đông. Trước kia khi chưa có chương trình, cánh tài xế thường gọi điện cho nhau hỏi thăm, giờ chỉ cần mở sóng là biết tình hình giao thông để kịp thời chuyển hướng mỗi khi kẹt xe. Đồng thời mỗi khi thấy kẹt xe, đường phố có sự cố, các tài xế thường gọi điện cho chương trình thông báo. |
Tình trạng kẹt xe, ùn tắc trên đoạn đường này được giải tỏa sau 20 phút kể từ lúc thông tin được phát sóng. Anh Phương nói: “Nhiệm vụ của những nhân viên trực tin VOV giao thông chúng tôi là tiếp nhận thông tin từ thính giả và xác minh, sau đó thông tin kịp thời cho người đi đường trên sóng phát thanh để tránh hoặc chuyển hướng di chuyển cho phù hợp”.
Không khí trong phòng làm việc nóng lên theo những tiếng chuông điện thoại réo liên hồi từ nhiều địa điểm khác nhau của TP đổ về. Mười nhân viên trực tin dán mắt dõi theo màn hình máy vi tính, tai nghe điện thoại, miệng trả lời, tay đánh máy biên tập tin...
Ở giao điểm đường Lê Quang Định - Phan Đăng Lưu, phóng viên Hồng Mơ tác chiến tại hiện trường khu vực quận Bình Thạnh đứng trong vòng vây kẹt xe, lau vội những giọt mồ hôi đầm đìa trên mặt, vội vàng điện về đài thông báo thông tin kẹt xe ở hiện trường.
Mơ nói: “Làm công việc này ngẫm ra rất vui. Cứ phải tìm chỗ kẹt xe mà mò đến”. Cô cho biết phóng viên hiện trường của chương trình thông tin giao thông đòi hỏi di chuyển thường xuyên (mười phút một địa điểm), lắm khi không kịp ăn, kịp uống và... kịp thở nên đòi hỏi sức khỏe phải dẻo dai.
Dù công việc yêu cầu chạy liên tục ngoài đường nhưng cô gái 23 tuổi này bảo rất thích thú với công việc đầy áp lực này. Mơ ví von công việc của mình đôi khi giống như một anh lái xe ôm thực thụ (phải hiểu địa bàn, thông thạo các tuyến đường và quan trọng là phải biết đến và rút lui khỏi hiện trường một cách nhanh nhất).
Chị Phùng Anh Thư, phó phòng thư ký kênh VOV giao thông tại TP.HCM, kể: “Đối với nhân viên trong tổ tin, có một nguyên tắc làm việc bất di bất dịch và phải tuân thủ nghiêm chỉnh. Đó là khi tiếp nhận thông tin từ thính giả gọi về, điều đầu tiên là phải xác minh thông tin đó có chính xác hay không vì không phải mọi thông tin từ thính giả chuyển đến đều chính xác (nhiều khi là thông tin “ma”, thông tin quấy nhiễu...).
Việc xác minh được thực hiện bằng cách gọi điện ngay cho phóng viên hiện trường đến trực tiếp địa điểm xảy ra sự cố, theo dõi trên camera (đối với những điểm lắp hệ thống camera). Sau khi xác minh, nhân viên mới trực tiếp biên tập và chuyển qua cho MC đọc, phát thông tin trên sóng”.
Tổ tin kênh VOV giao thông TP.HCM hiện có trên 60 thành viên và thay nhau luân phiên trực tất cả các ngày trong tuần, mỗi ca trực 8-11 người. Trên bàn làm việc lúc nào cũng có tới năm máy vi tính, mười điện thoại bàn, năm điện thoại di động hoạt động liên tục. Giờ cao điểm là từ 6g30-8g, trưa từ 11g-12g, chiều từ 16g30-19g.
Trong một ca trực giờ cao điểm, ngoại trừ nhân viên tư vấn luật và MC, những nhân viên còn lại đều có thể làm việc “3 trong 1”, nghĩa là liên hệ, điều động, lấy thông tin từ phóng viên hiện trường, nghe thính giả phản ảnh và đánh máy biên tập thông tin...
Phóng to |
Một ca trực trong giờ cao điểm của bộ phận VOV giao thông - Ảnh: Hoàng Lộc |
Phóng to |
Anh Nguyễn Văn Phúc, nhân viên Công ty taxi Mai Linh, theo dõi thông tin ùn tắc giao thông trên sóng VOV - Ảnh: Minh Đức |
Hậu trường đường dây nóng
Tổ trưởng Nguyễn Thị Huệ, 28 tuổi, thành viên lớn tuổi nhất trong tổ tin - người gắn bó với tổ tin kênh VOV giao thông ngay từ những ngày đầu thành lập, tâm sự: “Ngoài áp lực thường trực hằng giờ, hằng phút là chuông điện thoại reo liên tục, thì làm cái nghề “vểnh tai, dán mắt, căng đầu” này phải biết... nghe chửi. Nhiều thính giả không biết vì say xỉn hay muốn trêu chọc chương trình mà liên tục gọi điện báo thông tin sai rồi chửi bới, dọa nạt... Những lúc đó mình phải hòa nhã, trả lời thính giả cho dù trong đầu nóng như chảo lửa và rối ren như kẹt xe bên ngoài”.
Nguyễn Thị Hiên, 23 tuổi, nhân viên trong tổ, còn đảm nhiệm luôn công việc của phóng viên hiện trường khu vực quận Gò Vấp ngoài những giờ ngồi trực. Cô nói: “Điều tối kỵ với những người làm chương trình phát thanh giao thông là dù mệt mỏi, bị áp lực nhưng không bao giờ được quát mắng bạn nghe đài. Tất cả đều phải trả lời nhẹ nhàng, thân thiện cho dù đó là những thông tin không thật”.
Bản thân Hiên từng không ít lần bị những thính giả gọi về báo có tai nạn, kẹt xe ở nhiều tuyến đường nhưng khi xác minh chỉ là “tin vịt”. “Bực thì có bực nhưng cũng phải dịu dàng cảm ơn họ vì có như vậy người ta mới hiểu là không nên đùa giỡn và những lần sau sẽ cộng tác với mình” - cô tâm sự.
Hai thành viên nhỏ tuổi nhất trong tổ tin kênh VOV giao thông là Thu Thanh và Hải Triều mới 21 tuổi. Đang là SV năm 3 khoa báo chí & truyền thông (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM), hai người đã thi tuyển vào kênh VOV giao thông và được nhận vào làm cộng tác viên từ những ngày kênh bắt đầu hoạt động. Công việc chính của Thu Thanh là thường xuyên gọi điện cho các phóng viên hiện trường để xác minh thông tin. Còn Hải Triều ngoài những ca trực tin giờ cao điểm còn là MC chính của chương trình.
“Sau những ca trực căng thẳng, nhận được lời cảm ơn từ những thính giả khi họ đã về nhà an toàn với gia đình, các tài xế xe tải gọi điện cảm ơn vì nhờ nhà đài mà không lỡ chuyến hàng, tài xế taxi chở khách đến địa điểm là bọn tôi cảm thấy hạnh phúc. Vui nhất là nhiều người trong số họ sau này trở thành cộng tác viên, thường xuyên báo thông tin kẹt xe cho chương trình” - Thu Thanh thổ lộ.
“Thông tin giao thông 24 giờ” VOV giao thông là kênh phát thanh riêng của Đài Tiếng nói Việt Nam, hiện mới chỉ có mặt tại hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM. Tại Hà Nội, kênh chính thức phát sóng ngày 18-5-2009 và phát sóng thử nghiệm ở TP.HCM ngày 15-12-2009, chính thức phát sóng ngày 2-1-2010. VOV giao thông được đầu tư hệ thống công nghệ phát thanh hiện đại nhất gồm một máy phát sóng FM tại Hà Nội có bán kính phủ sóng 200km, hai máy phát sóng FM tại TP.HCM có bán kính phủ sóng trên 300km. Kênh VOV giao thông được liên kết bởi một hệ thống camera không dây để quan sát giao thông, tại Hà Nội gồm 67 camera và TP.HCM 200 camera đặt ở những tuyến đường, giao lộ trọng điểm. Tại mỗi TP có một trung tâm xử lý thông tin hiện đại gồm một studio trực tiếp và hai studio tĩnh. Nhân sự gồm gần 100 người (cả hai TP), 200 cộng tác viên cố định (80 ở Hà Nội, 120 ở TP.HCM). Cùng với sự ra đời của kênh VOV giao thông, VOH cũng cho ra đời chương trình “Thông tin giao thông 24 giờ” (từ 2-11-2009). Chương trình được phát sóng tất cả các ngày trong tuần trên sóng FM 99,9 MHz với các khung giờ cố định (từ 8g-8g30, 11g15-11g45, 18g10-18g15, 21g-21g05...). Mỗi ca trực gồm ba thư ký và một MC, nhưng tất cả thành viên của chương trình đều có thể là “3 trong 1”. Khác với tưởng tượng của nhiều người, nơi phát sóng chương trình là một căn phòng rộng khoảng 25m2, trong đó được bố trí bốn máy tính, bốn điện thoại bàn. Xen lẫn trong những âm thanh réo rắt của điện thoại, bốn nhân viên đang “quay” với việc nhận thông tin và trả lời thính giả. Cạnh góc phòng, MC đang cặm cụi truyền thông tin đến thính giả một cách nhanh và chính xác nhất. Bà Mai Trinh, thư ký chương trình, cho biết: “Công việc này cũng đồng nghĩa với việc phải làm dâu trăm họ. Mọi thông tin của thính giả đều đến tai mình, từ mất đồ, mất chìa khóa xe đến luật giao thông..., họ đều có thể hỏi một cách hồn nhiên cho dù mình chỉ làm bên mảng thông tin giao thông”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận