05/01/2010 12:06 GMT+7

9 tài năng bóng đá "chết yểu" trong thập niên qua

Đ.K.L. (Theo Goal)
Đ.K.L. (Theo Goal)

TTO - Bắt đầu thập niên 2000, đây là 9 cái tên khiến những ông lớn “phát sốt” và đưa ra những lời đề nghị hấp dẫn. Nhưng giờ đây nhiều người đang chơi ở những đội bóng rất nhỏ và số còn lại thật may mắn khi người hâm mộ vẫn còn nhớ tên họ. Dưới đây là bình chọn của trang web bóng đá uy tín Goal.com theo thứ tự ưu tiên giảm dần.

9. Marat Izmailov

821hVIJy.jpgPhóng to

Izmailov trong màu áo Lokomotiv Moscow - Ảnh: Footballpictures

Chỉ mất sáu tháng để Izmailov từ băng ghế dự bị của CLB Lokomotiv Moscow đến một suất chính thức trong đội hình tuyển Nga. Với kỹ thuật tốt, khả năng dẫn dắt và bản năng ghi bàn, năm 2001 Izmailov được coi là tài năng hứa hẹn nhất của bóng đá xứ sở bạch dương. Năm 2002, Izmailov là đạo diễn chính đưa Lokomotiv Moscow vô địch nước Nga, chiếm một suất chính thức trong đội hình tuyển Nga tại World Cup 2002 và được bầu chọn là cầu thủ trẻ xuất sắc nhất của Nga.

Tuy nhiên sau đó những chấn thương dai dẳng đã khiến Izmailov chưa bao giờ có thể hoàn thành một mùa bóng, và từ đó anh dần đánh mất sự tự tin cũng như một suất ra sân chính thức. Trận đấu cuối cùng của Izmailov cho tuyển Nga là vào năm 2006. Năm 2007 anh chuyển đến Sporting Lisbon với hi vọng cứu vãn sự nghiệp nhưng anh chưa bao giờ ở tình trạng thể lực tốt nhất. Bây giờ ở tuổi 27, Izmailov kém xa Andre Arshavin - người mà cách đây vài năm không thể so sánh với anh.

8. Javier Portillo

7vuJ9L7e.jpgPhóng to
Portillo trong màu áo Real Madrid - Ảnh: imgerv

Khi được HLV Vincente Del Bosque trình làng ở đội hình chính thức của Real Madrid năm 2002, tiền đạo 20 tuổi này được coi là người sẽ kế tục ngôi vị của Raul tại CLB. Trong mùa bóng đầu tiên, dù chỉ ngồi ghế dự bị nhưng Portillo đã ghi năm bàn trong 10 trận tại La Liga và tám bàn tại Cúp nhà vua. Mỗi khi Portillo khởi động, cả khán đài hô vang tên anh. Portillo đang trên đường trở thành thần tượng tại Real Madrid.

Tuy nhiên năm 2003, HLV Del Bosque bị sa thải và kéo theo đó là giấc mơ vỡ vụn của Portillo. Trong mùa bóng tiếp theo, anh chỉ ghi được duy nhất một bàn thắng, rồi bị cho Fiorentina, Brugge mượn và các HLV tiếp theo chưa bao giờ muốn anh trở lại sân Bernabeu.

Đánh mất sự tự tin, Portillo trở thành cầu thủ dự bị tại Osasuna và thường xuyên bỏ lỡ những cơ hội ngon ăn. Mới tháng trước anh chuyển sang thi đấu cho đội hạng nhì Alicante.

7. Freddy Adu

2DK87bb5.jpgPhóng to
Vua bóng đá Pele ôm hôn Adu - Ảnh: Africahit

Lúc mới 12 tuổi, cầu thủ Mỹ gốc Ghana này được cho là thần đồng lớn nhất mọi thời đại và có rất nhiều CLB của Ý theo đuổi. Năm 14 tuổi, Adu trở thành VĐV chuyên nghiệp trẻ tuổi nhất trong vòng 100 năm của CLB DC United và ghi bàn thắng đầu tiên tại giải MLS (giải chuyên nghiệp Mỹ) vào năm 15 tuổi. Nhưng tài năng của anh đã tàn lụi, một phần do truyền thông “bơm” quá mức.

Năm 2007, Adu chuyển sang Benfica rồi được cho Monaco mượn một năm sau đó. Năm nay anh được cho CLB Belenenese, một CLB hạng thấp của Bồ Đào Nha, mượn.

6. Fabian Carini

tfbaPiiA.jpgPhóng to
Một pha bắt bóng của Carini - Ảnh: Sporting-Heroes

Năm 1999, ở tuổi 19 Carini đã đưa Uruguay vào chung kết Copa America, trong đó có những màn bắt phạt đền tuyệt vời ở vòng ngoài khi loại Paraguay và Chile. Ngay lập tức Juventus - CLB vốn nổi danh “đào tạo” những thủ môn hàng đầu - đưa anh về sân Del Alpi và … “nhốt” hai năm trên băng ghế dự bị mà không cho ra sân lần nào.

Sau đó Standard Liege mượn anh trong một thời gian ngắn và Carini đã tỏa sáng. Và một ông lớn của Ý, lần này là Inter Milan đã mua Carini - thủ môn đầy tiềm năng cho tương lai. Trớ trêu thay, cũng như Juventus, Inter Milan đã giam Carini gần ba năm trên ghế dự bị với rất ít lần được ra sân.

Carini buộc phải cứu vãn sự nghiệp bằng việc chuyển sang Cagliari nhưng cũng không thành công, rồi sang CLB hạng nhì Murcia của Tây Ban Nha. Bây giờ ở tuổi 30, Carini đang bắt cho Atletico Mineiro và có lẽ sẽ không bao giờ trở lại châu Âu.

5. Stefano Fiore

nIdGGYKE.jpgPhóng to
Fiore trong màu áo tuyển Ý - Ảnh: Sporting-Heroes

Năm 1999, Fiore - khi đó đang thi đấu cho Udinese - là cầu thủ hứa hẹn nhất của nước Ý. Tại Euro 2000, HLV Dino Zoff đã phải kéo Totti chơi lùi về và “đá” Del Piero lên băng ghế dự bị để Fiore có thể chơi ở vị trí ưa thích. Và Fiore đã đưa đội Ý vào chung kết.

Mùa hè năm đó Fiore được Lazio - một thế lực lúc bấy giờ tại Serie A - đưa về với giá 20 triệu euro. Và đó là lúc anh xuống dốc. HLV Zaccheroni của Lazio không xếp anh đúng vị trí, HLV Trapattoni của tuyển Ý không tin tưởng. Năm 2004 chơi cho Valencia của Fiore cũng là thảm họa.

Hiện nay ở tuổi 34, Fiore đang chơi cho CLB hạng ba Cosenza.

4. Francisco Pavon

i65nGF9n.jpgPhóng to
Pavon khi còn thi đấu cho Real Madrid - Ảnh: Sporting-Heroes

Pavon trở nên nổi tiếng thế giới nhờ vào thuật ngữ “Zidane và Pavon”, trong đó thể hiện chính sách của chủ tịch Real Madrid: mua những ngôi sao đỉnh như Zidane và đôn lên từ đội trẻ những tài năng như Pavon. Năm 2001, Pavon được đưa lên đội hình chính với kỳ vọng sẽ kế tục huyền thoại Fernando Hierro.

Vào đầu sự nghiệp Pavon được tin tưởng tuyệt đối, nhưng dần dần anh mắc sai lầm thường xuyên rồi đánh mất sự tin tưởng của các HLV, bị đưa lên ghế dự bị năm 2004 và đến năm 2005 Pavon mất tên khỏi danh sách của Real Madrid.

Năm 2007 anh ký hợp đồng với Real Zaragoza và tại CLB nhỏ này Pavon vẫn chỉ là cầu thủ dự bị.

3. El Hadji Diouf

gP1RH4fE.jpgPhóng to
Diouf (trái) vướng vào rắc rối nhiều hơn ghi bàn - Ảnh: Daily Mail

Năm 2002, Diouf là ngôi sao chính của Senegal lọt vào tứ kết World Cup 2002. Nền tảng kỹ thuật hoàn hảo, thể lực tốt, nhanh nhẹn … ở tuổi 21 Diouf là thần đồng hứa hẹn nhất. Liverpool nhanh tay nhất khi có Diouf với giá 10 triệu euro trong mùa hè năm đó.

Trong mùa bóng đầu tiên ở Liverpool, Diouf ghi được ba bàn. Nhưng trong mùa tiếp theo anh không tài nào khai hỏa. Đã thế anh còn gây nhiều rắc rối ngoài sân cỏ. Năm 2004, HLV Benitez “đá” Diouf khỏi sân Anfield và anh lưu lạc qua Bolton, Sunderland rồi Blackburn.

Năm ngoái ở tuổi 28 Diouf đã quyết định giã từ đội tuyển, tập trung cho sự nghiệp ở CLB nhưng số bàn thắng anh ghi được vẫn không tăng lên.

2. Antonio Cassano

eqW3i6Hb.jpgPhóng to
Dù có tài thật sự nhưng tính khí đồng bóng đã khiến Cassano không thể thành ngôi sao lớn - Ảnh: fytosport

Thần đồng bóng đá của Ý vào đầu thập kỷ, hợp với Totti và Montella tạo thành bộ ba nguyên tử thứ hai tại Roma (sau bộ ba nguyên tử Totti - Montella - Batistuta). Nhưng tính vô kỷ luật của Cassano đã hại anh khi gặp ông thầy Capello nghiêm khắc. Cassano liên tục gặp bê bối ngoài sân cỏ và mất vị trí chính thức.

Dù mất phong độ nhưng Cassano vẫn được Real Madrid mua về với giá rất cao. Tại đây anh cũng chỉ ngồi ghế dự bị và càng sa sút hơn khi HLV Capello sang đây cầm quân.

Hiện nay Cassano đang chơi cho CLB trung bình Sampdoria và vẫn còn rất nhiều người nuối tiếc cho tài năng của anh, bằng chứng vẫn đang có một cuộc tranh cãi nên hay không HLV Lippi gọi anh vào tuyển Ý trong khi vị HLV đầu bạc này luôn trả lời là không.

1. Gaizka Mendieta

QhFA3PPe.jpgPhóng to
Khi ký hợp đồng với Lazio, Mendieta không hề biết đó cũng là lúc anh bắt đầu “bỏ quên” tài năng của mình - Ảnh: ajanspor

Có lẽ tiền vệ người Tây Ban Nha là tài năng bị đánh mất đáng tiếc nhất trong thập niên qua của bóng đá thế giới. Dưới thời HLV Ranieri, Mendieta bắt đầu tỏa sáng ở vị trí cánh trái của Valencia và sau đó dưới sự dẫn dắt của HLV Cuper, Mendieta chính là đạo diễn sân cỏ đưa Valencia lọt vào chung kết Champions League hai năm liên tiếp. UEFA đã hai lần liên tiếp bầu chọn anh là tiền vệ xuất sắc nhất năm, và Mendieta đã đến rất gần với danh hiệu Quả bóng vàng hay Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới của FIFA.

Barcelona và Real Madrid phát điên lên với Mendieta, nhưng cuối cùng Valencia đã bán anh cho Lazio với giá 48 triệu euro vào năm 2001. Mendieta trở thành cầu thủ đắt giá thứ sáu trong lịch sử bóng đá thế giới. Nhưng Lazio lại là “mồ chôn” Mendieta. Không hòa nhập được tại Ý, Mendieta không được gọi vào tuyển Tây Ban Nha tại World Cup 2002. Và dù được trở về thi đấu tại Tây Ban Nha cho Barcelona trong mùa bóng 2002-2003 nhưng Mendieta chưa bao giờ lấy lại được phong độ cũ. Sau đó là giai đoạn Mendieta chơi không thành công tại Middlesbrough (Anh).

Năm 2008, Gaizka Mendieta tuyên bố giải nghệ trong sự thờ ơ của giới truyền thông lẫn người hâm mộ.

Đ.K.L. (Theo Goal)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên