![]() |
Trong trò chơi lớn kết bè, vượt biển để đến với biển đảo quê hương của trại hè kỹ năng sống lần 2 - Ảnh: Thuận Thắng |
Đêm 6-8, cuộc vượt rừng giải mã câu đố, học và thể hiện kỹ năng sinh tồn trước điều kiện nghiệt ngã, các đội trại sinh lên đường vượt qua các thử thách trong trò chơi truy tìm “Báu vật của rừng”.
![]() |
Làm ra lửa chỉ với một sợi dây thừng, vài thanh gỗ và củi khô - Ảnh: N.Nam |
Đường lên núi ban đêm se lạnh, đôi lúc có gió thổi mạnh kèm mưa nhưng vẫn không ngăn được quyết tâm đi qua các chặng thử thách của trại sinh. Khi leo bộ lên núi gần 1km, cả đoàn dừng lại tắt đèn pin để bước vào trò chơi đi tìm lửa. Đường dẫn lên hang núi chỉ vài chục mét nhưng tối đen như mực, chỉ có những cây nhang sáng le lói nằm hai bên đường núi để làm ký hiệu dẫn đường.
Đến hang núi, mỗi tiểu trại chia làm ba đội để làm ra lửa chỉ với một khúc củi khô, hai thanh gỗ nhỏ và một sợi dây thừng. Tình huống này buộc các nhóm loay hoay tìm lời giải. Họ đem dây thừng quấn lấy một thanh gỗ rồi dùng tay kéo đè đầu thanh gỗ này lên thân thanh gỗ kia tạo ma sát hi vọng lấy lửa. Kéo dây, khoan hoài nhưng chỉ thấy khói bay lên nhàn nhạt.
Cuối cùng, ban tổ chức phải ra tay: lấy dây thừng buộc vào thanh củi làm cung, móc thanh gỗ cuộn vào cung rồi kéo cung để khoan thân thanh gỗ phía dưới. Sau khi khoan lỗ phải tạo một đường thông hơi nhỏ trên thành lỗ để không khí lưu thông vào cho bén lửa. Học được bao điều từ nhà trường và cuộc sống, nhưng khi đối diện một thử thách tưởng như rất nhỏ này nhiều bạn trẻ đã ngạc nhiên ồ lên. Lần đầu tiên những bạn trẻ vỡ òa: tự ta có thể làm ra lửa.
Thử thách tiếp theo mà ban tổ chức đưa ra là nấu cơm chỉ với gạo, một miếng bạc chống cháy và cành cây khô trong rừng. Các trại sinh túm lấy miếng bạc chống cháy làm nồi, bỏ gạo đổ nước vào, dùng dây thép buộc vào hai bên cán nồi rồi treo lên đám lửa nấu cơm kiểu nướng thịt rừng. Cơm nấu kiểu này chắc chắn không ngon bằng nấu nồi nhưng dù sao... gạo cũng thành cơm!
Một số tình huống khác buộc trại sinh tìm cách sinh tồn trong điều kiện ngặt nghèo khiến nhiều trại sinh thích thú và nhận ra: có những điều kiện tưởng chừng bế tắc nhưng con người nếu có ý chí và sự sáng tạo vẫn có thể vượt qua.
“Mình thấy qua các trò chơi khả năng phối hợp nhóm của tụi mình được nâng cao”, bạn Đoàn Thế Dũng cho hay. Còn bạn Nguyễn Tấn Thọ cho biết: “Trước những khó khăn cần giải quyết thì khả năng tư duy, sáng tạo của mọi người được thể hiện. Đêm đi giải mật mã này sẽ là một kỷ niệm khó quên của mình”.
Ngày 7-8, 152 trại sinh đã có cuộc trò chuyện với anh Hà Trung Thành, phó trưởng phòng tổ chức hành chính quản trị Trường Cán bộ TP.HCM, với chủ đề “Hãy nhìn lại mình”. Anh Hà Trung Thành đã gợi cho các bạn nhiều cảm xúc mà dường như ngày nay đang bị bào mòn như tình thương và sự đồng cảm với cha mẹ, nền tảng hạnh phúc gia đình. Chuyện về thị hiếu, trào lưu của các bạn trẻ về âm nhạc, tình yêu, lối sống cũng được đông đảo bạn trẻ hưởng ứng. Chiều và tối cùng ngày, các tiểu trại đã tham gia chương trình “Hành trình đến với biển đảo quê hương”, hành quân “Bước chân người lính”, thuyết trình chủ đề “Thanh niên VN - biển đảo VN”, tìm hiểu kiến thức về biển đảo, chơi các trò chơi đồng đội, sinh hoạt lửa trại và biểu diễn văn nghệ với nội dung về văn hóa các dân tộc. Hôm nay 8-8, trại Kỹ năng sống tiếp diễn với các chương trình “Đánh thức trái tim” để các trại sinh ghi lại cảm xúc riêng của mình qua chuyến đi và lễ kết thúc trại kỹ năng. |
Có thật nhiều tiếng cười trong những ngày trại đã qua. Nụ cười của hội ngộ, của niềm vui gặp gỡ bạn bè mới. Nói sao hết những niềm vui khi mỗi bạn đến đây với tâm thế để vui, khám phá bao điều tốt đẹp xung quanh mà cũng là để khám phá bản thân mình. Nhưng trong cơn mưa bất chợt đổ xuống giữa núi rừng Minh Đạm, một căn cứ kháng chiến của quân dân quê hương đất đỏ của nữ anh hùng Võ Thị Sáu, có một khoảng lặng đủ để mỗi bạn kịp dừng lại sau những tiếng cười rộn vang. Sau hành trình đến bến Nhà Rồng, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Trung tâm Bảo trợ trẻ mồ côi Thị Nghè và cuộc trò chuyện với chú Phạm Chánh Trực (Năm Nghị) - nguyên bí thư Thành đoàn TP.HCM tại phòng truyền thống Nhà văn hóa Thanh niên - các bạn đã ngộ ra nhiều điều. Là bài học về khát vọng tuổi trẻ, là những giọt nước mắt trước bao hình ảnh, di vật còn lại của những cuộc chiến tranh tàn khốc. Là câu chuyện của một nhân viên vật lý trị liệu khiếm thị lớn lên trong mồ côi và quay về phục vụ chính những bạn trẻ mồ côi khác. Đó còn là bài học về bản lĩnh trẻ trong cuộc chiến thương trường hôm nay, để hội nhập nhưng không hòa tan như lời nhắc nhở của chú Năm Nghị. Bốn tiểu trại Sáng tạo, Năng động, Kỷ luật, Đoàn kết kể câu chuyện của mình bằng những cách khác nhau, qua hình ảnh, những đoạn phim ngắn quay bằng máy chụp hình. Có thể chưa chỉn chu về kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng nhưng là cả tình cảm và bao thông điệp mà mỗi trại sinh muốn gửi vào đấy. Để giữa bao la, tĩnh mịch của di tích thiêng Minh Đạm, mỗi bạn trẻ chia sẻ với nhau mà cũng là đang nói với mình, đang soi rọi lại chính mình. Sẽ là một đêm không thể quên với các trại sinh còn rất trẻ của trại kỹ năng sống lần 2, vì có bao điều tưởng như nhỏ nhặt và dễ bị lãng quên được nhắc lại. Có bao nhiêu bài học vẫn còn rất thời sự đối với các bạn trẻ. Câu chuyện về bản lĩnh trẻ trong hội nhập toàn cầu, sứ mệnh đi đầu để làm chủ những đỉnh cao của tri thức và công nghệ thế giới. Là sự sẻ chia hạnh phúc mình đang có với nỗi bất hạnh của anh em đồng loại quanh mình. Và cả những nhắc nhở của lịch sử cha ông mà mỗi người trẻ không được phép quên. Đêm Minh Đạm, giữa màn mưa rừng vội vã, có một khoảng lặng đủ để mỗi bạn trẻ thấy ấm lòng và nhắc nhở nhau về trách nhiệm của mình với cộng đồng, với Tổ quốc... |
Đời mình là hành trình vượt qua đói nghèo... bao giờ kết thúc?
![]() |
Nguyễn Đình Quốc Cường (thứ ba từ phải sang, hàng đầu) và đồng đội tại trại kỹ năng sống lần 2 - Ảnh: Q.Linh |
8 tuổi, đen nhẻm, tóc quăn tít, còi cọc, ngồi trên lưng bò mà ai cũng gọi tôi là là thằng Tí và thường là những trận đòn như cơm bữa vì ham chơi để bò ăn hoa màu của người ta.
10 tuổi, suýt chết đuối vì ngồi lưng bò qua sông nhưng không hề biết bơi, may mà có anh trai cứu kịp.
12 tuổi, mồng 6 tết, thả bò đi hái sen, bị người ta đốt rẫy, đốt quần áo, cà mèn, dép, nón... Khóc thảm thiết. Đôi dép nhựa trắng (18.000đ) cháy đen nhẻm cầm trên tay, lội bộ 20km vừa đi vừa khóc vì sợ về nhà mẹ đánh. Cả tháng đi học bằng chân trần mẹ vẫn không hay. Hú hồn, không bị đánh.
15 tuổi, đốt vở nghỉ học. Mẹ la, anh trai phải mượn vở bạn học chép lại bài những môn thi tốt nghiệp. Một lũ mấy chục đứa cùng chăn bò chỉ còn mình cắp sách đi học.
17 tuổi, ngày 20-11 trời mưa tầm tã, bạn bè kéo nhau thăm thầy cô, một mình cùng đàn bò đứng dưới mưa giữa cánh đồng tủi thân khóc ngon lành. Học từng ấy năm mà chưa được đi thăm thầy cô đúng nghĩa nhân ngày 20-11!
18 tuổi, một mình đạp xe lên Buôn Ma Thuột, cách nhà 30km để thi tốt nghiệp cấp III. Lần đầu tiên biết Buôn Ma Thuột.
19 tuổi, đậu Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Bạn bè nói: học ngành triết làm gì, sau này khó xin được việc. Mẹ động viên, quyết định lên đường mang theo cái rương gỗ lỉnh kỉnh vở, bút, quần áo, dầu gội, xà bông... Mang theo tất cả vì cứ lo vào Sài Gòn mấy thứ này... không biết mua ở đâu! Thật dại!
20 tuổi, mỗi ngày đi bộ không dưới 20km đi học, đi bán báo, bán vé số nuôi thân. Nhịn đói, ăn cơm xì dầu sống qua ngày. Nhiều lúc đi bộ từ lầu 5 ký túc xá xuống đất dự định mua gói xôi ăn sáng, xuống tới nơi đắn đo mãi: 1.000 đồng đủ mua bó rau muống ăn trưa. Chấp nhận thói quen nhịn ăn sáng vậy.
21 tuổi, anh Việt cùng phòng tặng chiếc xe đạp, kết thúc hành trình đi bộ, nghỉ bán vé số, chuyển sang làm tiếp thị, phục vụ đám cưới, hội chợ, dạy kèm... suốt ba năm đi đủ nơi, làm đủ chỗ. Một ngày có thể đạp xe gần 100km đi làm.
22 tuổi, không đủ 47.000 đồng mua vé xe về tết, may Thành đoàn hỗ trợ vé xe, nhận học bổng sinh viên nghèo học giỏi của Thành đoàn, lần đầu tiên trong đời sở hữu một số tiền lớn... dữ dội như vậy (1 triệu đồng). Tập trung cho tốt nghiệp, nghỉ làm thêm hằng ngày ca 6g-20g để “ngồi thiền” ở sảnh C học bài.
23 tuổi là tân cử nhân, là giảng viên, là chuỗi ngày ăn cơm nguội chan xì dầu và nước mắt. Mất xe đạp, tài sản duy nhất để đi dạy.
24 tuổi, đậu cao học, nghèo đói vẫn theo đuổi, chạy đủ nơi, dạy đủ chỗ nuôi thân. Ai bảo giáo viên là sướng?
28 tuổi, bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ loại xuất sắc. 29 tuổi, thi đậu nghiên cứu sinh.
Nhìn lại đời mình, tôi thấy: không loại bỏ được khó khăn ra khỏi cuộc đời thì hãy coi nó như một người bạn và tự mình thay đổi để được sống hòa thuận cùng người bạn của mình. Đói nghèo, gian nan sẽ là cơ hội tốt để ta rèn luyện, thử thách chính mình.
7-8 tuổi, Nguyễn Đình Quốc Cường đã biết một buổi đến lớp, một buổi phụ cha mẹ lên rẫy. Nhà nghèo, đông con, cậu út Cường đã quen với việc chăn bò song song thời gian đi học. Ước mơ nghèo khó của ngày bé cứ lớn mãi theo cậu, để từng có lúc Cường muốn bỏ học vì gia cảnh khó khăn quá. Nhưng cảnh nghèo không quật ngã được cậu bé. Cường vào đại học và là người duy nhất của cả hai bên nội ngoại được học hành tới nơi tới chốn, mà nói như lời Cường là học thay cho bảy anh chị của mình. Niềm vui trong ngôi nhà nghèo khó ấy càng nhân lên bội phần khi Cường tốt nghiệp thạc sĩ và được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh chuyên ngành triết học vào tháng 3 vừa qua. Hiện Cường giảng dạy tại bộ môn Mác - Lênin Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và thỉnh giảng tại năm trường ĐH, CĐ, trung cấp khác. “Vượt khó tôi không sợ, bây giờ mỗi khi về thăm gia đình tôi vẫn phụ cha mẹ chăn bò ngoài đồng. Tôi nhận ra mình còn thiếu nhiều kỹ năng trong cuộc sống, và đó là lý do vì sao lần đầu tiên tôi lập blog tham dự cuộc thi để có mặt tại trại kỹ năng sống lần 2 này” - Cường chia sẻ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận