Xe của Công ty TNHH công nghệ Sài Gòn Group đang “làm việc” tại một nhà dân ở đường Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận) - Ảnh: Cắt từ clip điều tra
"Tiện chỗ nào đổ chỗ đó" là cách làm của các xe "mồ côi". Thực tế chất thải được đem đi xử lý đúng quy định khá khiêm tốn. Trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, có rất nhiều xe hút hầm cầu dạng "mồ côi" (xe cá nhân, không đăng ký kinh doanh và không ký hợp đồng xử lý chất thải). Các xe "mồ côi" sẵn sàng xin "núp bóng" vào các công ty để ăn chia hợp đồng, còn xả thải ở đâu tùy ý.
"Núp bóng" công ty
Ông H.T.A. - giám đốc Công ty TNHH vệ sinh môi trường xanh T.A (trụ sở tại tỉnh Bình Dương) - nói hiện doanh nghiệp đang có hai hợp đồng chuyển giao chất thải hầm cầu với Công ty cổ phần dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình (TP.HCM) và Xí nghiệp nước thải Thuận An (Công ty cổ phần nước - môi trường Bình Dương).
Ông này dễ dàng "bật đèn xanh" cho xe "mồ côi" gia nhập công ty với điều kiện: "Chia 50/50 lợi nhuận, hoặc xuất và thu 15% tiền hóa đơn". Ông này nói hiện công ty đang đăng ký cho hơn 10 xe hút hầm cầu, chủ yếu do "anh em nhờ vả" và hợp tác làm ăn, còn việc đăng ký biển số xe vào khu xử lý hay không, theo ông này, là "tùy ý".
"Nếu xe cá nhân đăng ký bắt buộc phải có trên 10 chuyến vào xử lý/năm, nếu không thì sẽ bị cắt hợp đồng. Còn khi gia nhập vào công ty tôi, họ chỉ biết Công ty T.A thôi". Chúng tôi đặt vấn đề không vào đổ chất thải có bị chế tài hay không? Ông này quả quyết: "Đã là công ty tất nhiên có nhiều xe, không đổ xe này đổ xe khác chứ có sao đâu mà bắt bẻ. Nếu phía công ty xử lý chất thải có hỏi thì cứ nói đi hút về gom chung một xe đi chứ sao ngày nào cũng đi đổ được!".
Giám đốc công ty này còn nói nếu xe chưa ký hợp đồng vào xử lý chất thải tại Công ty Hòa Bình (huyện Bình Chánh) sẽ phải đóng 135.000 đồng/m3, trong khi xe đã ký chỉ phải đóng 110.000 đồng/m3. Riêng Bình Dương chỉ cho đổ vài lần đầu, sau đó phải ký hợp đồng mới cho vào xử lý chất thải.
Dù có đầy đủ hợp đồng xử lý chất thải nhưng ông này lại nói "làm nghề này tùy cơ ứng biến, làm được (xả tại chỗ được - NV) là làm". Ông này còn khoe vừa ký được bốn hợp đồng thời hạn ba năm với giá 1,6 tỉ đồng, chuyển tiền 50% trước và trung bình mỗi một tháng hút một lần. "Trong số này có ba chỗ hút xong xả lại tại chỗ được, một chỗ phải đi xử lý. Nói là đi xử lý chứ 50m3 tôi chỉ đi xử lý một xe à" - giám đốc công ty này thừa nhận.
Ngoài mối trên, ông này còn nói công ty đang làm cho bốn công ty trong Khu công nghiệp VSIP 1 (Bình Dương), một năm hút ba lần, mỗi lần 55 chuyến (giá 2,4 triệu đồng/chuyến)/công ty. "55 chuyến nhưng thực ra hút chỉ 4-5 chuyến, hút hầm này đổ hầm kia, chỉ hầm cuối mới phải cõng chở đi đổ thôi" - ông này tiết lộ.
Ký hợp đồng nhưng... biến mất
Còn nhân viên của HTX số 9, đơn vị có đăng ký hoạt động lĩnh vực vệ sinh môi trường tại TP.HCM, đưa ra hai phương án cho xe "mồ côi" là "gia nhập nguyên xe cá nhân" hoặc "góp vốn để HTX đứng tên xe". Đơn vị này có ký hợp đồng xử lý chất thải với Công ty Hòa Bình và nói rằng khi "gia nhập" rồi, tối thiểu một tháng phải chở vào 2-3 chuyến xử lý. "Đừng có né tránh quá không tốt, mỗi tháng nên vào vài chuyến, chứ đăng ký cho đã mà không đổ thì không được!", người này lưu ý.
Thực tế, nhân viên của HTX này cũng cho biết có rất nhiều xe đăng ký xin gia nhập theo hình thức "núp bóng". Trong danh sách đăng ký vào xử lý của HTX được Công ty Hòa Bình niêm yết dù chỉ có ba xe, nhưng nhân viên này cho biết "con số đăng ký chỉ là tương đối" bởi HTX cũng có 5-6 xã viên, mỗi người có mấy xe đang hoạt động.
Như trường hợp xe hút hầm cầu 29H-83149 của Nguyễn Bá Đạt (Công ty Nam Bắc), khi chưa có hợp đồng với công ty xử lý cũng "núp bóng" một "công ty mẹ" ở quận Bình Tân để "lấy danh".
Tay này nhiều lần thừa nhận: "Vào để lấy pháp nhân hoạt động chứ hoàn toàn không xử lý gì cả. Công ty cũng không yêu cầu phải đổ bao nhiêu chuyến, tất cả chỉ là hợp thức hóa. Thử hỏi bây giờ hút ở Thủ Đức mà chạy 50km lên Bình Chánh xử lý chất thải, ngày nào cũng chạy vậy thì làm được mấy chuyến. Tiện chỗ nào đổ chỗ đó thôi".
Nguyễn Bá Đạt cho biết ít người dùng vòi dưới của bồn xe để hút, nhưng thực tế tay này vẫn dùng vòi này để bơm chất thải từ nhà này sang nhà khác khi thấy thuận lợi - Ảnh: Cắt từ clip điều tra
Quản lý còn lỏng lẻo
Việc quản lý chất thải từ hầm cầu hiện nay còn khá lỏng lẻo, chủ yếu còn phụ thuộc vào "sự tự giác" của doanh nghiệp. Có nhiều công ty được cấp phép, nhưng khối lượng chất thải phát sinh từ hút hầm cầu đi đâu và về đâu còn là dấu chấm hỏi, đặc biệt nhiều công ty dù có ký hợp đồng xử lý chất thải nhưng rất "ngại đi xử lý".
Chưa kể trong các hợp đồng xử lý chất thải, điều khoản ràng buộc bên B (tức đơn vị hút hầm cầu) khá "lỏng" khi chỉ yêu cầu trung bình ít nhất 3-4 chuyến/xe/tháng và chỉ chấm dứt hợp đồng khi trong sáu tháng liên tục không chuyển giao chất thải hoặc có ít hơn 6 chuyến/xe/năm.
Vậy điều kiện ràng buộc khi ký hợp đồng với công ty xử lý chất thải là gì? Qua điện thoại, một nhân viên của Công ty cổ phần dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình (TP.HCM) cho biết nếu không ký hợp đồng thì xe vẫn có thể vào đổ nhưng giá sẽ cao hơn (133.000 đồng, so với 110.000 đồng nếu đã ký).
"Khi ký hợp đồng, bên hút hầm cầu phải đáp ứng quy định một tháng chở ít nhất 4 chuyến chất thải vào xử lý và phải ký quỹ 5 triệu đồng. Nếu về ít hơn 12 chuyến/năm thì sẽ mất tiền ký quỹ, còn nếu xe đăng ký mà không về luôn thì chúng tôi sang năm không gia hạn hợp đồng" - nhân viên này nói.
Người này cũng khẳng định "không phải cơ quan chức năng giám sát việc công ty có đổ bậy hay không", nhưng chắc chắn một điều là "không về xử lý sẽ không ký hợp đồng". "Cũng có nhiều công ty hút bùn hầm cầu đến đây đăng ký, ký quỹ xong biến mất tiêu luôn không thấy về đổ, nên chúng tôi chấm dứt hợp đồng" - nhân viên này cho biết.
Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo kiểm tra xử lý
Liên quan đến tuyến bài điều tra về nạn dán quảng cáo và xả bậy chất thải, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa cho biết đã có chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra xử lý nội dung báo Tuổi Trẻ nêu.
Cùng ngày 2-11-2022, các cơ quan chức năng của TP Thủ Đức cũng vào cuộc kiểm tra khu vực xả thải sau chỉ đạo của bí thư Thành ủy TP Thủ Đức.
Bà Nguyễn Quỳnh Mai - tổng giám đốc Công ty cổ phần nông hải súc sản Sài Gòn, đơn vị có khu đất rộng 4.000m2 ở TP Thủ Đức (nơi ông Nguyễn Văn Thành - giám đốc Công ty TNHH công nghệ Sài Gòn Group chọn làm nơi xả bậy) - khẳng định công ty hoàn toàn không có chủ trương cho các công ty hút hầm cầu vào khu đất để xả bậy.
Việc xảy ra lần này, theo bà Mai, là "nằm ngoài tầm kiểm soát". Đơn vị sẽ có hình thức xử lý với nhân viên bảo vệ có hành vi "bật đèn xanh" cho xe chở chất thải chạy vào xả bậy. Được biết, cơ quan chức năng đã xuống lập biên bản hiện trạng khu vực bị xả thải và thu gom chất thải để xử lý đúng quy định.
Xe "bao luật" nên vô tư chạy giờ cấm?
Cơ quan chức năng kiểm tra khu đất bị xả bậy chất thải hầm cầu vào sáng 2-11 - Ảnh: T.T.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy các xe bồn hút hầm cầu nêu trên đều đi vào giờ cấm rất thoải mái mà không bị lực lượng chức năng xử lý.
Lý giải điều này, Nguyễn Bá Đạt nói thẳng "xe bao luật nên chạy lên phố vô tư". Mỗi tháng Đạt nói chi khoảng 5 triệu đồng tiền "bao đường", chủ yếu các tuyến đường thường hay di chuyển. "Vào nội thành cấm 2,5 tấn, trong khi xe mình cả bồn trên 13 tấn. Đúng ra phải 22h - 6h sáng mới cho vào thành phố. Nếu không bao luật, khi ra đường bị vả cho vài triệu đồng là chuyện bình thường".
Tương tự, hai xe hút hầm cầu biển số 51D-81921 và 51E-20432 của ông Nguyễn Văn Thành (Công ty Sài Gòn Group) cũng vô tư xuất hiện trên rất nhiều tuyến đường nội thành vào khung giờ cấm (6h sáng đến 22h). Thành cũng khẳng định mình đã "bao luật" nên chạy vô tư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận