06/09/2010 17:35 GMT+7

Ai ăn kem không?

SƠN DIỄM
SƠN DIỄM

TTO - Hiểu rõ những vất vả của bố mẹ, tôi định tranh thủ thời gian hè đi theo bạn bè lên thị trấn để phụ rửa chén cho quán phở, kiếm tiền mua sách vở, quần áo cho năm học mới. Nhưng mẹ tôi nhất định không đồng ý vì sợ tôi mới học lớp 7 đã đi làm mướn cho người.

Nửa ngày công, một cái bánh và hai phútMẹ và 30 nghìn đồng của con8 bó rau lang dễ thương

kUU3tBVk.jpgPhóng to
Những ngày đi bán kem cho lũ trẻ trong làng giúp tôi hiểu thêm giá trị của sức lao động - Ảnh minh họa: Bùi Vũ

Rồi tôi biết cái Lan ở đầu xóm đạp xe lên thị trấn lấy kem về đi bán dạo, nghe đâu mỗi ngày, Lan lời 5.000 đồng, đó là số tiền quá lớn đối với bọn trẻ chúng tôi ngày ấy. Một lần nữa, tôi nằng nặc đòi mẹ cho đi theo Lan bán kem dạo, mẹ lắc đầu. Tôi bướng bỉnh phản đối bằng cách bỏ ăn, ngồi khóc hu hu... Cuối cùng, mẹ phải chào thua.

Ngày làm việc đầu tiên của tôi rất đặc biệt. Tôi dậy từ lúc 5g, cùng Lan hì hục đạp xe lên thị trấn để lấy kem. Phải xếp hàng rất lâu chúng tôi mới lấy được mỗi đứa một thùng kem bự. Lan bảo, ngày đầu bán nên lấy nửa thùng thôi. Nhưng cái đầu ham kiếm tiền đã khiến tôi nghĩ rằng bạn làm được thì tmình cũng làm được nên vẫn quyết định lấy nguyên thùng kem 50 que. Hai đứa tôi đạp xe đi bán dạo quanh hai ngôi làng khác nhau khi ông mặt trời bắt đầu chiếu những tia nắng chói chang.

Cọc cạch trên chiếc xe đạp cũ cùng cái thùng xốp đựng kem, tôi vừa bóp lia lịa cái còi tự chế "Kẹp, kẹp, kẹp” vừa la rát cả họng: “Ai ăn kem không? Ai ăn kem không?”. Có mấy đứa nhỏ chạy theo xe kem của tôi, nhao nhác hỏi mua. Tôi mừng húm vì nghĩ sẽ bán được nhiều. Nhưng hai ba đứa mới mua một que kem và chí chóe tranh nhau ăn chung. Tôi cố đứng chờ với hi vọng chúng ăn xong sẽ thèm và mua ăn tiếp. Nhưng với những đứa trẻ nghèo thì mỗi cây kem giá 100 đồng đã là món hàng xa xỉ nên chúng không dám ăn nhiều.

Tôi buồn bã nhấc chân lên xe, đạp đi nơi khác, tiếp tục bóp còi và cất tiếng rao. Dưới cái nắng gắt của mùa hè, tôi khom mình trước những cơn gió lào nắng rát. Bữa ăn trưa hôm ấy của tôi là một nắm cơm mẹ nấu cho lúc sáng. Ăn xong, tôi lại đạp xe đi bán, nhưng chẳng mấy chốc trời vụt tắt nắng, mây đen kéo về, mưa ầm ầm đổ xuống, tôi trú mưa và rầu rĩ khi đếm thấy còn 20 que kem chưa bán được.

Lòng dạ tôi bồn chồn lo lắng, cầu cho cơn mưa chóng tạnh, nhưng mưa mỗi lúc mỗi to. Tôi chờ… chờ mãi, đến lúc những hạt mưa sau cùng rơi lớt phớt trên nền đất là lúc trời sập tối. Tôi hết hốt hoảng rồi thất thểu đạp xe về. Bữa đó, cả nhà phải ăn hết số kem bán ế cho tôi. Mẹ xoa đầu tôi, nói dịu: "Không sao đâu con! Lâu lắm rồi nhà mình mới liên hoan một bữa kem ngon như thế".

Tôi không lời được đồng nào từ việc bán kem nhưng rút ra cho mình kinh nghiệm buôn bán. Sáng hôm sau, tôi lại tiếp tục rong ruổi qua các ngõ xóm với thùng kem.

Suốt mùa hè ấy, tôi không nhớ mình bán được bao nhiêu que kem, chỉ biết rằng tiền lời đủ để tôi mua sách vở và sắm bộ quần áo mới. Khi diện bộ quần áo mới đi khai giảng, tôi luôn miệng khoe với các bạn rằng bộ quần áo này mua bằng chính tiền tôi làm ra. Các bạn nhìn tôi với ánh mắt thán phục, còn tôi mừng đến độ chỉ muốn mặc mãi mà chẳng cần giặt bộ quần áo ấy.

Lá chuối và mòn quà sinh nhật cho mẹ

Có lần mẹ đi chợ về, mua cho hai chị em tôi mấy cái bánh lá (bánh làm bằng bột gạo tẻ, nhân thịt, gói bằng lá chuối xanh). Ăn xong bánh, nhìn vỏ lá chuối, hai chị em tôi cùng nháy mắt khi "tư tưởng lớn" gặp nhau. Chúng tôi chạy một mạch xuống nhà bà Cần làm bánh ở cuối làng, “thỏa thuận” một hồi, bà đồng ý sẽ mua lá chuối xanh với giá 200 đồng một bó.

Từ hôm đó, chiều chiều, hai chị em tôi lại tay xách gậy, liềm, mớ dây, đi ra bụi chuối um tùm bên dãy bờ ao phía sau nhà. Những lá chuối xanh, già được chúng tôi cắt xuống, cắt bỏ phần xương lá rồi xếp gọn gàng thành từng lớp, dùng dây chuối bó lại gọn gàng. Cứ 10 bó thì bán được 2.000 đồng. Số tiền đó đủ để chị em tôi ăn sáng và bỏ một khoản vào con lợn tiết kiệm.

psyaw73X.jpgPhóng to
Bụi chuối sau nhà đã cho chị em tôi những kỷ niệm tuổi thơ đáng nhớ - Ảnh minh họa: từ Internet

Ngày sinh nhật của mẹ, dù mẹ không nhớ vì bộn bề lo toan mưu sinh, nhưng hai chị em tôi thì không quên. Sau một hồi tính toán với số tiền dành dụm được từ bán lá chuối, chúng tôi quyết định mua tặng mẹ một chiếc nón bởi chiếc nón mẹ đang đội đã thâm mốc, rách tả tơi. Tôi còn chạy ra vườn nhà hái thêm một bó hoa dại.

Món quà nhỏ bất ngờ ấy làm mẹ xúc động lắm. Mẹ ôm chúng tôi vào lòng và khóc. Ở cái tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”, tâm hồn trẻ thơ của chúng tôi chưa hiểu hết những nỗi niềm của mẹ nhưng chúng tôi cảm nhận rằng mẹ đang hạnh phúc lắm.

Ý tưởng tuyệt vời bán lá chuối kiếm tiền của chị em tôi nhanh chóng được lũ trẻ trong làng truyền tai nhau và làm theo.

Mời bạn viết Đồng tiền đầu tiên của tôi

Bạn thân mến, có lẽ số tiền đầu tiên bạn tự mình kiếm được thường ghi một dấu ấn đặc biệt nơi bến bờ ký ức.

Đó có thể là nhuận bút từ một bài thơ, một truyện ngắn đầu tiên được đăng báo, có thể là tiền công một ngày lột vỏ hạt điều, là khoản tiền trả cho món quà lưu niệm được sinh ra từ đôi tay khéo léo của bạn, là tháng lương đầu tiên…

Những đồng tiền đầu tiên được làm ra từ trí tuệ, mồ hôi ấy có lẽ thường gắn với những kỷ niệm nồng ấm với ông bà, mẹ cha, anh chị, bạn thân…

Mời bạn tham gia nội dung viết Đồng tiền đầu tiên của tôi để chia sẻ với Nhịp sống teen những câu chuyện, cảm xúc ấy.

Nhận bài viết từ nay đến ngày 30-10-2010. Bài viết gửi về teen@tuoitre.com.vn hoặc tto@tuoitre.com.vn với tiêu đề: Đồng tiền đầu tiên của tôi. Vui lòng sử dụng font chữ có dấu tiếng Việt. Lưu ý độ dài bài viết không quá 800 chữ (gửi kèm hình nếu có thể).

SƠN DIỄM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên