Bà Christine Elliott - bộ trưởng Y tế tỉnh bang Ontario (Canada) - được tiêm liều vắc xin AstraZeneca đầu tiên ngày 29-3 trong hiệu thuốc - Ảnh: RADIO CANADA
Điều gì đã xảy ra?
Cơ quan An toàn thuốc và sản phẩm y tế quốc gia Pháp (ANSM) khẳng định chứng đông máu xảy ra nơi một số người tiêm vắc xin (vaccine) AstraZeneca không phải là đông máu bình thường, mà là hiện tượng "rất không điển hình" vì máu đông ở tĩnh mạch lớn.
Xét về vị trí đông máu, đây là trường hợp hiếm gặp vì máu thường đông ở não và có thể ở đường tiêu hóa.
Nguyên nhân có thể liên quan đến biến chứng giảm tiểu cầu trong máu, hoặc rối loạn đông máu gây xuất huyết.
Giữa tháng 3-2021, Viện Y khoa Paul-Ehrlich (cơ quan tư vấn cho Chính phủ Đức) là cơ quan đầu tiên ghi nhận "tình trạng tích tụ đáng lưu ý của dạng đông máu tĩnh mạch não rất hiếm gặp liên quan đến thiếu tiểu cầu trong máu".
Các chuyên gia cho rằng hiện tượng này có thể là chứng đông máu nội mạch lan tỏa (DIC).
GS bệnh truyền nhiễm Odile Launay giải thích với Hãng tin AFP: "Biến chứng khá đặc biệt này chỉ xảy ra trong bối cảnh nhiễm trùng huyết nghiêm trọng có thể dẫn đến đông máu lẫn xuất huyết".
Có liên quan gì đến vắc xin không?
Ngày 31-3, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) khẳng định: "Không có mối liên hệ nhân quả nào được chứng minh, nhưng vẫn có thể xảy ra và các phân tích bổ sung đang được tiến hành".
Các chuyên gia ở châu Âu đưa ra nhiều ý kiến khác nhau.
GS Pål André Holme ở Bệnh viện Quốc gia Oslo (Na Uy) phát biểu trên kênh truyền hình Na Uy TV2 hôm 27-3: "Chúng ta phải ngừng suy đoán có mối liên hệ nào hay không. Các ca đông máu đều có triệu chứng từ 3 - 10 ngày sau khi được tiêm vắc xin AstraZeneca. Chúng tôi không tìm thấy bất kỳ yếu tố kích hoạt nào".
Trung tâm tiêm vắc xin COVID-19 ở Seattle (Mỹ) ngày 2-4 - Ảnh: AFP
TS Steinar Madsen - giám đốc y tế Cơ quan Dược phẩm Na Uy (NOMA) - lại nhận xét: "NOMA tin rằng có thể có mối liên hệ với vắc xin".
Tại Pháp hôm 26-3, Cơ quan Quản lý dược phẩm Pháp (ANSM) xác nhận có tồn tại một nguy cơ hiếm xảy ra căn cứ "bản chất rất không điển hình của các ca đông máu, các triệu chứng lâm sàng gần gũi của chúng và thời gian khởi phát đồng nhất".
Nguy cơ xảy ra là gì?
Theo số liệu chưa đầy đủ được EMA công bố hôm 31-3, đến nay có 62 ca đông máu tĩnh mạch não trên thế giới.
Viện Paul-Ehrlich ghi nhận ở Đức có 31 ca nghi ngờ đông máu tĩnh mạch não, trong đó 19 ca kèm theo giảm tiểu cầu trong máu với 9 ca tử vong. Tỉ lệ tương đương 1 ca trên 100.000 liều vắc xin AstraZeneca đã tiêm (đã tiêm 2,8 triệu liều).
Pháp ghi nhận 12 ca đông máu, trong đó có 4 ca tử vong trong 1,9 triệu liều đã tiêm. Na Uy ghi nhận 5 ca tương tự, với 3 ca tử vong trong 120.000 liều đã tiêm.
Tại Anh, tính đến ngày 1-4 có 30 ca đông máu trong 18,1 triệu liều đã tiêm, trong đó có 7 ca tử vong.
EMA đánh giá đối với vắc xin cũng như bất kỳ loại thuốc nào, ghi nhận rủi ro chưa đủ mà còn phải so sánh với lợi ích mang đến.
Do đó EMA khẳng định: "Lợi ích của vắc xin AstraZeneca trong ngăn ngừa COVID-19 dẫn đến nhập viện và tử vong vẫn lớn hơn nguy cơ xảy ra tác dụng phụ".
Chứng đông máu xảy ra với ai?
Đến nay, hầu hết các ca đông máu xảy ra với người dưới 65 tuổi và phần lớn là phụ nữ.
EMA giải thích không thể rút ra kết luận nào từ vấn đề này vì ban đầu vắc xin đã được ưu tiên tiêm cho thành phần dân số trẻ. Ngoài ra, nhân viên y tế được ưu tiên tiêm, mà nghề này thường nhiều nữ.
EMA đánh giá: "Kết quả kiểm tra đến giờ chưa xác định được các yếu tố nguy cơ cụ thể liên quan đến tuổi tác, giới tính hoặc tiền sử bệnh về đông máu".
Dù vậy, trong đợt ngừng tiêm vắc xin AstraZeneca đầu tiên vào giữa tháng 3-2021, một số quốc gia vẫn căn cứ vào độ tuổi như Đức hạn chế tiêm cho người dưới 60 tuổi, Canada (dưới 55 tuổi), Pháp (dưới 55 tuổi), Thụy Điển và Phần Lan (dưới 65 tuổi).
GS.TS Sandra Ciesek ở Đại học Goethe (Đức) giải thích trên tạp chí Science: "Chúng ta không chỉ có một loại vắc xin, mà có nhiều loại. Đó là lý do vì sao nên dành vắc xin AstraZeneca cho những người ở độ tuổi lớn nhất".
Na Uy và Đan Mạch còn cẩn trọng hơn, tạm dừng hoàn toàn tiêm vắc xin AstraZeneca.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier nhận mũi tiêm vắc xin AstraZeneca đầu tiên ngày 1-4 - Ảnh: TWITTER
Nguyên nhân nào dẫn đến đông máu?
Trong nghiên cứu công bố hôm 28-3 (chưa qua bình duyệt), các nhà khoa học Đức và Áo đưa ra cách giải thích khác. Họ cho rằng về lâm sàng, các ca đông máu giống biến chứng giảm tiểu cầu do heparin (HIT).
HIT là phản ứng miễn dịch bất thường, nghiêm trọng và hiếm gặp xảy ra ở một số bệnh nhân dùng thuốc chống đông máu heparin.
Ngày 18-3, nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện Quốc gia Oslo lại giải thích đông máu xảy ra do phản ứng miễn dịch quá mạnh được vắc xin kích hoạt.
Các nhà nghiên cứu Pháp cho rằng có thể do vô tình tiêm vắc xin vào tĩnh mạch ở cơ delta vai, nên một số yếu tố chưa xác định đã kích hoạt phản ứng miễn dịch trái ngược.
EMA tiếp tục khẳng định đến nay mọi suy đoán như đã nêu trên đều chỉ là giả thuyết, cần được tiếp tục làm rõ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận