![]() |
(TN số 273, 30-9- 2005, "Hộ khẩu - nỗi khổ không của riêng ai" - trang 17). - Người khai sinh ra hộ khẩu không phải là Lý Tư (thời vua Tần Thủy Hoàng), mà là Công tôn Ưởng, tức Thương Ưởng, người nước Vệ, nên còn được gọi là Vệ Ưởng (thời Chiến quốc, trước đời Tần Thủy Hoàng rất lâu).
Theo Đông Chu liệt quốc, vì không được Ngụy Huệ Vương tin dùng, Thương Ưởng bỏ sang nước Tần. Tại đây, Thương Ưởng được trọng dụng và đặt ra 7 tân lệnh, trong đó có lệnh "Cấm gian" như sau: Cứ 5 nhà gọi là bảo, 10 nhà gọi là liên. 1 nhà có lỗi thì 9 nhà phải tố cáo, nếu không tố cáo thì cả 10 nhà cùng phải tội chết chém ngang lưng, khiến trăm họ oán thán.
Khi Tần Hiếu Công chết, Thương Ưởng bị thất sủng. Vua Tần mới lên ngôi là Huệ Văn Công ra lệnh bắt giết, Thương Ưởng giả làm lính đi trốn, đến Hàm Quan trời sắp tối, vào nhà hàng xin ngủ trọ, chủ nhà hàng hỏi có giấy chiếu thân không, Ưởng nói không, chủ hàng đáp: “Phép của Thương Quân không chứa những người không giấy chiếu thân, ai phạm pháp đều phải chém, tôi không dám cho trọ”. Ưởng than: “Ta đặt ra phép ấy, lại tự hại thân ta”.
Ưởng bị bắt, đem ra chợ bị 5 con trâu phân thây cho trăm họ tranh nhau ăn thịt, chỉ một lúc là hết.
Như vậy có thể nói "người khai sinh ra hộ khẩu và… chết vì hộ khẩu ở thời nhà Tần…" là Thương Ưởng chứ không phải là hậu nhân Lý Tư.
Ai sáng chế ra đại bác ở Việt Nam
Báo TG số 204 (26-9-2005) bài “Pháo có tự bao giờ” viết: “Trong sử sách còn ghi rõ Hồ Tùng Nguyên là người đầu tiên sáng chế ra súng đại bác ở nước ta và năm 1789 từng dùng hỏa hổ để diệt quân Thanh”. Bài báo còn cho biết Phan Huy Chú, tác giả Lịch triều hiến chương loại chi (thay vì “... loại chí”) sinh năm 1721, mất năm 1840. Cô Tú có biết sử sách nào “ghi rõ” những chuyện đó không? HỒNG NHUNG (Vũng Tàu)
- Theo sách Việt Kiệu Thư của Lý Văn Phượng đời Minh, và theo tài liệu ghi trong Minh sử thì Hồ Nguyên Trừng, con trưởng của Hồ Quí Ly là người sáng chế ra pháo thần và súng thần công, do đó ông bị quân Minh bắt sang Kim Lăng để lo việc đúc súng.
Sách Quảng Dương tạp ký đánh giá: Súng Giao chỉ nhất thiên hạ. Hồ Nguyên Trừng được quân đội Trung Hoa thời bấy giờ tôn là “thần của hỏa khí”, mỗi khi tế binh khí đều tế Hồ Nguyên Trừng. (Theo tài liệu của Phạm Hân - Hồ Nguyên Trừng, người sáng chế ra súng thần Giao chỉ - Tạp chí Xưa & Nay số 91, Hoài Anh - Hỏa pháo là do người Việt Nam chế ra - Xưa & Nay số 38 B).
- Phan Huy Chú sinh năm 1782, mất năm 1840 (theo Từ điển Văn Học - bộ mới 2003).
Hỏi cắc cớ
* Sách giáo khoa Văn 6 - tập 1 - của NXB Giáo Dục (sách mới), trang 75 bài 1, phần luyện tập, yêu cầu: “Gạch một gạch dưới các kết hợp từ đúng trong đó có hai kết hợp từ: - (Bức tranh) thủy mặc - (bức tranh) thủy mạc”.
* Sách Ngữ văn 6 - tập 1 - (SGV) của NXB Giáo Dục (cũng là sách mới) trang 128 phần “Gợi ý giải một số bài tập câu trên chọn kết hợp từ đúng là “(bức tranh) thủy mặc”.
*Cuốn Thiết kế bài giảng Ngữ văn 6 - tập 1 - của tác giả NGUYỄN VĂN ĐƯỜNG & HOÀNG DÂN - NXB Hà Nội - 2003 (cũng là sách mới nữa) lật trang 129 phần giải câu trên chọn kết hợp từ đúng là: “(bức tranh) thủy mạc”.
* Từ điển tiếng Việt - Viện Ngôn ngữ học Việt Nam (NXB Thanh Hóa), lật trang 1.162 thấy giải thích: “thủy mạc: lối vẽ chỉ dùng mực tàu - Tranh thủy mạc”. Còn từ “thủy mặc: X. thủy mạc” (xem thủy mạc).
Theo cô Tú, ai đúng, ai sai?
- Đáp án đúng là thủy mặc (mặc là mực đen) chọn thủy mạc là sai và vô nghĩa.
Ly... gì?
* Từ điển Tiếng Việt của HÙNG THẮNG - THANH HƯƠNG - BÀNG CẨM (NXB Thống Kê) giảng:
Cơ đốc tân giáo: Giáo phái lấy thánh thư làm gốc và ly gián với giáo hội La Mã (!).
- Trong mục từ trên, ít nhất có một chỗ sai: ly khai chứ không phải ly gián.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận