14/03/2011 10:26 GMT+7

Ai Cập: người trẻ giải cứu du lịch

THƯỜNG NGA (Theo Reuters)
THƯỜNG NGA (Theo Reuters)

TTO - Những người trẻ Ai Cập vừa phát động chiến dịch "Egypt is safe" (tạm dịch "Ai Cập an toàn"). Sinh viên dọn dẹp các lăng mộ, tài xế dẫn du khách đi quanh quảng trường Tahrir… Họ làm bất cứ điều gì có thể để khách du lịch quay trở lại.

yUHUnGNr.jpgPhóng to
Khu vực kim tự tháp Giza vắng bóng du khách - Ảnh: Lê Nam

Những ai đang cố gắng thu hút khách du lịch trở lại với những du thuyền trên sông Nile và cổ vật Ai Cập muốn biến sự bất ổn thành lợi thế của họ. Và một khẩu hiệu được đề xuất cho cuộc cách mạng: "Thêm một lý do để đến thăm Ai Cập".

Hàng trăm sinh viên tại thành phố Giza đã tập trung lại với những tấm biển đề "Egypt is safe" với hi vọng thông điệp này sẽ truyền đến phần còn lại của thế giới. "Hãy nói bạn bè của bạn đừng sợ cuộc cách mạng. Đây là một Ai Cập mới và đất nước này chào đón bạn" - Heba, 18 tuổi, phát biểu.

Các địa điểm quanh kim tự tháp lớn Giza, một kỳ quan của thế giới cổ đại, tượng nhân sư và khu nghĩa địa Sakkara đã gần như vắng bóng khách du lịch kể từ khi nổ ra một cuộc nổi dậy cách đây một tháng, và bây giờ Ai Cập muốn du khách quay lại.

Những người cưỡi lạc đà, thanh thiếu niên với những chú ngựa phi nước kiệu và cỗ xe kéo, hướng dẫn viên du lịch, những người bán bưu thiếp và tượng nhân sư bằng nhựa ở Giza… tất cả đều than vãn về sự cạn kiệt các tour du lịch. "Xin quý ông, hãy bảo họ đến Ai Cập mới" - Mohammed, người cưỡi lạc đà 27 tuổi, nói.

Thay cho khách nước ngoài, các nhóm người Cairo, nhiều người mang theo cờ tổ quốc đã tận dụng vé giảm giá để khám phá di sản phong phú của đất nước họ ở kim tự tháp Giza có từ 2.600 năm trước Công nguyên. Chuyện di chuyển lên phòng trên cùng của kim tự tháp chính, được làm từ hơn 2 triệu khối đá vôi, đã dễ dàng hơn nhờ việc vắng khách.

Tại thành cổ Cairo, một pháo đài ngoạn mục thời Trung cổ được xây dựng để tăng cường bảo vệ thành phố chống lại quân thập tự chinh, những tình nguyện là sinh viên yêu nước đã làm sạch thành lũy và sơn lại lan can trong khi số khác sơn lại trụ cột những cây cầu vượt bằng các màu sắc dân tộc. "Chúng tôi tự tổ chức hoạt động này", Leila, 15 tuổi, cho biết.

MO3eORBS.jpgPhóng to
Một cửa hàng lưu niệm trong khu vực Khan al-Khalili, Cairo buồn hiu hắt vì ế ẩm - Ảnh: Reuters

Hàng chục du khách bất chấp cuộc cách mạng để đến với Bảo tàng Ai Cập khi mở cửa trở lại vào ngày 20-2 đã được chào đón bằng hoa hồng. Thợ thủ công đã sửa chữa tỉ mỉ các hiện vật bị hư hại vì nạn cướp bóc. Đối với những khách đến thăm thành cổ, rào chắn đã được nâng lên, chiến sĩ quân đội đứng quanh canh gác, giơ tay hình chữ V biểu tượng cho chiến thắng và hô vang: "Chào mừng bạn đến với Ai Cập".

Bước vào cửa quay của điểm du lịch vốn đông đúc du khách, một quan chức cho biết: "Hôm nay có thêm hai khách du lịch, có thể là 20 khách vào ngày mai".

Từ năm 2004-2006, một loạt vụ đánh bom chết người tại khu nghỉ dưỡng Red Sea ở bán đảo Sinai. Tuy nhiên, do các cuộc tấn công quân sự ở các thành phố châu Âu và Mỹ, khách du lịch vào thời gian đó đã trở nên quen với việc này. Việc đặt vé du lịch hồi phục rất nhanh chóng.

"Ngành du lịch ở Ai Cập có thể bị "ốm", nhưng sẽ không bao giờ chết" - hướng dẫn viên và nhà Ai Cập học Wagih Thabit phát biểu.

Ai Cập: vắng bóng du khách

Có dịp đến Cairo những ngày này mới cảm nhận được sự ảnh hưởng ghê gớm sự bất ổn chính trị tới ngành công nghiệp không khói vốn là thế mạnh của đất nước này.

8RKengZ7.jpgPhóng to
Sảnh đón ga đến ở sân bay quốc tế Cairo vắng tanh - Ảnh: Lê Nam

Sân đậu máy bay ở phi trường quốc tế Cairo vắng tanh, nhân viên làm thủ tục nhập cảnh túm tụm nói chuyện vì thời điểm chúng tôi đến chẳng có chuyến bay nào khác. Ngoài sảnh đón ga đến, nhân viên các công ty du lịch tay cầm sách hướng dẫn cũng rảnh rang.

Ashraf el Fishawi, một nhân viên, cho biết từ sau đảo chính lượng khách đến sân bay đã giảm 70-80%. May mắn lắm mới có vài nhóm khách nên mọi người mừng lắm. Trên đường ra kim tự tháp Giza, ngựa, lạc đà thảnh thơi ăn rơm chiếm cả con đường. Lái xe Bahaa Salama cho biết cả tuần nay chúng tôi là nhóm khách thứ ba ông chở ra Giza.

Suốt chuyến tham quan, anh chàng hướng dẫn viên Fabio luôn hỏi: “Are you happy?” (Anh có vui không?). Chúng tôi lịch sự trả lời: “Có”. Fabio lại nói: “Các anh vui thì cũng đừng quên làm Fabio vui nhé”.

Hàng quán lưu niệm vắng tanh, nhiều cửa hàng thậm chí khóa cửa. Fabio bảo nhiều chủ cửa hàng đã sang lại cửa hiệu mà chẳng ai mua, có cửa hiệu thì giảm hẳn nhân viên nhưng cũng chẳng ăn thua gì vì khách có đến đâu mà bán.

Anh than thở: “Khách đến kim tự tháp Giza giờ chỉ còn 10-15% so với trước. Kinh khủng quá, tôi còn vợ con ở nhà mà khách thì chẳng thấy đâu trong khi giờ là mùa cao điểm của du lịch Ai Cập”.

Hằng năm du lịch Ai Cập đón chừng 13 triệu lượt khách nước ngoài, năm 2010 doanh thu của ngành du lịch là 13 tỉ USD và thu hút khoảng 1 triệu lao động. Theo Bộ Du lịch nước này, tỉ lệ lấp phòng ở các khách sạn đã giảm từ 80% xuống còn 20%, nhiều khách sạn đã cho nhân viên nghỉ không lương.

Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Ả Rập, ngành du lịch Ai Cập thiệt hại trung bình 862 triệu USD/tháng vì suy giảm lượng khách.

THƯỜNG NGA (Theo Reuters)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên