Phóng to |
Ngày 1-1-2009, Trần Tiêu nhận được yêu cầu leo lên Vạn Lý Trường Thành và mời tất cả du khách vẽ hình khuôn mặt cười lên tấm băngrôn có dòng chữ “Xây dựng Trường Thành của lòng tin. Chào đón 2009 với nụ cười” - Ảnh: WSJ |
“Bạn có quyền thu xếp cuộc đời Trần Tiêu, còn tôi có nhiệm vụ phục vụ bạn”. Đó là câu khẩu hiệu nằm chễm chệ trong “cửa hàng online” của cô gái trên trang web taobao.com.
Từ tháng 12 năm ngoái, Trần Tiêu đã để người khác định đoạt việc mình sẽ làm gì, bởi một năm 2008 đầy biến cố đã khiến cô không còn hứng thú làm gì khác. Thành phố ở Hồ Nam quê cô bị bão tuyết nặng nề, sau đó là trận động đất khủng khiếp ở Tứ Xuyên, bạn bè ly dị nhau, còn cửa hàng thời trang của cô thì phá sản vì ế ẩm. “Mỗi khi tôi nghĩ ra một kế hoạch cho tương lai thì mọi chuyện lại chẳng xảy ra theo ý muốn. Thật sự rất chán nản. Tôi nghĩ nếu người khác nghĩ ra việc cho tôi để làm, có thể tôi sẽ tìm được thứ gì đó mới mẻ và tốt hơn” - Trần Tiêu tâm sự với CNN.
Và cô gái đang sống ở Bắc Kinh đã tìm được, không phải một cuộc sống mới mà là một cách mới để kiếm tiền. “Biểu giá thời gian” của cô được chia thành ba loại: 8 tệ (1,2 USD) cho một công việc mất tám phút để thực hiện, 20 tệ cho một giờ và 100 tệ cho một ngày làm việc tám giờ, chưa kể chi phí đi lại. Cô chấp nhận làm bất cứ việc gì miễn không phạm pháp và bạo lực.
Đến nay đã có hơn 100 người mua thời gian của Trần Tiêu. Cô được yêu cầu làm đủ thứ công việc không tên, từ chụp ảnh trong một buổi lễ thượng cờ, đón người ở sân bay đến nếm thử món ăn mới cho một nhà hàng. Điều khiến Trần Tiêu ngạc nhiên không phải là những yêu cầu nghe có vẻ kỳ lạ mà qua những việc làm ấy cô đã tìm thấy niềm hạnh phúc trong cuộc sống.
Công việc ý nghĩa nhất mà Trần Tiêu từng thực hiện là chứng kiến sự chào đời của một em bé đầu tháng 12-2008. Người cha không hề quen biết Trần Tiêu, muốn nhờ cô chụp ảnh và chia sẻ niềm hạnh phúc vào khoảnh khắc thiêng liêng đó. “Sự ra đời của một em bé đã đem lại tia hi vọng cho tôi. Đó là một cảm giác hoàn toàn mới mẻ, kéo tôi ra khỏi thái độ bi quan chán nản...” - Trần Tiêu chia sẻ trên Wall Street Journal (WSJ).
Thật khó tin khi biết Trần Tiêu từng tốt nghiệp Viện Công nghệ thời trang Bắc Kinh năm 2002. Từ ngày ra trường, cô làm qua rất nhiều công việc khác nhau nhưng chẳng có việc nào trụ lại lâu. Công việc gần nhất mà cô từng làm trước khi chuyển hẳn sang bán thời gian trên mạng là kinh doanh một cửa hàng thời trang nhỏ ở Bắc Kinh. Theo tâm sự của cô với WSJ, việc kinh doanh tương đối ổn định đến khi cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra...
Thấp thoáng trong câu chuyện của Trần Tiêu là những khó khăn mà một bộ phận giới trẻ Trung Quốc đang đối mặt. Như những người đồng trang lứa ở nhiều nước khác, họ phải vật lộn tìm lối thoát cho mình khi khủng hoảng kinh tế khiến cơ hội tìm việc mong manh hơn. Nhiều người nhìn thấy ở Internet một cơ hội. Kể từ tháng 9 năm ngoái, trung bình mỗi tháng lại có thêm gần 200.000 cửa hàng mới mở trên taobao.com, trang web buôn bán trên mạng lớn nhất Trung Quốc, tăng 60% so với nửa đầu năm 2008. Người ta sẵn sàng bán bất cứ thứ gì có thể, kể cả thời gian.
Sau Trần Tiêu, một số dịch vụ “kinh doanh thời gian” tương tự đã manh nha xuất hiện. Chẳng biết họ sẽ trụ lại bao lâu với cái nghề phó mặc cho may rủi này nhưng trước mắt, đó là một cách để tồn tại trong cuộc khủng hoảng kinh tế. Giọng Trần Tiêu chùng xuống khi được hỏi về tương lai. “Khi người ta không cần tôi nữa, tôi sẽ quay lại với cuộc sống của mình. Nhưng tôi chẳng biết chuyện gì sẽ đến”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận