Chiếc tàu ngầm Scorpène được đóng xong tại Ấn Độ tháng 4-2015 - Ảnh: DCNS |
Đây là vụ rò rỉ lớn ở một lĩnh vực tuyệt mật không kém thông tin an ninh, tình báo. Hơn 22.400 trang tài liệu chứ đâu có ít. Vụ việc khiến nhiều câu hỏi được đặt ra mà đầu tiên là ai có lợi trong vụ lùm xùm này.
Đây là câu hỏi hoàn toàn nghiêm túc bởi Tập đoàn DCNS vừa trúng thầu hợp đồng trị giá đến 50 tỉ USD đóng 12 tàu ngầm Scorpène cho Úc. Liệu vụ rò rỉ thông tin có khiến phía Úc hủy bỏ hợp đồng? Đó là mối lo lớn nhất không chỉ cho tập đoàn quốc phòng của Pháp mà cả cho chính phủ vì đây là hợp đồng giúp tạo ra nhiều việc làm.
Nhật báo Úc The Australian, nơi tung ra thông tin này, cho biết đây là tài liệu do tập đoàn của Pháp chuyển cho khách hàng Ấn Độ của mình hồi năm 2011. Chúng bao gồm 4.457 trang tài liệu về các bộ cảm biến trong động cơ tàu, 4.209 trang về các cảm biến trên không, 4.301 trang về hệ thống khí tài, 493 trang về hệ thống phóng thủy lôi, 6.841 trang về hệ thống thông tin liên lạc và 2.138 trang về hệ thống vận hành tàu. Các tài liệu này cung cấp đầy đủ thông số kỹ thuật về mức độ tiếng ồn của tàu ở các vận tốc khác nhau, tầm hoạt động, các tần số sóng âm sử dụng, các thông tin về thiết bị điện từ và hồng ngoại. Thậm chí có cả tài liệu chỉ rõ những nơi mà thủy thủ đoàn có thể nói chuyện với nhau mà không bị đối phương phát hiện.
Vụ lộ thông tin lần này có nhiều điểm khiến người ta không nghĩ nó là vô cớ: cuối năm nay, tập đoàn Pháp bắt đầu giao cho Ấn Độ chiếc INS Kalvari là chiếc đầu tiên trong 6 tàu ngầm Scorpène mà Ấn Độ đặt mua hồi năm 2005. Năm chiếc còn lại sẽ được giao dần sau đó cho đến năm 2020.
Đây là loại tàu thuộc hợp đồng “chuyển giao công nghệ”: chúng được hãng tàu Ấn Mazagon Docks Limited đóng tại xưởng ở Mumbai. Hợp đồng trị giá đến 3,5 tỉ USD. Phía DCNS khẳng định với Hãng tin AFP rằng bên an ninh quốc gia đã cho tiến hành điều tra vụ việc để xác định tầm mức quan trọng của các tài liệu, mức độ ảnh hưởng đến khách hàng cũng như trách nhiệm của các bên trong vụ này.
Ai là bên để rò rỉ thông tin? Câu trả lời còn mù mờ. Tờ The Australian hỏi bên Tập đoàn DCNS và được chỉ qua phía Ấn Độ với lời giải thích: “Trong thương vụ với Ấn Độ, DCNS chỉ là nhà cung cấp thiết kế và tài liệu cho hãng tàu địa phương chứ không có nhiệm vụ kiểm soát thông tin”. Ở phía Ấn Độ, Bộ Quốc phòng nước này phát đi thông cáo cho biết “có vẻ nguồn để rò rỉ thông tin là từ nước ngoài, không phải từ Ấn Độ”. Thậm chí Bộ trưởng Manohar Parrikar còn chỉ rõ: “Theo những gì tôi biết thì đã xảy ra vụ tấn công tin tặc (ở DCNS)”.
Tờ báo của Úc có nêu khả năng rò rỉ thông tin từ một cựu sĩ quan hải quân Pháp vốn là nhà thầu phụ của DCNS. Tài liệu này đã được chuyển cho một công ty ở Đông Nam Á rồi được chuyển tiếp đến một công ty khác cũng trong khu vực này, sau đó lại được gửi qua đường bưu điện (dưới định dạng đĩa cứng) đến một công ty của Úc. Dẫu kịch bản này chưa được kiểm chứng nhưng tờ báo của Úc cũng đặt vấn đề lấp lửng: “Đến giờ ta chưa biết tài liệu này đã bị chia sẻ thế nào ở châu Á và liệu chúng đã rơi vào tay cơ quan tình báo nước ngoài nào hay chưa”.
Nói chung trước mắt thiệt hại lớn nhất là bên DCNS vì họ sẽ khó thương lượng trong các hợp đồng mới và sẽ bị khách hàng cũ càu nhàu. Đến nay đã có 12 tàu Scorpène được giao cho khách hàng và đã vận hành, trong đó có 2 chiếc tại Malaysia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận