![]() |
Bà Trịnh Mỹ Ngọc(trái)- giám đốc Cty TNHH thương mại Khải Hoàn, Q1, TPHCM đã đến gửi 1,15 triệu USD và 680 triệu đồng VN vào ACB |
Ngày 15-10: 97,8 tỉ đồng và 4,697 triệu USD được gửi vào ACB
Khoảng 7g sáng 15-10, tất cả các chi nhánh của ACB đã mở cửa bình thường và đón tiếp khách đến giao dịch theo một phương án đã được ACB hoàn tất vào 3g30 sáng cùng ngày. Cơn sốt theo tin đồn ngày hôm trước đã giảm nhiệt hẳn...
Tại các chi nhánh của ACB, những giờ đầu buổi sáng các tờ báo đã được photo ra và chuyền tay nhau để đọc thông tin xung quanh những vấn đề liên quan đến ACB. Tình trạng “đói” thông tin đã được giải quyết khi các báo Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Người Lao Động hỗ trợ in thêm cho ACB vài chục ngàn số báo để phát cho người gửi tiền, trong đó riêng Tuổi Trẻ in thêm 20.000 số.
Trong ngày 15-10, ông Lê Đức Thúy - thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Thiện Nhân - Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Phạm Văn Thiệt - tổng giám đốc ACB, cũng đã trực tiếp trả lời các câu hỏi của người gửi tiền thông qua mạng Vietnamnet và VnExpress.
Vào lúc 10g30, tờ cam kết của thống đốc Ngân hàng Nhà nước được phát ra đã có hiệu quả rõ rệt, tình hình đã dần dịu trở lại. Tại chi nhánh Châu Văn Liêm, sau khi được nghe giải thích và nhận tờ cam kết của thống đốc, nhiều người đã “thôi, đi về” mà không chờ lấy số thứ tự.
![]() |
Tiền đã được nhập kho ACB |
ACB cũng đã dừng giao dịch theo đúng giờ hành chính để nhân viên ACB xử lý các công việc sau giao dịch theo qui định. Mọi người đến số thứ tự theo đúng ngày hẹn đều được chi trả đầy đủ. Tuy ngưng giao dịch nhưng tiền vẫn được chở về chất đầy trong kho của ACB.
Ngay trong buổi sáng vẫn có người đến gửi tiền nhưng cũng phải chờ đợi vì nhân viên ACB đang tập trung để chi trả cho người đến rút tiền. Lúc 21g ngày 15-10, ông Phạm Văn Thiệt xác nhận lượng tiền gửi vào là 97,8 tỉ đồng và 4,697 triệu USD. Ông Thiệt cho biết ACB vẫn tăng cường người để phục vụ chi trả, nhưng cũng bố trí nhân viên để giải quyết các giao dịch bình thường của khách hàng, nhất là của người gửi tiền. Mức lãi suất gửi tiền của ACB vẫn giữ nguyên như trước ngày xảy ra sự cố.
Cũng trong ngày 15-10, sau khi được thông tin đầy đủ và chính xác về tình hình ACB, một công ty liên doanh với Hàn Quốc đang gửi ở ACB 20 tỉ đồng và số ngoại tệ vài triệu USD đã đến ACB để xin rút lại giấy đề nghị rút tiền. Nhiều công ty nước ngoài có nhờ ACB chi trả lương cho nhân viên, nhưng do ACB tập trung chi trả cho người gửi tiền nên chưa kịp chi lương cũng đã điện thoại, gửi email đề nghị ACB lùi ngày chi trả lương để tập trung chi trả cho người gửi tiền.
Hầu hết các công ty có tài khoản ở ACB đều chấp nhận để ACB tập trung nhân lực để chi trả cho người gửi tiền. Trong khi đó, các lãnh đạo của ACB đã nhận được các email từ nước ngoài gửi về, trong đó cho biết đã yêu cầu người nhà trong nước không nên lo lắng quá đáng mà đi rút tiền, vừa bị thiệt vừa gây khó khăn cho cả xã hội.
Người Hà Nội phản ứng “nhẹ nhàng”
![]() |
Người gởi tiền đang xem bảng thông báo của ngân hàng ACB tại chi nhánh ở Hà Nội |
Phó tổng giám đốc ACB Huỳnh Quang Tuấn cho biết: lượng khách đến rút tiền sau khi có tin đồn thất thiệt về tổng giám đốc ACB có tăng, nhưng cũng không đến mức phải bốc số thứ tự để rút tiền, các giao dịch ngân hàng (đặc biệt là rút tiền) chỉ dừng ở mức tương đương các ngày giáp Tết Nguyên đán. Dù vậy, theo anh Phan Bá Minh Sĩ, một cán bộ từ TP.HCM ra Hà Nội công tác, yêu cầu rút tiền của anh cũng đã phải dời từ sáng sang đến chiều mới thực hiện được vì lượng khách quá đông.
Một trong những nguyên nhân khiến tình hình ở Hà Nội “êm ả” hơn, theo ông Tuấn, là do báo chí và truyền hình từ tối 14 đến trưa 15 đã không ngừng đưa tin, khẳng định những thông tin về tổng giám đốc ACB chỉ là tin đồn thất thiệt. Không những vậy, dân chúng Hà Nội lại càng yên tâm hơn khi NHNN TP.HCM, UBND TP.HCM có văn bản thông báo chính thức về những thông tin này.
Nhưng để đề phòng khả năng xấu có thể xảy ra, ông Huỳnh Quang Tuấn cho biết ban lãnh đạo ACB tại Hà Nội đã họp vào sáng sớm 15-10, phân công một bộ phận nhân viên làm nhiệm vụ giải thích cho khách hàng đến giao dịch. Kèm theo lời giải thích với mỗi khách hàng, ACB Hà Nội đã mua cả ngàn tờ báo có thông tin về vụ việc tại ACB, photocopy gần 1.000 bản thông báo của NHNN TP.HCM.
Cho đến cuối giờ sáng có thêm bản sao “cam kết” do chính thống đốc NHNN VN Lê Đức Thúy ký ngày 15-10 (về việc đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu về VND, ngoại tệ và vàng cho ACB đáp ứng mọi nhu cầu rút tiền của người gửi tiền) để gửi tới mỗi người đến giao dịch.
Những nỗ lực giải thích với người gửi tiền này, theo ông Tuấn, đã khiến lượng người đến rút tiền giảm dần vào chiều 15-10. Không những vậy, nhân viên của ACB Hà Nội cho biết vẫn có không ít người tiếp tục đến gửi tiền chứ không phải rút tiền tại đây, thậm chí những khách hàng có quan hệ tốt với ACB còn đem tiền đến gửi tại ACB như một hình thức ủng hộ ngân hàng này.
Chẳng hạn, cho đến 16g chị Nguyễn Kim Huế, nhân viên Công ty Hòa Phát, vẫn tiếp tục có mặt tại ACB 184 Bà Triệu để gửi gần 2 tỉ đồng của công ty vào ngân hàng. “Chúng tôi đã quan hệ với ACB sáu năm trời và không có lý do gì để lo ngại, mọi giao dịch với ACB của chúng tôi vẫn diễn ra bình thường” - chị Huế nói.
NHẬT LINH, THANH TUYỀN
Theo dòng sự kiện:
- Cty tài chính quốc tế (IFC): Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ ACB
- Toàn bộ tiền gửi ở ACB đều đã được bảo hiểm
- Số khách hàng rút tiền ở ACB đã giảm hẳn
- “Tổng giám đốc ACB bỏ trốn” là tin đồn thất thiệt
- Thống đốc NH Nhà nước: Không có cơ sở gì để bà con phải lo lắng!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận