![]() |
Freddy Adu sinh ra tại Ghana - một trong những quốc gia nghèo nàn của lục địa đen châu Phi. Năm 1997, mẹ của Adu đưa đứa con trai 8 tuổi của mình đặt chân đến nước Mỹ. Và chính nơi đây tài năng của cậu bé da màu này đã sớm được phát hiện.
“Thần đồng” bóng đá đến từ lục địa đen
Khi vừa được nhập quốc tịch Mỹ năm 2003, Adu đã được gọi vào đội tuyển U-17 khi chỉ mới 14 tuổi để tham dự Giải U-17 thế giới tại Phần Lan và giải vô địch thế giới trẻ tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Màn trình diễn tuyệt vời tại hai giải đấu đó của “cậu bé đen” đã làm cho cái tên Adu trở nên nổi tiếng.
Báo chí Phần Lan đã tốn khá nhiều giấy mực để nhắc đến cú hat-trick trong trận Mỹ hạ knock-out đội tuyển Hàn Quốc 6-1 có công đóng góp rất lớn của Adu, và sau đó là bàn quyết định trong trận thắng Sierra Leone 2-1 của Adu, đem lại chiếc vé vào tứ kết cho đội tuyển Mỹ tại Giải U-17 thế giới. Biệt danh “Thần đồng bóng đá Mỹ” đã được khai sinh. Thậm chí nhiều chuyên gia bóng đá đã tuyên bố: “Vua bóng đá” (Pele) và “Đứa con của Chúa” (Maradona) đã có hậu nhân.
Hàng loạt bản hợp đồng trị giá nhiều triệu USD được đưa ra với Adu từ những CLB hàng đầu châu Âu như: Manchester United, Real Madrid, Inter Milan... nhưng Adu quyết định ở lại cùng CLB D.C United với mức lương 500.000 USD/năm - kỷ lục của một cầu thủ nhà nghề tuổi 14.
Ngày 3-4-2004, Đài truyền hình Mỹ đã quyết định phát sóng trực tiếp trên toàn quốc trận đấu giữa DC United và San Jose (Giải bóng đá nhà nghề Mỹ - MLS) trên sân vận động RFK để tôn vinh giờ phút Adu trở thành cầu thủ trẻ nhất ra sân trong suốt một thế kỷ qua tại MLS. Adu lại tiếp tục cuộc chinh phục thế giới ở giải bóng đá nhà nghề Mỹ và Giải U-20 thế giới năm 2005.
Chiến thuật của Ghana
Khi lá thăm định mệnh ở VCK World Cup 2006 đã đưa cả Mỹ và Ghana vào cùng bảng E, thế là bắt đầu một cuộc chiến giành Adu.
Đòn tâm lý mà quốc gia châu Phi này tung ra đầu tiên là kêu gọi tình yêu tổ quốc của Adu. Ghana còn cam kết nếu trở về nơi chôn nhau cắt rốn, Adu chắc chắn sẽ được gọi vào đội tuyển, có nghĩa là cầm chắc vé thông hành đến Đức mùa hè này.
Trả lời trên tờ Washington Post mới đây, Adu đã nhẹ nhàng từ chối: “Dù rất vui vì Ghana đã để ý mình nhưng tôi chỉ muốn thi đấu cho đội tuyển Mỹ...”.
“Nước cờ” của Mỹ
Những động tác lôi kéo Adu được biểu lộ ngày càng rõ nét từ phía Ghana đang khiến Mỹ chột dạ: biết đâu vào một ngày đẹp trời nào đó, chỉ một cái gật nhẹ của Adu trước thời hạn công bố danh sách các cầu thủ tham dự World Cup 2006 thì xem như nước Mỹ sẽ mất “báu vật” Adu vĩnh viễn (vì theo qui định FIFA, một cầu thủ đã khoác áo đội tuyển quốc gia thì sẽ không bao giờ được thi đấu cho đội tuyển khác nữa).
Thế là dù biết Adu là của tương lai và ngay bây giờ trong đội tuyển Mỹ cũng đang có nhiều tiền đạo nổi tiếng khác, nhưng HLV đội tuyển Mỹ Bruce Arena vội ve vãn: “Chúng tôi luôn đánh giá cao các tài năng trẻ, nhiều người trong số họ còn làm được nhiều hơn cả những cầu thủ lớn và Adu là một trong số đó. Tôi xin nhắc lại rằng không có điều gì là không thể, cánh cửa World Cup chưa bao giờ đóng với các cầu thủ tài năng - với Adu cũng vậy!”.
Bruce Arena cũng đã cho gọi cầu thủ này vào đội tuyển Mỹ để tham dự trận đấu giao hữu chuẩn bị cho World Cup 2006 gặp Canada vào ngày 22-1 vừa qua. Dù chỉ được ra sân ở phút 81 nhưng Adu vẫn đi vào lịch sử bóng đá Mỹ khi trở thành cầu thủ trẻ nhất ra sân trong màu áo đội tuyển của một trận đấu quốc tế.
Cho đến thời điểm này việc Adu có được gọi vào đội tuyển Mỹ tham dự World Cup 2006 hay không vẫn chưa được quyết định. Nhưng nếu Adu được ra sân trong màu áo đội tuyển Mỹ tại Đức mùa hè này cũng có nghĩa là một kỷ lục mới tại World Cup sẽ được lập: Adu sẽ là cầu thủ trẻ nhất thế giới tại sân chơi World Cup. Và nếu nước Mỹ làm nên điều kỳ diệu khi đoạt chức vô địch thế giới thì Adu sẽ phá kỷ lục của Pele với tư cách là cầu thủ trẻ nhất đăng quang ở World Cup.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận