11/06/2013 07:06 GMT+7

Ai đánh cắp tuổi thơ của con trẻ?

ÐỨC TRIẾT
ÐỨC TRIẾT

TT - Kết cấu kịch dung dị. Câu chuyện rất đời thường. Vậy mà xem xong vở kịch Mẹ ơi, con sắp lớn!,
những người lớn lại đắng thắt lòng.

Ai đánh cắp tuổi thơ của con trẻ?

1R75JVg0.jpgPhóng to
“Mẹ ơi, con muốn về quê, đi học!” - ước mơ bình dị của riêng Hân (Lan Anh, trái) hay của rất nhiều trẻ vị thành niên nghèo khổ phải bỏ học, lao động sớm hôm nay? - Ảnh: Đức Triết

Cánh màn nhung đỏ thắm mở. Diễn viên không sử dụng micro. Bảng phụ đề tiếng Anh chạy. Sân khấu trang trí giản đơn với khoảng đen giữa hai tấm bình phong trắng, dành cho những tấm phông biết gợi mở câu chuyện theo từng lớp diễn.

Ðón hai cô bé chừng 14-15 tuổi ở nông thôn ra thành phố là đô thị sầm uất đấy nhưng sao nhầy nhụa. Hân (Lan Anh) làm ôsin cho một gia đình công chức với "trăm thứ bà rằn" cộng thêm cả việc trông ông cụ ngồi xe lăn. Hà (Diệu Hoa) làm ôsin cho một quán cơm chỉ suốt ngày cắm cúi lo bưng bê, rửa bát. Cả hai chăm chỉ làm việc vì sợ sơ sểnh một chút sẽ bị trừ lương.

Nhưng vở kịch không chỉ có vậy. Tiếp sau đó là chuỗi va đập của Hà - Hân với cuộc sống thành thị. Một tiếng sai bảo vô cớ, một tiếng mắng chửi chua chát, một cái nhìn hau háu của lũ bợm rượu..., tất cả tưởng là vô tình, tưởng là chuyện vặt thường ngày thế mà đạo diễn Sĩ Tiến vẫn nhặt lấy và kể. Bởi vì, dẫu bé nhỏ nhưng con trẻ dễ bị tổn thương! Còn khán giả thì giật mình tự cật vấn: không biết có khi nào chính mình cũng đã nói, đã làm những điều tưởng bình thường ấy với con trẻ sống bên cạnh, sống xung quanh? Và sợ hãi khi nhận ra: những điều đó là bao cái gai ngày mỗi ngày đang để lại những vết xước trong tâm hồn những đứa trẻ nông thôn nghèo khổ.

Nút thắt vở kịch không gay cấn: Hân bị buộc tội trộm đồ. Nhưng cách xử lý nút thắt xoáy sâu vào nội tâm nhân vật một cách tinh tế. Bị ông chủ nhà tra hỏi, Hân không khóc. Uất vì ông chủ mắng "Chúng mày lũ nhà quê chẳng được tích sự gì", Hân hét lên: "Sau này chúng cháu sẽ làm được hết!". Rồi Hân nằng nặc đòi mẹ cho về quê với lời hứa: "Con sẽ chăm chỉ làm việc đồng áng, kiểu gì cũng đủ ăn mẹ ạ". Người mẹ nghèo khó đã van xin: "Còn món nợ ở quê mẹ biết tính sao?".

Tâm hồn của hai đứa trẻ được mở ra với những khoảng riêng bằng giấc mơ bong bóng qua... cái chậu quần áo chúng đang giặt cho chủ nhà. Trong ảo ảnh, Hà kể đã nhìn thấy ông bà ngoại "qua dòng người chen chúc trên đường". Nhưng vừa đặt suất cơm xuống cho khách, ông bà bỗng biến đi đâu. Hân mơ bố về, bố kiếm được nhiều tiền để em được đi học. Khán giả đau thắt lòng khi nghe Hân kể: Ngày ra thành phố làm ôsin, bạn bè, cô giáo đã tưởng Hân được chuyển lên thành phố để tiếp tục học. Mẹ và Hân đều không nói. Chỉ đến khi ngồi sau xe mẹ để vượt qua một con dốc cao, ngoảnh đầu nhìn lại Hân chỉ còn thấy lá cờ nhỏ xíu cắm trên ngôi trường đang vẫy gió. Hân đã bật khóc - lần khóc duy nhất của cô bé.

Có một nhân vật lặng lẽ chứng kiến tất cả các câu chuyện. Ðấy là cụ ông ngồi xe lăn mà Hân chăm sóc. Cái xe lăn của ông cụ mang theo rất nhiều mặt nạ để rồi cứ bóc dần, bóc dần đến khi người lớn chợt nhận ra: "Chính chúng ta đang đánh cắp tuổi thơ của con trẻ...".

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên Hiệp Quốc tài trợ để Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng vở kịch Mẹ ơi, con sắp lớn! (đạo diễn Sĩ Tiến, Ðoàn kịch 2 biểu diễn). Có lẽ vì thế mà vở kịch kết thúc có hậu cho Hân. Nhưng hình ảnh cuối cùng khép lại vở diễn lại là Hà đứng đó nuốt nước mắt với tuổi thơ quay tít theo những chiếc chong chóng trên cánh đồng xa tắp. Bởi vậy, vở kịch vẫn lắng sâu với câu hỏi mở: Những cô bé như Hà thì sao? Ai đón các em trở về và cho các em được học hành, được trưởng thành, được làm việc?

Hưởng ứng Ngày thế giới chống lao động trẻ em

Ðạo diễn Nguyễn Sĩ Tiến trăn trở: "Dường như sân khấu còn bỏ quên một mảng đề tài rất hay: lạm dụng lao động trẻ em. Dịp này được Tổ chức ILO tại Việt Nam đặt hàng, tôi đã viết kịch bản này ngay lập tức. Có lẽ, những gì diễn ra hằng ngày bao lâu nay đã hối thúc tôi".

Bên cạnh những nghệ sĩ quen thuộc như Thanh Dương, Tú Oanh, Hoa Thúy, Thanh Bình...; vở kịch mang màu sắc trẻ trung khi đạo diễn mạnh dạn giao vai chính cho hai nghệ sĩ trẻ Lan Anh và Diệu Hoa. Ðặc biệt, âm nhạc sâu lắng với những bài hát được nhạc sĩ Tuấn Nghĩa viết riêng cho vở đã góp phần dẫn dụ khán giả chạm tới cảm xúc nhân vật.

Vở kịch Mẹ ơi, con sắp lớn! dài hơn 70 phút được công diễn tại Nhà hát Tuổi Trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội) vào tối 11-6 để hưởng ứng Ngày thế giới chống lao động trẻ em (12-6). Vở kịch được ghi hình trên kênh ANTV và sẽ phát lại sau đó cũng như chuyển sang DVD để gửi đến các tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên, đạo diễn Nguyễn Sĩ Tiến vẫn mong muốn: hiệu quả của vở kịch sẽ tốt hơn nếu được lưu diễn trực tiếp ở nhiều địa phương.

ÐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    TT - K\u1ebft c\u1ea5u k\u1ecbch dung d\u1ecb. C\u00e2u chuy\u1ec7n r\u1ea5t \u0111\u1eddi th\u01b0\u1eddng. V\u1eady m\u00e0 xem xong v\u1edf k\u1ecbch M\u1eb9 \u01a1i, con s\u1eafp l\u1edbn!,
    nh\u1eefng ng\u01b0\u1eddi l\u1edbn l\u1ea1i \u0111\u1eafng th\u1eaft l\u00f2ng.
    " />