Để trở thành thương nhân đầu mối xăng dầu, doanh nghiệp phải thỏa mãn nhiều điều kiện. Quyền lợi đi cùng trách nhiệm - Ảnh minh họa: NGỌC PHƯỢNG
Việc 7 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối bị rút phép tạm thời đặt ra những dấu hỏi lớn về trách nhiệm quản lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với mặt hàng xăng dầu.
Đã có 38 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động là thương nhân đầu mối để cung ứng đủ xăng dầu cho nền kinh tế, tăng khá so với trước. Thế nhưng, đông nhưng không "chuyên", quản nhưng không chặt có lúc lại gây rối rắm cho thị trường xăng dầu.
Dù đã tăng thương nhân đầu mối xăng dầu, vẫn xảy ra tình trạng thiếu "cục bộ". Dù Bộ Công thương khẳng định không thiếu, vẫn có tình trạng nghỉ bán hay treo biển "hết xăng". Về dư luận, cửa hàng nghỉ bán, hết xăng... đang "chỏi" lại tuyên bố của Bộ Công thương.
Hết xăng, nghỉ bán, báo cáo từ địa phương cho thấy vẫn là căn bệnh cũ, như doanh nghiệp chờ sát ngày điều chỉnh giá mới nhập hàng vào, dẫn tới không đủ hàng để bán...
Những lý do này có thể chấp nhận nếu là hàng tiêu dùng phổ thông, còn với xăng dầu không thể chấp nhận. Đâu phải doanh nghiệp nào muốn cũng có thể kinh doanh xăng dầu.
Để trở thành thương nhân đầu mối xăng dầu, doanh nghiệp phải thỏa mãn nhiều điều kiện. Quyền lợi đi cùng trách nhiệm. Quyền lợi đó là được "chọn mặt gửi vàng" làm đầu mối kinh doanh xăng dầu. Trách nhiệm đó là phải đảm bảo hệ thống xăng dầu đáp ứng đủ nguồn cung ở bất kỳ hoàn cảnh nào.
Để xảy ra nạn thiếu xăng, nghỉ bán dù cục bộ, cho thấy có một số thương nhân đầu mối chưa làm tròn nghĩa vụ của mình.
Tình trạng này lặp đi lặp lại: giá lên treo bảng nghỉ bán, hết xăng, giá xuống cũng treo bảng hết xăng, nghỉ bán.
Để chấn chỉnh, phải có biện pháp cứng rắn. Như mới đây bộ trưởng Bộ Công thương đã thành lập 3 đoàn thanh tra các doanh nghiệp đầu mối, ngoài ra còn hàng loạt cuộc kiểm tra hàng nghìn cửa hàng xăng dầu để làm rõ nguyên nhân và tìm ra thuốc trị.
Đây là dịp để ngành xăng dầu "tự soi" lại, từ công tác quản lý đến thực thi, xem toàn hệ thống đã đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của xã hội hay chưa?
Cuộc kiểm tra cũng là để trị nạn xăng dầu giả, kém chất lượng, nguồn cung, chiết khấu và cách quản lý các cửa hàng, đại lý trực thuộc...
Kết quả bước đầu đã có 7 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối bị tạm rút giấy phép.
Và còn gì nữa, dư luận đang chờ. Đó là các giải pháp chấn chỉnh quản lý đầu mối, cửa hàng, đại lý trực thuộc, là xóa sổ nạn xăng giả, xăng dầu ngoài luồng, là công tác công khai minh bạch trong quản lý thị trường xăng dầu...
Giá xăng dầu liên quan đến túi tiền của người dân, lời lỗ của doanh nghiệp, vì thế luôn có yêu cầu phải công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh xăng dầu ở mức đủ để xã hội có thể giám sát.
Thế nhưng thời gian qua, nhiều thông tin liên quan đến thị trường xăng dầu vẫn còn kín đáo. Ngay kết quả kiểm tra, thanh tra cũng ít được công khai, trong khi người tiêu dùng nếu có đủ thông tin này cũng là cách để gây sức ép buộc các đầu mối xăng dầu làm ăn bài bản hơn.
Mong muốn của Bộ Công thương là lành mạnh hóa thị trường xăng dầu. Bài học cho thấy càng công khai, minh bạch, kể cả những sai phạm của doanh nghiệp, chính là xóa đi những góc khuất trên thị trường xăng dầu.
Khi Bộ Công thương công khai tên 7 doanh nghiệp bị tạm rút giấy phép, đó cũng là lời cảnh tỉnh cho các đầu mối khác, răn đe các đại lý, cửa hàng phải thực hiện đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia kinh doanh mặt hàng này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận