02/11/2010 07:46 GMT+7

7 phút và 4 công cụ giám sát

NGUYÊN LÂM
NGUYÊN LÂM

TT - Sáng 1-11-2010, tại phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết đã phát biểu: “Căn cứ hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội, tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức cho Quốc hội biểu quyết thành lập ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm các thành viên Chính phủ.

Trên cơ sở đó bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có liên quan...”. “Ngay sau đây, tôi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) như một kiến nghị chính thức từ đại biểu” - ông Thuyết nói thêm.

Như vậy, chỉ trong một đoạn phát biểu ngắn của đại biểu QH, có thể nhận thấy ba công cụ giám sát của QH và đại biểu QH: một là bỏ phiếu tín nhiệm đối với các thành viên Chính phủ, hai là thành lập Ủy ban điều tra của Quốc hội, ba là quyền kiến nghị của cá nhân đại biểu QH. Bên cạnh đó, chính phiên thảo luận toàn thể cũng là một công cụ giám sát của QH đối với các cơ quan nhà nước.

Trước hết, các đại biểu QH, mà trong trường hợp này là đại biểu Nguyễn Minh Thuyết và Lê Văn Cuông, đã lên tiếng tại diễn đàn công cộng lớn nhất đất nước về món nợ khổng lồ của Vinashin.

Thứ hai, hai đại biểu QH kiến nghị thành lập ủy ban điều tra. Ủy ban điều tra là hình thức giám sát chính phủ hiệu quả của nghị viện nhiều nước. Nhưng ở Việt Nam, chưa bao giờ Quốc hội thành lập ủy ban như vậy, và cũng chỉ mới có ông Nguyễn Đức Dũng, đại biểu QH khóa XI, từng kiến nghị ủy ban điều tra về thực trạng giáo dục. Có điều trong Luật tổ chức QH mới chỉ quy định chung chung về dạng ủy ban này, nhưng để nó trở thành công cụ giám sát hiệu quả, cần có những quy định cụ thể hơn nhiều về thủ tục thành lập, thẩm quyền, thủ tục hoạt động, tính độc lập...

Thứ ba, đại biểu QH Nguyễn Minh Thuyết “đề nghị Ủy ban Thường vụ QH tổ chức cho QH biểu quyết thành lập ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm các thành viên Chính phủ”. Rồi ông tiếp: “Ngay sau đây, tôi trình Ủy ban Thường vụ QH như một kiến nghị chính thức từ đại biểu”. Như vậy, ông sử dụng một quyền rất hiệu năng của đại biểu QH, được sử dụng rất nhiều ở các nước nhưng đại biểu QH Việt Nam lại rất ít sử dụng - quyền kiến nghị.

Nếu ông chỉ đề nghị một cách chung chung tại phiên họp, nó cũng đã gây tiếng vang rồi, vì đây là diễn đàn QH. Nhưng ông Thuyết còn tiến thêm một bước: “kiến nghị chính thức” với tư cách đại biểu QH. Và kiến nghị của đại biểu QH Nguyễn Minh Thuyết đã được đại biểu QH Lê Văn Cuông ủng hộ. Có nghĩa là theo nguyên tắc, ít nhất Ủy ban Thường vụ QH phải họp bàn, quyết định xem có cần tổ chức để QH biểu quyết thành lập ủy ban điều tra hay không.

Thứ tư, đại biểu QH nhắc đến bỏ phiếu tín nhiệm. Đây cũng là công cụ giám sát rất hiệu quả ở nghị viện nhiều nước, mặc dù ít khi được sử dụng, nhờ tính chất răn đe, như thanh bảo kiếm luôn treo lơ lửng, buộc chính phủ hoạt động cẩn trọng hơn. Ở QH Việt Nam, cơ chế này chưa phát huy được tác dụng vì những điều kiện khởi xướng bỏ phiếu quá khó khăn. Nhưng từ phía cá nhân đại biểu QH, đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm lại có sức nặng riêng của nó mà không phải ai cũng biết và dám sử dụng.

Chỉ qua một đoạn phát biểu ngắn trong vòng bảy phút, một đại biểu QH đã sử dụng các công cụ hiện có trong tay để thực thi nhiệm vụ của một đại biểu QH - giám sát hoạt động của Chính phủ để bảo đảm đi đúng quỹ đạo phục vụ lợi ích quốc gia và quyền lợi của cử tri.

Đây đã là kỳ họp áp chót của QH khóa XII. Cơ hội nói tại QH không còn nhiều. Bảy phút cho mỗi lần phát biểu quá ngắn. Nhưng bảy phút cũng nói được rất nhiều để lên tiếng về những chuyện của dân, của nước.

NGUYÊN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên