17/06/2024 14:26 GMT+7

Ai xứng đáng với danh xưng quái kiệt?

Xung quanh câu chuyện loạn danh xưng ở những người nổi tiếng, dịch giả - nhà nghiên cứu Vương Trung Hiếu đã có bài viết đưa ra góc nhìn của mình.

Nghệ sĩ Ba Vân và Trần Văn Trạch xứng đáng với danh hiệu "quái kiệt" - Ảnh: Tư liệu TTO

Nghệ sĩ Ba Vân và Trần Văn Trạch xứng đáng với danh hiệu "quái kiệt" - Ảnh: Tư liệu TTO

Như đã phản ánh: Xung quanh câu chuyện Học viện Cải lương gọi nghệ sĩ Thanh Hằng là quái kiệt đã tạo ra sự tranh luận từ nhiều bạn đọc.

Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến của dịch giả, nhà nghiên cứu Vương Trung Hiếu xung quanh vấn đề này.

Thế nào là quái kiệt?

Để sử dụng ngôn ngữ, danh xưng cho chính xác, theo tôi trước hết cần chiết tự từ quái kiệt để hiểu ngọn nguồn của thuật ngữ này.

Quái (怪) có nghĩa là lạ lùng, kỳ dị, khác thường (thuyết văn), chẳng hạn như "quái sự" (việc lạ), "kỳ hình quái trạng" (hình trạng kỳ dị). 

Quái cũng có nghĩa là người có tính khí lập dị, hành vi kỳ lạ (Luận Ngữ. Thuật nhi). 

Trong mục Hôn nhân, sách Chu Lễ có câu: "Người có trang phục kỳ lạ không được vào cung điện" (kỳ phục quái dân miên bất nhập cung).

Kiệt (傑) là ký tự xuất hiện đầu tiên trong các tác phẩm thời Chiến Quốc, nghĩa cơ bản là người có tài năng vượt trội, đồng thời cũng có nghĩa là đặc biệt, trên mức trung bình. 

Chẳng hạn như kiệt tác, kiệt xuất (cổ đại Hán ngữ văn hóa bách khoa từ điển, Hoàng Kim Quý chủ biên, Thượng Hải từ thư xuất bản xã).

Để công nhận một người là quái kiệt, cần phải dựa vào định nghĩa trong từ điển. 

Theo Hán Việt từ điển giản yếu của Đào Duy Anh: "Quái kiệt là người tài trí lạ lùng (homme extraordinaire" (Nhà xuất bản Đông Ba - 1932, tr. 148); Bách khoa thư Baidu giải thích: Quái kiệt (怪傑) là "những người nổi tiếng có cách cư xử lập dị, phóng khoáng, song được công chúng thấu hiểu và đánh giá cao".

Ban đầu từ quái - kiệt (có gạch nối ở giữa) xuất hiện trong sách tiếng Việt khoảng từ nửa đầu thế kỷ 20, ví dụ như câu: "Nguyễn Hữu Chỉnh, một quái - kiệt về thể - kỷ XVII đã xoay ngược lại trào lưu của lịch sử Việt - Nam" (Bằng Quận-Công: Nguyễn Hữu - Chỉnh của Phan -Trần Chúc, Nhà xuất bản Mai - Lĩnh - 1942, tr. 5).

Hơn 15 năm sau, từ quái kiệt (không có gạch nối ở giữa) mới xuất hiện trong quyển Đại học (Viện Đại học Huế, 1959, số 11, tr.14); đến năm 1960 thì xuất hiện trong Văn - hóa Á - châu (tập 3, số 7-12, tr. 149) và trong tạp chí Bách Khoa (tập 85-96, tr. 10).

Tương ứng với quái kiệt là kỳ nhân - một từ cũng có nguồn gốc Hán ngữ. Kỳ nhân (奇人) nghĩa là người có năng lực vượt trội hoặc thu hút; người có kỹ năng đặc biệt hoặc đáng ngạc nhiên, kể cả những người nổi tiếng và các chuyên gia.

Song từ kỳ nhân ít được sử dụng hơn từ quái kiệt.

Cách hiểu quái kiệt ở nước ngoài

Trong tiếng Nhật, tương ứng với quái kiệt cũng là từ quái kiệt (怪傑) mượn từ Hán ngữ, viết theo Hiragana là かいけつ (kaiketsu), nghĩa là người có sức mạnh bí ẩn hoặc siêu việt.

Đối với người Anh - Mỹ, quái kiệt phải là người có tài năng đặc sắc (unusual talent).

Còn người Pháp nghĩ rằng quái kiệt là vị anh hùng thần bí (héros mystérieux) hoặc là "monstre sacré" (một nhân vật của công chúng, đáng kính hoặc nổi tiếng, được coi là đứng trên những chỉ trích về sự lập dị, gây tranh cãi…).

Nhìn chung căn cứ vào những cách hiểu trên, để đạt được danh xưng quái kiệt không phải là điều đơn giản.

Ít nhất cũng phải thỏa mãn tiêu chí "độc lạ" (độc đáo, mới lạ) và có tài năng kiệt xuất hoặc là "người có tài nghệ đặc biệt khác thường, đến mức khó hiểu nổi" (tratu.soha.vn).

Việt Nam có quái kiệt không?

Xin thưa là có, tuy nhiên danh xưng quái kiệt dường như chỉ sử dụng phổ biến ở miền Nam.

Ở miền Nam, người xứng đáng với danh xưng quái kiệt trước hết là cố nghệ sĩ Trần Văn Trạch. Ông là nhạc sĩ và ca sĩ nổi danh ở miền Nam từ trước năm 1975. 

Không chỉ giới chuyên môn, cả khán giả mộ điệu đều gọi ông là quái kiệt.

Ông sử dụng khá thành thạo đàn kìm, tì bà, mandoline, violon và vài nhạc cụ khác; hát cổ nhạc "khỏi chê", đặc biệt là nhạc Pháp, được bạn bè đặt cho nghệ danh nghe rất "Tây" là Tracco.

Trần Văn Trạch là hoạt náo viên, có khả năng bắt chước tiếng người, động vật và nhiều âm thanh khác như tiếng máy bay trên bầu trời, tiếng đại bác nổ vang. Ông có phong cách diễn mới lạ, vui nhộn, sáng tác nhiều bản nhạc hài hước...

Nghệ sĩ Ba Vân cũng là quái kiệt ở sân khấu miền Nam trước đây. Ông là nghệ sĩ cải lương, "chuyên trị" các vai hài, vai độc, kể cả vai lão. Dù đóng vai văn hay võ ông đều để lại ấn tượng sâu sắc.

Tùng Lâm cũng là quái kiệt, nổi tiếng trong các vai hài, không chỉ trên sân khấu mà còn trên màn ảnh nhỏ, bước sang điện ảnh ông cũng có những thành công nhất định. 

Tùng Lâm là một trong "Thất hài đế" của sân khấu miền Nam (bên cạnh các danh hề Thanh Việt, Thanh Hoài, Xuân Phát, Phi Thoàn, Khả Năng, La Thoại Tân). "Quái kiệt" Tùng Lâm thu hút khán giả qua ngoại hình "nhỏ con" của mình. Ông cao 1,54m, nặng 49kg.

Nghệ sĩ Thanh Hằng có phải là quái kiệt?

Nhìn chung dù có vài đồng nghiệp, MC và khán giả ưu ái gọi nghệ sĩ Thanh Hằng là quái kiệt, song Thanh Hằng đã từ chối danh xưng này, vì cho rằng bà không phải là quái kiệt.

Nghệ sĩ Thanh Hằng thành công trong nhiều vai tuồng, bà xuất sắc trong vai đào thương, đào mùi, đào lẵng. Bà để lại ấn tượng trong các vai đào độc, vai mụ và còn tham gia hài kịch và điện ảnh, gây nhiều tiếng vang.

Song để gọi Thanh Hằng là quái kiệt thì có lẽ chưa phù hợp, tuy bà đoạt nhiều giải thưởng (kể cả giải diễn viên xuất sắc nhất năm 1997), song chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chí "độc lạ".

Tóm lại, thay vì gọi nghệ sĩ Thanh Hằng là quái kiệt, có lẽ tôn vinh bà là "nữ nghệ sĩ cải lương tài danh" xem ra hợp lý nhất.

Nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng kể về 15 năm không được hátNghệ sĩ cải lương Thanh Hằng kể về 15 năm không được hát

Từng để lại ấn tượng với những vai diễn phản diện, nghệ sĩ Thanh Hằng bùi ngùi kể lại những thăm trầm và nỗi nhớ sân khấu suốt 15 năm xa xứ.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên