![]() |
Sinh viên khoa Thủy sản ĐH Nông lâm TP.HCM nghiên cứu các bệnh của tôm - Ảnh: Trần Huỳnh |
Mặc dù đã có sự đầu tư và tâm huyết của các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách cũng như mong muốn của rất nhiều hội thảo bàn về giáo dục ĐH nhưng vấn đề hiện không sáng sủa mà nổi cộm lên là trình độ SV quá thấp và họ không có một định hướng nghề nghiệp rõ ràng.
Điều đáng lo là SV ngày nay không còn nhớ mình là ai. Nhiều giảng viên than phiền rằng nhiều hôm vào lớp, họ không thể tin rằng các bạn trẻ đang ngồi dưới lớp là SV. SV quá thụ động, không biết ghi bài, phải đọc cho chép; không tự đọc sách được và cũng không biết tìm các kiến thức cần thiết trong giáo trình.
SV VN sau khi tốt nghiệp, vào học cao học sẽ được gọi là học viên, lên bậc học tiến sĩ sẽ được gọi là nghiên cứu sinh. Lúc đầu tôi chỉ nghĩ tiếng Việt ta phong phú. Ở nước ngoài, người ta chỉ biết gọi đối tượng của ba bậc học trên là SV. Muốn phân biệt thêm thì kèm theo các chữ ĐH, cao học, tiến sĩ (undergraduate, graduate (Master, Ph.D), student). Về sau, tôi càng thấy sự khác cả tên gọi lẫn thực chất.
Đa số SV (các bậc) ở nước ngoài học hành rất căng thẳng, bậc học càng cao mức độ căng thẳng càng lớn (thậm chí có người quên tắm giặt!). Trong khi đó ở ta, sau thời phổ thông nhồi nhét và mệt mỏi, giảng đường là nơi lý tưởng để xả hơi. Rồi tốt nghiệp ĐH, đi làm vài năm, lúc này tuổi không nhỏ, do yêu cầu của cơ quan, phải đi học lên. Do vậy, nếu không gọi là học viên, nghiên cứu sinh mà gọi là SV đối với những người ba mấy, bốn mươi thì nhiều người thấy không tiện và khó chịu.
Mà cũng lạ, xã hội, theo một cách vô hình nhưng có thể cảm nhận được qua các phương tiện thông tin đại chúng, vẫn coi SV như những cô cậu nhóc dù họ đủ tư cách trong các quan hệ xã hội (về mặt khoa học, nhiều học viên cao học và nghiên cứu sinh lớn tuổi đúng là nhóc thật). Trong khi đó SV tiến sĩ ở nước ngoài đa số dưới 25 tuổi và thường cũng chưa có gì nổi bật nhưng thật sự tôi không biết họ học sao mà chỉ vài năm sau khi tốt nghiệp đã có những công trình, phát minh mà một người bạc đầu mơ cả đời cũng không được!
Dù gọi tên gì thì tất cả mọi người cũng đều là SV, với mục đích phải tiến bộ hơn những gì đã đạt được. Trong khi đa số học viên các cấp học ở ta không nhớ mình là SV phải nghiên cứu không ngừng - mà học để có cái bằng là chủ yếu. Nên không ngạc nhiên khi chất lượng giáo dục ngày càng xuống thấp, khi những SV, cao học, tiến sĩ rồi đây sẽ đảm đương các trách nhiệm lớn trong xã hội, trong đó có việc giảng dạy đại học.
Theo tôi, SV là khái niệm không phân biệt già trẻ mà phân biệt vào việc anh có khả năng học tập, nghiên cứu được hay không. Đã đến lúc cần đầu tư cho việc các SV cao học, tiến sĩ của ta để họ có tuổi đời trẻ hơn, và đối tượng này sẽ không cảm thấy có gì “bị xúc phạm” khi được gọi chung là SV với thế hệ mới vào giảng đường. Điều duy nhất mà họ phải suy nghĩ là: mình học cao hơn các bạn trẻ kia thì phải có điều gì nổi trội hơn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận